Chất lượng tài sản của ngân hàng được kỳ vọng cải thiện hơn

16:08 11/08/2024
Mặc dù ở thời điểm hiện tại, áp lực nợ xấu vẫn còn ở mức cao, tuy nhiên nhiều nhận định cho thấy khả năng sẽ hạ nhiệt dần cùng với đà phục hồi của nền kinh tế.

Mùa báo cáo tài chính quý II/2024 đã khép lại với các con số tăng trưởng lợi nhuận khá tích cực đến từ ngành ngân hàng. Theo dữ liệu của FiinPro, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng niêm yết tăng 22% so với cùng kỳ, tiếp tục đóng góp chính vào lợi nhuận toàn thị trường. Bên cạnh con số tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng, bức tranh nợ xấu đi kèm với nỗi lo về chất lượng tài sản của các ngân hàng cũng đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

Nợ nhóm 2 tăng mạnh

Tại tọa đàm về xử lý nợ xấu tổ chức đầu tháng 8/2024, ông Lê Trung Kiên - Phó cục trưởng Cục 4, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Tính đến cuối tháng 6/2024, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ở mức 4,56%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023 và mức 2,03% cuối năm 2022. Tổng nợ xấu nội bảng, nợ tại Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 6/2024 chiếm tỷ lệ 6,44% so với tổng dư nợ.

Tỷ lệ nợ xấu tăng được ghi nhận ở hầu hết các ngân hàng trong bối cảnh kinh tế ảm đạm và do tác động một phần từ việc phân loại CIC. Đặc biệt, việc thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn trong thời gian qua đã làm gia tăng nhiều khoản nợ xấu liên quan đến cho vay bất động sản ở các tổ chức tín dụng, bao gồm cả nhóm khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân.

Theo thống kê của Công ty CP Chứng khoán Agribank (Agriseco), trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2024, tổng nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) trong xu hướng tăng tương đối mạnh với mức tăng khoảng 12% so với thời điểm 31/12/2023. Trong số đó, có một số ngân hàng có mức tăng so với đầu năm như MSB (+33%), VPB (+25%), OCB (+23%), TCB (+9%)…

Trong khi đó, bộ đệm xử lý dự phòng lại đang trong xu hướng giảm đáng kể sau khi các tổ chức tín dụng tăng cường mức trích lập ở giai đoạn trước. Đối với các ngân hàng đã công bố số liệu bán niên, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu (LLR) đã giảm từ mức bình quân 79% thời điểm đầu năm xuống 68% thời điểm 30/6/2024.

Các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao tiếp tục tập trung ở nhóm ngân hàng Nhà nước như VCB (212%), (BID (132%), CTG (113%) và Agribank (114%); trong khi hầu hết các ngân hàng thương mại tư nhân có bộ đệm giảm như TCB, LPB, MBB, HDB, VPB, STB, ACB…

Đánh giá của về tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nợ xấu đang có xu hướng tăng và đây là thách thức không chỉ của ngành ngân hàng mà còn của toàn nền kinh tế.

Theo Agriseco, chất lượng tài sản có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Ảnh: BNEWS phát.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, nợ xấu là hệ quả của cả một quá trình, không phải do yếu kém của ngành ngân hàng. Tất nhiên, có một số khoản nợ xấu cũng do cán bộ tín dụng khi thẩm định không lường được khả năng trả nợ và rủi ro của khách hàng, nhưng về cơ bản nợ xấu là do yếu tố khách quan khó khăn chung của nền kinh tế, khiến khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm. Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp xử lý tích cực hơn, đảm bảo chất lượng tín dụng và kiểm soát nợ xấu, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro để đảm bảo an toàn ngân hàng.

Kỳ vọng chất lượng tài sản sẽ cải thiện hơn 

Trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng tăng, các tổ chức tín dụng đang đẩy mạnh việc thu hồi, xử lý nợ dù hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn, trắc trở.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 167.300 tỷ đồng nợ xấu, tăng 52.400 tỷ đồng (tăng 45,6%) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro ở mức cao 82.600 tỷ đồng, chiếm 49,4% tổng nợ xấu được xử lý và tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh việc xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro, khách hàng trả nợ đạt 60.600 tỷ đồng, bán phát mại tài sản đảm bảo đạt 4.110 tỷ đồng; bán nợ cho VAMC đạt 2.560 tỷ đồng và một số hình thức khác.

Trong khi đó, áp lực trích lập dự phòng dự kiến cũng sẽ chưa tăng mạnh trong năm 2024, nhờ việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm 2024 nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Chính sách này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho ngành ngân hàng giảm thiểu rủi ro nợ xấu gia tăng, áp lực tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Điều này góp phần củng cố bộ đệm dự phòng cho các ngân hàng và kỳ vọng kết quả kinh doanh năm 2024 lạc quan hơn. Đồng thời, Thông tư 06/2024/TT-NHNN cũng sẽ hỗ trợ người đi vay có thêm thời gian trả nợ, từ đó nợ xấu tiềm tàng khả năng sớm được giải quyết chấm dứt trong thời gian tới.

Mặc dù ở thời điểm hiện tại, áp lực nợ xấu vẫn còn ở mức cao, tuy nhiên nhiều nhận định cho thấy khả năng sẽ hạ nhiệt dần cùng với đà phục hồi của nền kinh tế.

Theo ông Barry Weisblatt David, Giám đốc Khối phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, mặc dù phải thừa nhận chất lượng tài sản đã suy giảm trong thời gian gần đây nhưng chất lượng tài sản sẽ phục hồi trong những tháng tới khi nền kinh tế Việt Nam được cải thiện. Hơn nữa, Luật Bất động sản mới sẽ giúp các ngân hàng dễ dàng hơn trong việc ghi nhận giá trị từ tài sản thế chấp. 

“Quan trọng hơn, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, vượt mục tiêu 15% của Ngân hàng Nhà nước sẽ thúc đẩy thu nhập. Đồng thời, đồng USD suy yếu sẽ giảm bớt sức ép phải có hành động thắt chặt chính sách nhằm hỗ trợ tỷ giá từ phía Ngân hàng Nhà nước. Từ đó, giảm nguy cơ khiến mặt bằng lãi suất tăng cao, điều vốn có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng”, ông Barry Weisblatt David cho biết.

Các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, quy mô nợ xấu sẽ giảm nhẹ vào cuối năm khi các ngân hàng có vị thế về lợi nhuận trước dự phòng tốt hơn so với năm 2023 để tiếp tục hấp thụ và làm sạch bảng cân đối. Ngoài ra, hoạt động kinh tế phục hồi giúp giảm áp lực nợ xấu hình thành và giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu.

Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng mới công bố, các chuyên gia của Agriseco có quan điểm thận trọng hơn với chất lượng tài sản của toàn ngành khi kinh tế vẫn cần thêm thời gian cải thiện, thậm chí kéo dài tới năm 2025.

Theo Agriseco, chất lượng tài sản có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải; còn nhóm ngân hàng có tỷ trọng tín dụng doanh nghiệp cao (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024 – 2025.

Tuy vậy, xét trên tổng thể, Agriseco dự báo, nợ xấu sẽ tăng chậm lại so với năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong quý cuối năm. Các yếu tố hỗ trợ thị trường bao gồm các chỉ số vĩ mô kỳ vọng có nhiều khởi sắc hơn vào các tháng cuối năm; chính sách hỗ trợ của ngân hàng thông qua chương trình lãi suất ưu đãi; đồng thời, Chính phủ tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ những vấn đề pháp lý để các doanh nghiệp tiếp tục triển khai mở rộng hoạt động kinh doanh - sản xuất.

Nguồn: bnews.vn

Bình luận