Đồ nhựa dùng một lần chiếm 52% rác nhựa bờ biển
Cụ thể, theo Báo cáo phân tích nguồn ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, mức độ ô nhiễm bờ sông dựa trên khảo sát thực địa, chất thải nhựa chiếm 79,7% về số lượng và 57,2% về trọng lượng. Các đồ nhựa dùng một lần chiếm 72% tổng lượng rác thải nhựa.
Số lượng rác thải nhựa trung bình ở các vị trí bờ sông thuộc khu vực đô thị cao hơn gần gấp hai lần so với số lượng trung bình ở các vị trí bờ sông thuộc khu vực nông thôn. Số lượng các mảnh nhựa ven sông tại Cần Thơ, TP.HCM và Lào Cai cao hơn so với các địa điểm khác, trong khi số lượng các mảnh nhựa trên các bãi sông ở tỉnh Sóc Trăng là thấp nhất.
Mức độ ô nhiễm bờ biển dựa trên khảo sát thực địa, rác thải nhựa chiếm 95,4% tổng lượng chất thải rắn. Các phân tích cho thấy mật độ ô nhiễm chung ở Thừa Thiên - Huế, TP.HCM và Quảng Nam cao hơn đáng kể so với ở các địa điểm khác. Mật độ đồ nhựa thấp hơn đáng kể ở Hải Phòng và Đà Nẵng.
Các đồ nhựa dùng một lần chiếm 52% tổng lượng chất thải nhựa tìm thấy tại các vị trí khảo sát ven biển. Kết quả đo lường Chỉ số Bờ biển sạch (CCI) cho thấy 10 vị trí (chiếm 71,4% tổng số) là cực kỳ bẩn (chỉ số CCI trên 20), hai vị trí ở mức bẩn (chỉ số CCI từ 10 đến 20), và hai vị trí khác ở mức trung bình (chỉ số CCI từ 5 đến 10).
Chỉ số CCI cao nhất được ghi nhận tại bãi biển Bình Lập (379) và Mỹ Ca (192) ở Khánh Hoà, bãi biển Lai Hòa ở Sóc Trăng (176), Bãi Trường trên đảo Phú Quốc (163) và bãi biển Bến phà Gót ở Hải Phòng (73).
Mức độ ô nhiễm trên sông và dọc sông dựa trên khảo sát viễn thám và lưới kéo, tình trạng rác thải là đáng báo động ở tất cả các vị trí được điều tra; những vị trí không có nhiều rác tích tụ, nhựa thường bị mắc kẹt trong thảm thực vật trên bờ hoặc trôi nổi trên sông.
Về mật độ, 10 loại rác thải nhựa phổ biến nhất tại bờ sông chiếm từ 81,5% (sông Mê Kông) đến 93,4% (sông Hồng) tổng lượng rác thải nhựa. Tại các vị trí ven sông ở cả nông thôn và thành thị, túi ni lông cỡ 1 (0 - 5kg) là vật dụng thường gặp nhất, chiếm 20,6% và 22%, về số lượng, tương ứng tại nông thôn và thành thị. Do đó, kết quả trung bình chung của các cuộc khảo sát tại các khu vực sông cho thấy 21,9% tổng lượng rác thải nhựa là túi nhựa loại từ 0 - 5 kg, tiếp theo là hộp xốp đựng thực phẩm và mảnh nhựa mềm (chủ yếu bao gồm mảnh nhựa của túi ni lông).
Tại các vị trí ven biển, 10 loại rác thải nhựa hàng đầu chiếm 84% tổng lượng rác thải nhựa. Trong số đó, rác thải liên quan đến nghề cá là phổ biến nhất (32,5%), tiếp theo là mảnh nhựa mềm (18,1%), túi nhựa cỡ 1 (0–5kg) (7,1%) và hộp xốp đựng thực phẩm (6,8%). Các đồ nhựa dùng một lần chiếm 52%.
Tại các địa điểm khảo sát, các vật nhựa sau được tìm thấy nhiều nhất (từ nhiều nhất đến ít nhất): Polystyrene, bao gồm hộp đựng thực phẩm (40%), nắp cốc, nắp và nhựa nhỏ (19%), túi LDPE, Bao bì và chai PET (18%).
Tại nhánh sông Chanh Dương 2 ở Hải Phòng, trong vòng hơn sáu giờ, tổng lượng rác thu gom là 121 mảnh, trong đó nhiều nhất là bao bì và bao bì khác (41,3%), và xếp thứ hai là túi nhựa (30,6%).
Có sản phẩm thay thế cho hầu hết các đồ nhựa dùng một lần
Không chỉ đưa ra các kết quả nghiên cứu như trên nhằm tăng cường hiểu biết về các loại chất thải nhựa bị rò rỉ ra sông ngòi và đại dương ở Việt Nam, Báo cáo phân tích nguồn ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam của Ngân hàng Thế giới còn đồng thời xác định các lựa chọn thay thế tiềm năng trên thị trường.
Theo đó, kết quả phân tích sơ bộ các sản phẩm thay thế cho thấy trên thị trường Việt Nam đã có các sản phẩm thay thế cho hầu hết các đồ nhựa dùng một lần (SUPs) được xác định cần ưu tiên. Những lựa chọn thay thế này chủ yếu là cho túi nhựa và rác thải liên quan đến thực phẩm mang đi.
Trong khi các sản phẩm thay thế hiện thường có giá cao hơn sản phẩm nhựa dùng một lần (SUP) tương ứng, hầu hết các sản phẩm thay thế là sản phẩm có thể tái sử dụng.
Về nguyên tắc, mục tiêu là không nên thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần bằng các đồ dùng một lần không phải bằng nhựa hoặc các đồ dùng nhiều lần bằng nhựa, vì những đồ dùng này cũng có thể gây tác động tiêu cực và có thể không phù hợp với lộ trình hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn.
Do đó, trong việc khuyến khích các sản phẩm thay thế, cần tập trung vào khuyến khích các sản phẩm có thể tái sử dụng không phải bằng chất liệu nhựa để giảm thiểu tổng thể việc phát sinh chất thải nhựa.
Tuy nhiên, đặc biệt đối với ống hút nhựa, do có sẵn nguồn nguyên liệu thay thế tương đối rẻ, mức độ chấp nhận của người tiêu dùng cao và có nhiều nhà sản xuất sản phẩm thay thế, việc sử dụng các lựa chọn thay thế dùng một lần đối với ống hút nhựa đã tương đối phổ biến.
Ngoài ra, các lựa chọn thay thế này cũng đã được tiêu thụ với số lượng tương đương với ống hút nhựa. Việc khuyến khích các sản phẩm thay thế khác thông qua các chính sách và ưu đãi, đồng thời hỗ trợ chuyển đổi sang mô hình tái sử dụng bằng cách bù đắp cho đơn giá cao hơn, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cắt giảm hơn nữa các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, nguyên nhân gây ra phần lớn ô nhiễm nhựa tại Việt Nam.