
Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương (PVTM) cho biết, ngày 19/3, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố Kế hoạch hành động về thép và kim loại với các biện pháp để duy trì và mở rộng năng lực công nghiệp của châu Âu (EU), nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành và bảo vệ tương lai của ngành.
Kế hoạch hành động được xây dựng dựa trên 06 trụ cột riêng biệt, gồm: (1) Đảm bảo năng lượng sạch dồi dào và giá cả phải chăng; (2) Ngăn ngừa rò rỉ carbon; (3) Thúc đẩy và bảo vệ năng lực công nghiệp của EU; (4) Thúc đẩy tính tuần hoàn cho kim loại; (5) Bảo vệ việc làm chất lượng cao trong các ngành công nghiệp; (6) Giảm thiểu rủi ro thông qua các thị trường chủ đạo và hỗ trợ đầu tư.
Theo Cục PVTM, các biện pháp chính mà EC công bố có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai gần.
Trong đó, về mở rộng CBAM đối với các sản phẩm thép và nhôm hạ nguồn, EC xác định khả năng rò rỉ carbon trong các hàng hóa thuộc phạm vi CBAM có thể chuyển dịch xa hơn trong chuỗi giá trị, như việc lẩn tránh thông qua sửa đổi không đáng kể các hàng hóa cơ bản của CBAM, hoặc khi "người tiêu dùng EU” bắt đầu ưa chuộng các hàng hóa hạ nguồn nhập khẩu từ các nhà sản xuất ở các quốc gia thứ ba có chính sách khí hậu yếu hơn.
Do đó, EC sẽ đánh giá toàn diện CBAM vào quý 4/2025, đi kèm với chiến lược chống lẩn tránh và đề xuất "mở rộng phạm vi của CBAM đối với các sản phẩm hạ nguồn sử dụng nhiều thép và nhôm", cùng với các biện pháp chống lẩn tránh bổ sung.
Trong việc thúc đẩy và bảo vệ năng lực công nghiệp của EU, các thay đổi chính bao gồm: Thắt chặt ngay lập tức biện pháp tự vệ thép hiện tại của EU; Thay thế biện pháp tự vệ thép của EU bằng biện pháp dài hạn hơn; Điều tra phòng vệ thương mại đối với ngành nhôm; Quy tắc xuất xứ "nấu chảy và đúc" cho kim loại.
Bên cạnh đó, EC cũng thể hiện lập trường trong sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo hướng, sẽ có sự điều chỉnh cơ bản cách tiếp cận tiến hành điều tra phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm thép và kim loại.
Nhằm thúc đẩy tính tuần hoàn của kim loại, EC sẽ đưa ra các biện pháp tăng cường tính tuần hoàn trong các ngành thép và kim loại, chủ yếu khắc phục tình trạng nguồn cung thép phế liệu dùng cho tái chế đang giảm sút, gồm: Yêu cầu về hàm lượng tái chế; Biện pháp thương mại để đảm bảo đủ nguồn cung phế liệu.
Cuối cùng, để giảm thiểu rủi ro cho các dự án khử carbon thông qua các thị trường chủ đạo và hỗ trợ công, EC cũng nêu rõ ý định giới thiệu các biện pháp có khả năng ảnh hưởng đến nhập khẩu thép và kim loại vào EU nhằm thúc đẩy các thị trường chủ đạo, khuyến khích áp dụng rộng rãi các kim loại có lượng carbon thấp…
Cục PVTM khuyến nghị Hiệp hội và các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu các sản phẩm thép, nhôm rà soát lại các hoạt động sản xuất, xuất khẩu sang EU và theo dõi chặt chẽ các động thái của thị trường để kịp thời xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp cần thiết.
Thông tin từ Thông tấn xã Việt Nam ngày 21/3 cho biết, ông Stéphane Séjourné - Ủy viên phụ trách công nghiệp EU phát biểu rằng, việc khôi phục ngành thép không chỉ là lựa chọn chiến lược mà còn là cam kết lịch sử, khi tiến trình hội nhập EU khởi đầu từ Cộng đồng Than và Thép vào năm 1951. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tái áp thuế 25% lên toàn bộ kim loại nhập khẩu, đe dọa ngành thép EU vốn đã suy yếu trong nhiều năm.
Về dài hạn, EU đặt mục tiêu phát triển ngành thép ít carbon thông qua sử dụng năng lượng tái tạo, hydro xanh và phế liệu tái chế tại chỗ. EC cam kết sẽ đề xuất các biện pháp thay thế cho cơ chế bảo hộ hiện hành vốn bị giới hạn pháp lý trong vòng 08 năm, bao gồm các cuộc điều tra về hành vi bán phá giá, trợ cấp không công bằng và áp dụng các biện pháp giám sát mới như truy vết nguồn gốc kim loại từ khâu nấu chảy và đúc ban đầu.