Tài chính- đầu tư

Chỉ số giá tiêu dùng tháng Tết tăng 0,52%

Chỉ số giá tiêu dùng tháng Tết tăng 0,52%

Huy Thảo Huy Thảo - 19:00, 29/01/2023

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2023 tăng 0,52% so với tháng trước, bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng 34,2%.

Lý giải cho thực tế trên, Tổng cục Thống kê cho rằng, tháng 01/2023 là tháng có Tết Nguyên đán Quý Mão nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp tết.

Đồng thời, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới và điều chỉnh theo mức thuế bảo vệ môi trường từ 01/01/2023 là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2023 tăng 0,52% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2022, CPI tháng 01/2023 tăng 4,89%.

"Trong mức tăng 0,52% của CPI tháng 01/2023 so với tháng trước có 08 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 02 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 01 nhóm hàng giữ giá ổn định" - Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết.

Theo đó, 08 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng bao gồm: nhóm giao thông có mức tăng cao nhất, tăng 1,39% (làm CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm).

Giám sát hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô trong dịp Tết
Ảnh minh họa: Internet.

Tiếp đến là nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,12% do nhu cầu tiêu dùng và sử dụng làm quà biếu tặng trong dịp Tết khiến giá rượu, bia tăng 1,66%; thuốc hút tăng 0,71%; đồ uống không cồn tăng 0,49%.

Bên cạnh đó, là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,82% (tác động làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm). Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,7%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,62%...

Số liệu từ báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố cũng cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2023 tăng 34,2% so với tháng 01/2019.

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 01/2023 ước đạt 435,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng may mặc tăng 27%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 23,8%; lương thực, thực phẩm tăng 17,9%; phương tiện đi lại tăng 14,8%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 7,2%...

Cũng trong tháng 01/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng trước và giảm 21,3% so với cùng kỳ năm trước; Đồng thời kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 21,3% so với tháng trước và giảm 28,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, vận tải hành khách tháng 01/2023 sôi động hơn so với tháng trước khi nhu cầu đi lại và du lịch của người dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán. So với cùng kỳ năm trước, vận tải hành khách tăng 34,7% về vận chuyển và tăng 71,3% về luân chuyển; vận tải hàng hóa tăng 16,2% về vận chuyển và tăng 5,3% về luân chuyển.

Đáng chú ý, theo thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 01/2023 đạt hơn 871 nghìn lượt người, tăng 23,2% so với tháng trước và gấp 44,2 lần cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.

Dẫn số liệu từ báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 01/2023, cả nước có 10,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 99,1 nghìn tỷ đồng.

Đối với hoạt động đầu tư, tập trung chủ yếu vào việc phân khai kế hoạch vốn năm 2023, các công trình mới được bố trí vốn đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư nên khối lượng thực hiện chủ yếu tại các công trình chuyển tiếp.

Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 4% so với kế hoạch năm và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới gấp 3,1 lần cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.

 

Ý kiến của bạn