Đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm
Bộ Xây dựng đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Xây dựng đến năm 2030 tại Quyết định số 11/QĐ-BXD ngày 11/01/2023, với quan điểm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH, CN&ĐMST) là động lực quan trọng, gắn với thực tiễn sản xuất và quản lý của ngành Xây dựng theo hướng nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các công nghệ tiên tiến trên thế giới, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành Xây dựng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát triển KH, CN&ĐMST có trọng tâm, trọng điểm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển ngành Xây dựng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH).
Đảm bảo nguồn lực để phát triển KH, CN&ĐMST ngành Xây dựng, trong đó xác định nguồn lực Nhà nước có vai trò dẫn dắt, nguồn lực xã hội đóng vai trò quyết định, chú trọng phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
Bộ Xây dựng xác định mục tiêu cụ thể là làm chủ việc thiết kế, thi công các công trình có quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật phức tạp: Không gian ngầm, công trình ngầm, dạng điểm, dạng tuyến có chiều sâu lớn hơn 30m, nhà cao trên 150m...
Ứng dụng và chuyển giao các công nghệ xây dựng tiên tiến, đảm bảo tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng BĐKH, góp phần giảm mức phát thải ròng theo lộ trình của Chính phủ.
Nghiên cứu, phát triển các loại vật liệu xây dựng mới, tính năng cao, hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, thân thiện và bảo vệ môi trường; nghiên cứu ứng dụng vật liệu tái chế trong công trình xây dựng.
Đổi mới, hoàn thiện phương pháp luận công tác quy hoạch xây dựng, các quy định liên quan đến quản lý đô thị, kiến trúc đô thị và nông thôn, theo hướng bền vững, hiện đại, có bản sắc và phù hợp với điều kiện phát triển từng địa phương.
Ứng dụng các công nghệ thông minh, tiên tiến hiện đại trong quản lý đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống kỹ thuật trong và ngoài nhà.
Nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp với thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển ngành Xây dựng.
Nghiên cứu cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn để hoàn thành việc biên soạn bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng theo lộ trình đã được phê duyệt.
Nghiên cứu cơ sở thực tiễn để hoàn thiện hệ thống quản lý, chứng nhận phòng thí nghiệm. Đổi mới, tăng cường công tác quản lý đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành Xây dựng.
Đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực KH&CN có trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Xây dựng.
Định hướng nhiệm vụ theo 10 nhóm lĩnh vực
Bộ Xây dựng cũng định hướng nhiệm vụ KH, CN&ĐMST đến năm 2030 theo 10 nhóm lĩnh vực trong ngành Xây dựng: Lĩnh vực Thiết kế, Xây dựng công trình và Công nghệ xây dựng; Lĩnh vực Vật liệu xây dựng và Cơ khí xây dựng; Lĩnh vực Quy hoạch, Kiến trúc đô thị và nông thôn; Lĩnh vực Kỹ thuật công trình, Môi trường và Tiết kiệm năng lượng; Lĩnh vực Hạ tầng kỹ thuật; Lĩnh vực Kinh tế xây dựng, Mô hình thông tin xây dựng (BIM), chuyển đổi số và áp dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0 trong xây dựng; Lĩnh vực Phát triển đô thị, Phòng chống thiên tai và Biến đổi khí hậu; Lĩnh vực Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật xây dựng; Lĩnh vực Đo lường, Chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu ngành Xây dựng; Lĩnh vực Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực KH&CN ngành Xây dựng.
Trong đó, đối với lĩnh vực Thiết kế, Xây dựng công trình và Công nghệ xây dựng có nhiệm vụ nghiên cứu, cập nhật các nội dung nhằm phục vụ xây dựng phát triển bền vững; xây dựng các công trình quy mô lớn, công trình trên biển đảo; các công nghệ mới về xử lý nền móng; các công nghệ xây dựng công trình ngầm đô thị với chiều sâu lớn; các loại kết cấu tiên tiến trong xây dựng sử dụng các vật liệu mới, có tính năng cao.
Đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật số, BIM và thành quả cuộc CMCN 4.0 trong lĩnh vực kết cấu và công nghệ xây dựng; ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quản lý thi công xây dựng, an toàn thi công xây dựng, thi công lắp đặt các thiết bị trên công trình; các nguyên tắc thiết kế, giải pháp kiến trúc, vật liệu, kết cấu điển hình nhằm đảm bảo an toàn cháy, nổ hiệu quả…
Lĩnh vực VLXD và Cơ khí xây dựng có nhiệm vụ nghiên cứu làm chủ công nghệ sản xuất các VLXD cơ bản và cao cấp phục vụ công nghệ thi công tiên tiến; ứng dụng các công nghệ tiên tiến sản xuất VLXD giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm tài nguyên; công nghệ chế tạo VLXD mới, hiệu quả; công nghệ tái chế và tái sử dụng phế thải xây dựng phù hợp với nhu cầu đặc thù của Việt Nam…
Về cơ khí xây dựng, nghiên cứu làm chủ thiết kế, chế tạo và lắp ráp một số máy móc, thiết bị đáp ứng yêu cầu thi công xây dựng tại Việt Nam, từng bước làm chủ thị trường trong nước; làm chủ công nghệ bơm và vận chuyển bê tông thi công công trình cao tầng, thiết bị nâng, chuyển giao một số trang thiết bị phù hợp để từng bước sản xuất đồng bộ trong nước; chế tạo, cải tiến, hiện đại hóa, tự động hóa, ứng dụng cuộc CMCN 4.0 cho hệ thống thiết bị và công nghệ sản xuất các loại VLXD theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu…
Lĩnh vực Quy hoạch, Kiến trúc đô thị và nông thôn có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng quy hoạch đô thị và nông thôn gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội; phát huy vai trò của các vùng đô thị lớn, đô thị lớn, trục hành lang kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm, hình thành các cực tăng trưởng quốc gia có tính cạnh tranh quốc tế; các giải pháp quy hoạch đô thị và nông thôn đảm bảo quốc phòng, an ninh, hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân, phù hợp bối cảnh phát triển trong thời đại CMCN 4.0; phát triển đô thị, nông thôn bền vững về môi trường gắn với các điều kiện tự nhiên, ứng phó BĐKH, phòng chống dịch bệnh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; xây dựng chương trình phát triển nông thôn theo hướng bền vững, liên kết chặt chẽ giữa đô thị với nông thôn, gắn kết đô thị và nông thôn, ổn định sinh thái môi trường…