Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo của Trường ĐHXD Miền Tây nhằm cung cấp nguồn nhân lực trong lĩnh vực Kiến trúc - Xây dựng cho khu vực ĐBSCL đến năm 2030

Với vai trò là cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Xây dựng tại khu vực ĐBSCL, Trường Đại học Xây dựng Miền Tây (ĐHXDMT) đã xây dựng chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho khu vực ĐBSCL đến năm 2030.

TÓM TẮT: 

Theo Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18/06/2022, Chính phủ đã đề ra phương hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó ưu tiên đến công tác quy hoạch đô thị, xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông…, tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực Kiến trúc - Xây dựng trong vùng còn thấp. Do đó, với vai trò là cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Xây dựng tại khu vực ĐBSCL, Trường Đại học Xây dựng Miền Tây (ĐHXDMT) đã xây dựng chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho khu vực ĐBSCL đến năm 2030.

Từ khóa: Khoa học công nghệ; đổi mới sáng tạo; nguồn nhân lực; Đồng bằng sông Cửu Long.

ABSTRACT:

According to the Government's Resolution No. 78/NQ-CP issued on June 18th  2022, the Government has set out the direction of socio-economic development in the Mekong Delta region until 2030, with a vision to 2045, in which priority will be given to urban planning, construction, and development of transport infrastructure..., however the quality of human resources in the Architecture - Construction sectors is still low. Therefore, as an institution of training under the Ministry of Construction in the Mekong Delta region, Mien Tay Construction University has developed a strategy for development of science, technology and innovation to provide quality human resources for the Mekong Delta region until 2030.

Keywords: Science; technology innovation; human resource; Mekong Delta region.

1. GIỚI THIỆU 

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của đất nước nhưng chất lượng nguồn nhân lực tại khu vực ĐBSCL lâu nay còn thấp. Thực trạng này cũng là yếu tố gây khó khăn cho việc đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước của các địa phương nơi đây.

Theo số liệu thống kê báo cáo kinh tế thường niên năm 2022, với số dân 17,3 triệu người, ĐBSCL có tỷ lệ nhập cư thấp nhất nhưng xuất cư lại cao nhất cả nước. Khu vực hiện có hơn 10 triệu lao động trong độ tuổi, chiếm gần 20% số lao động trong độ tuổi của cả nước. Tuy nhiên, số lao động đang làm việc tại địa phương thấp hơn nhiều so với con số này [1].

Ngày 18/06/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP, trong đó đã đề ra phương hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ưu tiên đến công tác quy hoạch đô thị, xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông…[2].

Trường ĐHXDMT với chức năng là trường đại học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng, có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ở bậc đại học, sau đại học và giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực Kiến trúc, Xây dựng, Đô thị…[3] cùng với vị trí tại trung tâm khu vực ĐBSCL;

Trường ĐHXDMT đã đề ra chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH, CN&ĐMST) nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho khu vực ĐBSCL đến năm 2030 căn cứ theo Quyết định số 11/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng ngày 11/01/2023.

Trường đã định hướng nhiệm vụ phát triển KH, CN&ĐMST tập trung vào các lĩnh vực: công nghệ, vật liệu xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, Mô hình thông tin xây dựng (BIM), chuyển đổi số và áp dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0 trong xây dựng…

2. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO CỦA TRƯỜNG ĐHXDMT

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH, CN&ĐMST) là động lực quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn chặt với thực tiễn sản xuất và quản lý của Ngành theo hướng nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến trên thế giới;

Góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Ngành nhằm xây dựng khu vực ĐBSCL nói riêng và đất nước nói chung phát triển theo tiêu chí công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chiến lược phát triển ngành Xây dựng.

Huy động nguồn lực trong và ngoài Trường như: đội ngũ cán bộ viên chức và giảng viên chuyên ngành, cơ sở vật chất, trang thiết bị khoa học kỹ thuật, nguồn vốn được cấp và nguồn vốn tự chủ… để phát triển KH, CN&ĐMST trong lĩnh vực Kiến trúc - Xây dựng;

Tiếp thu, đổi mới và làm chủ các trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến phục vụ công tác giảng dạy và quản lý của trường;

Cải tiến, hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả các công nghệ truyền thống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đầu ra cho sinh viên chuyên ngành Kiến trúc - Xây dựng, nâng cao năng lực tay nghề người học có thể cạnh tranh với các đơn vị đào tạo sự nghiệp ngành Xây dựng.

Phát triển KH, CN&ĐMST có trọng tâm, trọng điểm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh và bền vững các lĩnh vực chuyên môn của trường.

3. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO CỦA TRƯỜNG ĐHXDMT

Kế hoạch phát triển KH, CN&ĐMST của Trường nhằm phục vụ các mục tiêu chung của chiến lược phát triển KH, CN&ĐMST ngành Xây dựng, chiến lược phát triển bền vững, đáp ứng các yêu cầu sự nghiệp của ngành, của công cuộc CNH&HĐH đất nước.

Mức độ phát triển KH, CN&ĐMST của Trường phấn đấu đạt trình độ ngang tầm với các đơn vị sự nghiệp khác của Bộ Xây dựng trên các lĩnh vực: công nghệ xây dựng; vật liệu xây dựng; hạ tầng và phát triển đô thị; hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng.

Đảm bảo đào tạo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực KH&CN có trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Xây dựng.

4. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO CỦA TRƯỜNG ĐHXDMT ĐẾN NĂM 2030

a. Lĩnh vực công nghệ xây dựng:

- Đầu tư phát triển công nghệ xây dựng, các trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ cho công tác đào tạo, giảng dạy sinh viên;

- Cập nhật, nắm bắt, và ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào các công trình dân dụng và công nghiệp có quy mô và yêu cầu kỹ thuật phức tạp nhằm nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên chuyên ngành và khả năng, trình độ tay nghề của sinh viên sau khi ra trường, phục vụ tốt nhu cầu xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng khu vực ĐBSCL nói riêng và các vùng lân cận nói chung;

- Đẩy mạnh việc áp dụng kỹ thuật số, BIM và thành quả cuộc CMCN 4.0 trong lĩnh vực kết cấu và công nghệ xây dựng vào chương trình đào tạo của trường, cung cấp kiến thức cho sinh viên đáp ứng được nhu cầu của xã hội;

- Ứng dụng các công nghệ xây dựng trong và ngoài nước vào thực tiễn và cải tiến các công nghệ phù hợp với điều kiện tự nhiên đặc thù của khu vực ĐBSCL phục vụ nhu cầu phát triển bền vững.

b. Lĩnh vực vật liệu xây dựng:

- Nghiên cứu, áp dụng công nghệ chế tạo các vật liệu xây dựng mới có tính năng cao, vật liệu thân thiện với môi trường, công nghệ sản xuất vật liệu từ phế thải, tái chế và tái sử dụng vật liệu xây dựng phù hợp với nhu cầu xã hội và tính chất tự nhiên trên nền đất yếu, lũ lụt đặc thù của khu vực ĐBSCL;

- Nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp hiện đại trong thử nghiệm, kiểm tra chất lượng vật liệu xây dựng; hiện đại hoá các cơ sở thí nghiệm phục vụ cho giảng viên và sinh viên trong trường thực hành, và nghiên cứu khoa học.

c. Lĩnh vực phát triển đô thị:

- Nghiên cứu việc xây dựng quy hoạch đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội, cập nhật chương trình đào tạo, bổ sung kiến thức cho sinh viên nhằm cung cấp nguồn nhân lực có kiến thức và kĩ năng trong lĩnh vực phát triển đô thị cho vùng ĐBSCL;

- Nghiên cứu, tiếp thu các công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước về quy hoạch xây dựng, quản lý đô thị và điểm dân cư nông thôn, áp dụng đưa vào giảng dạy, sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai được cấp nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững;

- Nghiên cứu xây dựng các đề tài, dự án quy hoạch, quản lý và phát triển xây dựng không gian đô thị trong địa bàn trường đóng trụ sở và khu vực ĐBSCL.

d. Lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị:

- Về cấp nước:

+ Nghiên cứu, làm chủ công nghệ, thiết bị xử lý nước sạch phục vụ sinh hoạt cho cán bộ giảng viên, sinh viên tại trường và ký túc xá, cung cấp cho các hộ gia đình xung quanh địa bàn trường;

+ Nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến vào hệ thống xử lý nước do trường chế tạo, xử lý triệt để các chất độc hại và khử trùng, đảm bảo chất lượng cấp nước theo tiêu chuẩn quy định;

+ Nghiên cứu các quy định về quản lý ngành nước, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường; áp dụng công nghệ hiện đại hoá và tự động hoá đảm bảo cấp nước chất lượng, ổn định, đủ lưu lượng.

- Về thoát nước:

+ Nghiên cứu áp dụng các công nghệ tiên tiến trong thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt và công nghiệp;

+ Nghiên cứu, phát triển các giải pháp thoát nước thích hợp cho các vùng đô thị và nông thôn khu vực ĐBSCL nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu;

+ Quy hoạch hệ thống thoát nước từ Trường ra các khu vực xung quanh.

- Về xử lý rác thải:

+ Tăng cường sử dụng các công nghệ xử lý rác thải, tiến tới loại bỏ chôn lấp rác thải sinh hoạt.

- Về chiếu sáng:

+ Áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo trong Trường.

e. Lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật:

- Rà soát, cập nhật hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật xây dựng trong nội dung chương trình giảng dạy chuyên ngành, trong lĩnh vực tư vấn xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn của Ngành và điều kiện Việt Nam, đáp ứng  quá trình hội nhập và phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý của Ngành.

f. Lĩnh vực Mô hình thông tin xây dựng (BIM), chuyển đổi số và áp dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0:

- Xây dựng dữ liệu của Trường về đào tạo, dự báo cung - cầu về nhân lực ngành Xây dựng;

- Nghiên cứu, đưa BIM vào chương trình đào tạo để cập nhật kiến thức cho sinh viên bắt kịp xu thế phát triển ngành Xây dựng trên thế giới;

- Thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý tại Trường.

g. Lĩnh vực đào tạo:

- Nghiên cứu đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo theo hướng tiên tiến và hội nhập, gắn kết với các chương trình, đề án của Bộ Xây dựng;

- Nghiên cứu nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ, chuyên gia nghiên cứu trong trường, có trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế, có kinh nghiệm, uy tín chuyên môn và ngoại ngữ, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Xây dựng;

-  Đầu tư cơ sở vật chất cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học.

5. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

Về cơ chế chính sách:

-  Đổi mới cơ chế chính sách về quản lý, chế độ thu nhập, hoạt động nghiên cứu khoa học, gắn hoạt động khoa học với thực tiễn giảng dạy, sản xuất. Tạo môi trường pháp lý thuận lợi, có các chính sách thu hút các nhà khoa học phát triển KH, CN&ĐMST tại Trường, đưa hệ thống lý thuyết vào sản xuất thực tiễn.

Tham gia giải quyết các yêu cầu bức thiết của thực tế sản xuất thông qua các hợp đồng kinh tế theo cơ chế thị trường, tạo động lực cho KH, CN&ĐMST phát triển;

- Có chính sách đào tạo và thu hút nhân tài như hỗ trợ kinh phí học sau đại học, thay đổi chế độ lương và phụ cấp đảm bảo đời sống cho cán bộ giảng viên của trường… phấn đấu xây dựng một đội ngũ mạnh đồng bộ trong Trường;

- Có chính sách hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phát triển, đặc biệt là các đề tài có tính đột phá về KH&CN xây dựng; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên chuyên ngành có năng lực cao đồng bộ trên các lĩnh vực đào tạo của Trường như Xây dựng DD&CN, Hạ tầng đô thị, Kiến trúc, Quy hoạch vùng và đô thị, Quản lý Xây dựng, Kinh tế Xây dựng đủ sức giải quyết các vấn đề bức xúc của thực tế;

- Xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm, thư viện, công trường thực hành tay nghề cho sinh viên đạt chuẩn với đội ngũ giảng viên, cán bộ chuyên môn giỏi, máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại giúp giải quyết những đòi hỏi thực tế, đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cao tay nghề ở thời kỳ mới;

Xây dựng nội quy và tiêu chuẩn cho hoạt động của phòng thí nghiệm, thư viện, công trường thực hành đảm bảo phát huy tối đa chất lượng;

- Mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu các tiến bộ KH, CN&ĐMST, chuyển giao áp dụng có hiệu quả vào công tác quản lý và đào tạo của trường cũng như thực tiễn ứng dụng vào điều kiện vùng miền;

- Đẩy mạnh đào tạo, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện, nâng cao kiến thức KH&CN cho các cán bộ giảng viên chuyên môn, cán bộ nghiên cứu trong trường, đặc biệt là các cán bộ, chuyên gia theo các chức danh chuyên môn kỹ thuật; Đẩy mạnh công tác đào tạo trên tất cả các lĩnh vực chuyên môn của ngành Xây dựng tại trường đảm bảo chất lượng đầu ra, đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội ngay tại địa bàn;

- Nguồn vốn: Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho KH&CN, đặc biệt chú trọng nguồn vốn từ doanh nghiệp, trên cơ sở kết hợp cả 3 loại nguồn vốn thu được như: Nguồn vốn do Nhà nước cấp, vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, và nguồn vốn nhà trường thu được từ các hoạt động chuyên môn của mình để chú trọng đầu tư cho phát triển KHCN tương xứng với sự phát triển của Ngành.

6. THỐNG KÊ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO CỦA TRƯỜNG ĐHXDMT GIAI ĐOẠN 2020 - 2022

Trường Đại học Xây dựng Miền Tây đã triển khai một số giải pháp đề xuất ở trên, và đã đạt được một số thành tích trong hoạt động KH, CN&ĐMST trong giai đoạn 2020 - 2022 như sau:

7.  KẾT LUẬN 

Bài viết đã đưa ra chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cùng với một số giải pháp triển khai của Trường Đại học Xây dựng Miền Tây kế hoạch đến năm 2030. Mong muốn của Nhà trường là cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao trong lĩnh vực Kiến trúc - Xây dựng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần giải quyết những vấn đề đang tồn tại, xa hơn là đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO 
[1]. https://nhandan.vn/bai-toan-nguon-nhan-luc-tai-dong-bang-song-cuu-long-post736874.html
[2]. Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ: Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/ 4/ 2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
[3]. Quyết định số 1438/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng ngày 30/12/2022 quy định Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường Đại học Xây dựng Miền Tây.
[4]. Quyết định số 11/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng ngày 11/01/2023 ban hành Chiến lược phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ngành Xây dựng đến năm 2030.

 

Bình luận