Chiếu sáng đô thị thông minh: Chủ động thích ứng

11:42 16/12/2022
Ngày 16/12, tại TP.HCM, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) phối hợp với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tổ chức chương trình đào tạo về chiếu sáng đô thị thông minh và hiệu quả.

 Mục tiêu của chương trình là nâng cao năng lực cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong áp dụng các công nghệ và thực hành chiếu sáng đô thị thông minh và tiết kiệm năng lượng, góp phần giảm thiểu phát thải carbon, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững. 

Ông Vũ Quang Đăng - tư vấn dự án của ADB điều phối chương trình

ADB cho biết, chiếu sáng đường phố bằng đèn LED có lợi thế hơn so với đèn truyền thống khi chiếu sáng đường phố thông thường sử dụng natri cao áp, đèn halogen kim loại và đèn hơi thủy ngân. Tuy chi phí ban đầu thấp nhưng có thể tốn nhiều chi phí bảo trì, tiêu tốn nhiều điện năng và chi phí nhân lực. Trên thế giới, thiết bị đèn LED là một trong những thiết bị phổ biến nhất và là thị trường trị giá 146 tỷ USD vào năm 2026.

Tại Việt Nam, thị trường đèn LED đạt 750 triệu USD vào năm 2018 và nhu cầu đèn đường là 298 triệu USD. Tuy nhiên, đèn LED được sử dụng ở Việt Nam phần lớn vẫn là đèn truyền thống, hoạt động thông qua bộ điều khiển hẹn giờ hoặc thủ công.

Các đô thị trên toàn cầu đã thực hiện các dự án lắp đặt đèn LED với cột thông minh làm nền tảng, theo đó các dịch vụ như cảm biến và camera, giám sát môi trường, tối ưu hóa giao thông, bãi đậu xe thông minh, Wifi công cộng, điểm sạc xe điện và an toàn công cộng thông qua các cột thông minh. Chi phí cột thông minh gấp 4-5 lần cột thông thường tùy thuộc các tính năng thông minh được bổ sung trong đó.

Dubai tích hợp hệ thống đô thị thông minh 

ADB tính toán đối với các dự án cải tạo đèn đường chi phí thiết bị chiếm 65 -75% tổng chi phí dự án, 25-35% còn lại là chi phí mềm, bao gồm chi phí kiểm toán năng lượng, phí tư vấn và phí quản lý dự án.

Hội An là thành phố tại Việt Nam thực hiện thí điểm chiếu sáng đô thị thông minh, kết quả tổng lượng phát thải giảm được 64,9% mỗi năm. Thời gian thu hồi vốn từ 4 - 5 năm.

Tiêu thụ điện ở Việt Nam đã tăng gấp 5 lần từ 46 TWh vào năm 2005 lên 211 TWh vào năm 2019, đạt tốc độ tăng trưởng gần 11,5%, trong khi đó phụ tải đỉnh tăng 10,6% hàng năm.

Ngành năng lượng đang phải đối mặt với 2 thách thức để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai, đó là: cạn kiệt nguồn tài nguyên quốc gia và hệ quả phụ thuộc vào nhập khẩu; Nhu cầu đầu tư và tài chính ngày càng tăng để phục vụ tăng trưởng nhu cầu năng lượng trong tương lai. Chính phủ đặt ra mục tiêu quốc gia đầy tham vọng là giảm phát thải nhà kính 9% trước năm 2030 và giảm 27% với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Cục Hạ tầng Kĩ thuật (Bộ Xây dựng) phối hợp với ADB tổ chức đào tạo chiếu sáng đô thị thông minh.

Bộ Xây dựng đã có dự thảo Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam “chiếu sáng nhân tạo cho các công trình công cộng và hạ tầng kỹ thuật - Tiêu chuẩn thiết kế”. Tiêu chuẩn này nêu rõ các yêu cầu kỹ thuật cần phải được tuân thủ trong quá trình tính toán thiết kế, xây dựng và cải thiện hệ thống chiếu sáng nhân tạo cho các công trình công cộng và kỹ thuật hạ tầng (ưu tiên sử dụng nguồn phát điện công nghệ cao, tiết kiệm và bền).

Các quy định trong tiêu chuẩn này sẽ áp dụng cho công trình chiếu sáng đường, đường phố, khu vực nút giao thông, cầu, đường trên cao, đường hầm, bãi đỗ xe ngoài trời, khu vực dành cho người đi bộ và tốc độ giao thông thấp, hầm đi bộ, cầu dành cho người đi bộ, cầu thang bộ, đường dốc, khu vực công cộng (khu vui chơi giải trí tụ tập, quảng trường, công viên, vườn hoa công cộng), đường liền kề với sân bay, đường sắt và bến cảng đang hoạt động (các đầu mối giao thông vận chuyển).  

Thực tế cho thấy, huy động vốn cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo chủ yếu phụ thuộc vào phân bổ ngân sách nhà nước hoặc viện trợ từ các cơ quan tài trợ quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam đã chuyển từ nước có thu nhập thấp sang nước có thu nhập trung bình thấp, khả năng tiếp cận các nguồn vốn ODA bị giảm, thêm vào đó Luật Hợp tác đầu tư công (PPP) mới và Nghị định 35/2021/NĐ-CP không nêu rõ chiếu sáng công cộng và tòa nhà công cộng là các lĩnh vực áp dụng hình thức này.

Trước thực tế và nhu cầu về chiếu sáng đô thị thông minh, các thành phố cần chủ động hơn để thành phố đạt những mục tiêu về thành phố thông minh. Cục Hạ tầng cũng đã kết hợp với nhiều tổ chức quốc tế tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, đào tạo chiếu sáng đô thị thông minh và hiệu quả tại Việt Nam. Chương trình nhận được sự phản hồi tích cực từ các bên tham gia, góp phần nâng cao nhận thức và hành động trên lĩnh vực này.

 

 

Bình luận