Cụ thể, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 164/NQ-CP ngày 09/6/2025 về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

Theo đó, Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Xây dựng về việc đưa ra khỏi Chương trình lập pháp năm 2025 đối với Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để đầu tư phát triển hệ thống đường sắt và điều chỉnh thời gian xem xét, thông qua dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) trong Chương trình lập pháp năm 2025 để Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình tại một kỳ họp.
Đồng thời thông qua Hồ sơ dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) sau khi đã bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đang được quy định trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025; nội dung dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) sau khi đã bổ sung các cơ chế, chính sách để đầu tư phát triển hệ thống đường sắt theo kết luận của cấp có thẩm quyền.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng báo cáo Quốc hội giao Chính phủ chủ trì và phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra, các cơ quan liên quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra, cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan; tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch, Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã có Danh mục, lộ trình, dự kiến nhu cầu vốn của các dự án đầu tư xây dựng đường sắt quốc gia.
Thủ tướng cũng đã phê duyệt các quy hoạch tỉnh, thành phố, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại các trung tâm của tỉnh, thành phố lớn như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ… Riêng 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM phải cơ bản hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị vào năm 2035.
Việc sửa đổi Luật Đường sắt lần này nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về chính sách phát triển đường sắt; khắc phục những tồn tại, bất cập về thể chế, tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành đường sắt; trong đó có việc đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, vượt trội tương tự như các cơ chế, chính sách đã được Quốc hội cho phép áp dụng đối với các dự án đường sắt.
Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra ngày 10/03/2025, dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) tập trung vào một số vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá để tạo hành lang pháp lý cho phát triển đường sắt.
Theo đó, dự thảo Luật đã lược bỏ các nội dung chi tiết, mang tính kỹ thuật, các vấn đề mới đang trong quá trình vận động, thực tiễn biến động thường xuyên, chưa ổn định nhằm đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết.
Dự thảo luật cũng lược bỏ một số thuật ngữ không còn phù hợp và một số hành vi bị nghiêm cấm để phù hợp với thực tế, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đồng thời, dự thảo Luật cũng lược bỏ quy định đối với 20% số lượng thủ tục hành chính và 33% điều kiện kinh doanh so với Luật Đường sắt hiện hành để đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật bổ sung quy định để huy động tối đa nguồn lực của địa phương, các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt. Đồng thời, bổ sung quy định địa phương được dùng ngân sách của mình để tham gia công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đầu tư xây dựng một số hạng mục thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia…
Đáng chú ý, dự thảo đã phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương trong công tác đầu tư, quản lý vận hành kết cấu hạ tầng đường sắt...