Mô hình chính quyền đô thị thêm một lần nữa lại được đưa ra Quốc hội thảo luận, lần này là dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.
Vậy là, cho đến nay, Hải Phòng là thành phố thứ 4 đề xuất làm thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Thực ra, chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước khi cho phép thực hiện thí điểm các mô hình tổ chức chính quyền địa phương đã thể hiện một tinh thần đổi mới, thích ứng với những yêu cầu, nhiệm vụ mới, thực hiện cải cách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, để mô hình chính quyền đô thị đem lại hiệu quả ở Việt Nam, ở góc độ khoa học rất cần phải quan tâm đến cơ chế phân cấp và trách nhiệm thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp ở các đô thị, đặc biệt quan trọng là phải thực hiện tốt vai trò giám sát khi không tổ chức HĐND.
Khái niệm chính quyền đô thị không có gì mới đối với nhiều nước, nhiều đô thị trên thế giới. Thế nhưng, để đi đến xây dựng một chính quyền đô thị theo đúng nghĩa của nó - sự ra đời của một thể chế quản lý - có lẽ, với các đô thị ở Việt Nam, không thể chỉ dựa vào ý chí chủ quan của một vài cá nhân nào đó mà phải xét đến quá trình phát triển khách quan từ nhu cầu nội tại và đòi hỏi ngoại tại từ thực tiễn của chính đô thị đó, quốc gia đó.
Bởi lẽ, khi đã hình thành một mô hình quản lý mới, thì không những “chấp nhận tên gọi” mà còn là sự chấp nhận cách nghĩ, cách làm, các mối quan hệ từ các chủ thể lợi ích mới các thiết chế mới của đô thị và đặc biệt là tư duy quản lý mới. Trong đó, một nhân tố hết sức quan trọng đó là phẩm chất của người đứng đầu.
Người đứng đầu của đô thị phải là “người của dân”, lấy lợi ích của dân làm lợi ích chung cho tôn chỉ phát triển của thành phố. Nói khác đi, người đứng đầu một thành phố phải tuân thủ theo nguyên tắc vì nhân dân phục vụ. Có nghĩa là anh sinh ra là để phục vụ nhân dân, đưa thành phố mà anh lãnh đạo, quản lý ngày càng hoàn thiện, phát triển trên mọi mặt của đời sống xã hội, đáp ứng nguyện vọng ngày càng cao về nhu cầu vật chất và tinh thần của thị dân.
Nhưng, nhìn lại các đô thị Việt Nam hiện nay, nhất là 3 đô thị đang thí điểm mô hình này, dễ thấy, còn nhiều nội dung cần phải hoàn thiện hơn. Trước hết, đó là các vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh, dù đã nói nhiều, những vẫn chưa được cải thiện, thậm chí có lúc, có nơi, đã bị “bỏ qua”, bị phớt lờ. Ví dụ, ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM, tình trạng kẹt xe vẫn ngày một gia tăng dù hạ tầng giao thông đang được mở rộng. Ngoài nguyên nhân do số xe ô tô, xe máy tăng nhanh còn do việc cấp phép ồ ạt các khu văn phòng, khách sạn, nhà ở, siêu thị … vào trung tâm đô thị cũ vốn đã quá tải; do quy hoạch khu trung tâm không hạn chế số nhà cao tầng, do giải tỏa hàng loạt nhà máy, kho tàng lẽ ra thành vườn hoa cây xanh nay lại cắm vào đó các siêu thị, trung tâm buôn bán, nhà văn phòng, khách sạn nhà ở...
Bên cạnh đó, tình trạng úng ngập cũng không phải chỉ do đường ống cũ, mưa lớn, triều cường ngày càng cao mà còn do chính các nhà quy hoạch, đã cấp phép hàng loại dự án cho lấp hàng loạt ao hồ, ruộng, sông ngòi… Xung quanh các đô thị lớn, lẽ ra phải tăng thêm diện tích hồ tiêu thủy, rừng cây nhưng các dự án lại cho tôn nền, lấp ao hồ, ruộng nước cao các khu đô thị mới làm cho khu đô thị cũ trũng hơn, ngập hơn. Đã thế, các công trình tiêu thuỷ lại luôn đi sau một bước... Cứ như vậy, áp lực đè lên hạ tầng đô thị nên ngập lụt vẫn là nỗi lo thường trực mỗi mùa mưa xuống, triều lên.
Xây mới, sửa sang là điều cần thiết để tạo lập bộ mặt đô thị khang trang hơn. Nhưng những hoạt động xây dựng, nếu vẫn theo lối thủ công, chụp giật thì người dân sẽ là nạn nhân đầu tiên gánh chịu hậu quả ô nhiễm môi trường cục bộ. Hiệu quả và hiệu lực của chính quyền đô thị, theo đó sẽ không đáp ứng được yêu cầu như mong muốn.
Thế nên, chúng ta sẽ khó có thể có được chính quyền đô thị - theo đúng nghĩa của nó - khi mà nhận thức và cách điều hành của người đứng đầu đô thị còn mang tư duy “vừa chạy vừa xếp hàng”, “nóng đâu phủi đó”, thiếu hẳn tầm chiến lược trong công tác qui hoạch, xây dựng, quản lý (quản lý không gian vật chất và quản lý cả không gian xã hội) khiến cho đô thị của chúng ta phát triển một cách lộn xộn, mất trật tự, không theo một chiều tích định hướng nhất định.
Khi đã là người đứng đầu chính quyền đô thị, thì kiến thức và tầm nhìn về quản lý đô thị càng phải được đặt lên hành đầu trong tiêu chí lựa chọn. Thực tế nước ta cho thấy, kiến thức về đô thị nói chung về quản lý đô thị nói riêng của một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo quản lý (kể cả liên quan đến công tác quản lý đô thị hiện tại) còn sơ sài, nếu không muốn nói là số không. Chính sự yếu kém về nhận thức dẫn đến sự yếu kém trong công tác chỉ đạo, ra quyết định.
Thêm nữa, người đứng đầu đô thị ấy phải biết tập hợp đội ngũ trí thức, có am hiểu chuyên môn sâu về qui hoạch, kiến thiết, quản lý, vận hành đô thị, tạo nên một hội đồng cố vấn đắc lực để tham mưu trước khi ra quyết định đúng, hợp pháp hợp hiến và đặc biệt là hợp lòng dân.
Các mô hình quản lý đô thị đã và đang vận hành trên thế giới đều có những nhân tố tích cực, phù hợp với điều kiện và thực tiễn của quốc gia đó. Việc tiếp tục thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị ở Việt Nam cũng cần xem xét những lợi ích ngắn hạn và dài hạn, cần nhìn nhận, đánh giá khả năng nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, xã hội có thể đáp ứng không?
Cho đến thời điểm này, đã đến lúc cần một đánh giá công bằng và minh bạch về hiệu quả thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị mà chúng ta đã thực hiện thời gian qua, từ đó có cơ sở hoàn thiện hơn mô hình này, hoặc cao hơn là ban hành Luật về tổ chức chính quyền đô thị để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc tổ chức chính quyền đô thị trên phạm vi cả nước.
Thực tế cho thấy, khi mà cách quản lý theo tư duy cũ: quan liêu, bao biện, tiểu nông, bè cánh, vụ lợi… còn hiện hữu thì việc xây dựng (và chấp nhận) một mô hình quan lý mới, kiểu như mô hình chính quyền đô thị, cũng cần có thêm thời gian và những tổng kết đánh giá khoa học thấu đáo, để từ đó, việc thí điểm không trở thành dở dang, lợi bất cập hại.