Chọn phương án tốt nhất xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

07:00 01/10/2024
Mục tiêu của việc xây dựng Trung tâm tài chính là để hình thành thị trường tài chính, phát triển các dịch vụ tài chính và các dịch vụ đi theo để huy động nguồn lực tài chính.

Trên đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ và Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, diễn ra chiều 30/9 tại Trụ sở Chính phủ.

Tại cuộc họp, các đại biểu nghe báo cáo về việc xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực, quốc tế tại Việt Nam; thảo luận về bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước; nhu cầu, tiềm năng, các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra của việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc xây dựng Đề án Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ nên phải thảo luận kỹ lưỡng để chọn phương án tốt nhất... - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc xây dựng Đề án Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ nên phải thảo luận kỹ lưỡng để chọn phương án tốt nhất, nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, trong đó có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Về cách tiếp cận, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đi lên bằng năng lực nội sinh, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam nói chung, TP.HCM và Đà Nẵng nói riêng, với quyết tâm, cơ chế, chính sách, bước đi phù hợp, làm đến đâu chắc đến đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Thủ tướng chỉ rõ, mục tiêu của việc xây dựng Trung tâm tài chính là để hình thành thị trường tài chính, phát triển các dịch vụ tài chính và các dịch vụ đi theo để huy động nguồn lực tài chính cho sự phát triển của TP.HCM, Đà Nẵng nói riêng, đất nước nói chung.

Về phạm vi, Thủ tướng lưu ý cần nghiên cứu khoanh lại trong phạm vi nhất định, xác định những thế mạnh của Việt Nam để đề ra các cơ chế, chính sách, phương thức quản lý hiện đại, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao.

Về đối tượng, cần tập trung vào các đối tượng liên quan đến tài chính, ngân hàng và các dịch vụ đi kèm, thị trường vốn.

Về mô hình, Thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu, tham khảo các mô hình trung tâm tài chính trên thế giới, tiếp thu các yếu tố tinh túy phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam trong hiện tại và tương lai để đưa ra, xây dựng và phát triển mô hình riêng của Việt Nam.

Thủ tướng chủ trì cuộc họp về xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cũng yêu cầu Đề án cần xác định rõ các điều kiện về hạ tầng, nguồn nhân lực, tài chính, hệ sinh thái; đề xuất cơ cấu, mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động của Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Cùng với đó, đề xuất khung pháp lý, cơ chế chính sách đặc thù, đột phá, kể cả về chính sách visa, lao động, thuế, nhân lực chất lượng cao… để thu hút mọi nguồn lực tài chính, nhất là tài chính cho các ngành mới nổi như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, ứng phó BĐKH…; hình thành thị trường tài chính hoạt động lành mạnh, an toàn, hội nhập, bền vững.

Nghị quyết 31-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị xác định TP.HCM có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Đến năm 2045, TP.HCM phấn đấu phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới; trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á.

Trong khi đó, Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đề ra một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là xây dựng TP Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.

Bình luận