Khu cư dân tại chung cư ông Đặng Thế Minh (Hà Nội) ở có 310 căn hộ, riêng biệt từ tầng 5 đến tầng 20, đi sảnh riêng, thang máy riêng, có phí bảo trì riêng, có đơn vị vận hành riêng.
Khu dịch vụ văn phòng tại chung cư của chủ đầu tư có sảnh riêng, thang máy riêng, đơn vị quản lý vận hành riêng thuộc chủ đầu tư, chủ đầu tư bảo trì riêng.
Ban quản trị hiện tại có một đại diện chủ đầu tư làm phó ban. Mô hình quản lý chung cư không theo như Mục 3 về quản lý vận hành nhà chung cư của Thông tư số 02/2016/TT-BXD là chỉ có một đơn vị quản lý vận hành và có phí bảo trì chung của các chủ sở hữu.
Ông Minh hỏi, chủ đầu tư có được tham gia hội nghị và biểu quyết bầu ban quản trị và các nội dung theo Điều 25 Thông tư số 02/2016/TT-BXD trong hội nghị nhà chung cư hay không?
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Về thành phần tham dự hội nghị nhà chung cư, tại khoản 6 Điều 1 Thông tư số 06/2019/TT-BXD ngày 31/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư quy định đối với nhà chung cư, cụm nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì thành phần tham dự hội nghị nhà chung cư được quy định như sau:
(a) Trường hợp tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu thì thành phần tham dự bao gồm đại diện chủ đầu tư, đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao, đại diện đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư (nếu có) và mời đại diện UBND cấp xã;
(b) Trường hợp tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường và hội nghị nhà chung cư thường niên thì thành phần tham dự bao gồm đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao, đại diện chủ đầu tư (nếu chủ đầu tư còn sở hữu diện tích trong nhà chung cư), đại diện đơn vị quản lý vận hành (nếu nhà chung cư phải thuê đơn vị quản lý vận hành) và mời đại diện UBND cấp xã.
Mỗi tòa nhà chung cư chỉ có một đơn vị quản lý vận hành. Về đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư, tại Khoản 5 Điều 2 của Thông tư số 06/2019/TT-BXD quy định mỗi tòa nhà chung cư chỉ có một đơn vị quản lý vận hành để quản lý vận hành phần sở hữu chung của tòa nhà.
Đối với cụm nhà chung cư thì có thể có một đơn vị quản lý vận hành chung hoặc có nhiều đơn vị để thực hiện quản lý vận hành riêng cho từng tòa nhà theo quyết định của hội nghị cụm nhà chung cư.
Trường hợp mỗi tòa nhà trong cụm có một đơn vị quản lý vận hành riêng thì ban quản trị cụm nhà chung cư thống nhất với các đơn vị quản lý vận hành để thực hiện quản lý vận hành các công trình, hệ thống kỹ thuật dùng chung cho cụm nhà chung cư.
Trường hợp nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp mà phân chia riêng biệt được phần sở hữu chung của khu văn phòng, dịch vụ, thương mại với khu căn hộ thì tại khoản 5 Điều 7 của Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã quy định:
(1) Chủ sở hữu khu căn hộ có trách nhiệm quản lý phần sở hữu chung của khu căn hộ; việc quản lý vận hành phần sở hữu chung này được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều này.
(2) Đối với phần sở hữu chung của khu văn phòng, dịch vụ, thương mại thì do đơn vị quản lý vận hành quản lý, nếu nhà chung cư không phải có đơn vị quản lý vận hành thì do chủ sở hữu khu chức năng này thực hiện quản lý.
(3) Đối với phần sở hữu chung của cả tòa nhà thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm cùng quản lý; việc quản lý vận hành phần sở hữu chung này được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều này.
Việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung. Về việc quản lý, sử dụng phần kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, tại khoản 4 Điều 109 của Luật Nhà ở năm 2014 quy định trường hợp nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh mà phân chia được riêng biệt các khu chức năng khác nhau trong cùng một tòa nhà.
Trong đó, bao gồm khu chức năng căn hộ, khu chức năng kinh doanh, dịch vụ và mỗi khu chức năng này có phần sở hữu chung được tách biệt với phần sở hữu chung của cả toàn nhà, được quản lý, vận hành độc lập thì việc quản lý, sử dụng phần kinh phí bảo trì được thực hiện như sau:
- Đối với phần kinh phí để bảo trì phần sở hữu chung của cả tòa nhà và phần sở hữu chung của khu căn hộ thì được chuyển vào tài khoản do ban quản trị nhà chung cư lập để quản lý, sử dụng theo quy định tại Điều này;
- Đối với phần kinh phí để bảo trì phần sở hữu chung của khu kinh doanh, dịch vụ thì chủ sở hữu khu kinh doanh, dịch vụ được tự quản lý, sử dụng để bảo trì phần sở hữu chung của khu chức năng này.
Do vậy, đề nghị ông đối chiếu trường hợp cụ thể của mình với các quy định nêu trên để thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị ông liên hệ với Sở Xây dựng TP Hà Nội là cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở trên địa bàn để được hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền.