Các chủ đầu tư, doanh nghiệp thi công Dự án đường bộ Cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang tích cực bứt tốc sản lượng trên công trường để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm nay.
Sản lượng thi công liên tục tăng gấp đôi
Đảm nhận thi công tại Gói thầu XL13 Dự án Cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh, ông Nguyễn Anh Văn, Phó Tổng giám đốc thường trực Tổng công ty Thăng Long cho biết mục tiêu đơn vị đặt ra là sẽ hoàn thành giải ngân năm nay đạt khoảng 450 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu vào thi công phần đường.
Với hàng trăm đầu máy cùng đội ngũ công nhân lao động đang thi công, theo ông Văn, Tổng công ty Thăng Long phấn đấu sản lượng trung bình tuần đạt khoảng 9 tỷ đồng, trung bình tháng khoảng 36 tỷ đồng, gấp 2 lần sản lượng trung bình tuần/tháng trong năm 2023.
Tại Gói thầu XL01 Dự án Cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong, Tổng công ty Thăng Long cũng đưa ra mục tiêu giá trị thi công mỗi tháng từ 14 - 17 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm 3 - 4 tháng trước đây. Năm 2024, kế hoạch của nhà thầu là tập trung hoàn thiện toàn bộ các công trình trên tuyến (cầu, cống, hầm chui…), các vị trí nền đào sâu, đắp cao, cơ bản hoàn thành lớp móng mặt đường, nâng giá trị thi công lên 40%.
Ông Nguyễn Khắc Trung, Giám đốc điều hành Dự án Cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng cho biết năm 2024, dự án được giao kế hoạch vốn xấp xỉ 1.500 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu là hạng mục xây lắp của dự án chiếm tỷ lệ 90% (hơn 1.323 tỷ đồng).
Hiện giá trị sản lượng thi công các nhà thầu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Sản lượng thi công trung bình mỗi tuần đạt khoảng 60 tỷ đồng, tăng khoảng 1,5 lần so với tháng trước.
Với Dự án Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, ông Lê Thắng, Giám đốc BQLDA 2 cho biết lũy kế sản lượng đến nay đạt hơn 2.444/14.498 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn bố trí năm 2024 hơn 3.566 tỷ đồng, đến nay, ban đã giải ngân khoảng 234 tỷ đồng.
Trong năm nay, BQLDA 2 sẽ tập trung tiến độ phần cầu, đường, và hệ thống 3 hầm trên tuyến với sản lượng dự kiến thực hiện là 5.900 tỷ đồng, giải ngân đạt 3.122 tỷ đồng.
Để đảm bảo kế hoạch đề ra, Ban quản lý dự án 2 kiến nghị hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định khẩn trương giải quyết rốt ráo những tồn tại, vướng mắc về mặt bằng tại các vị trí "xôi đỗ"; hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn về mỏ vật liệu, đường vận chuyển… đảm bảo nguồn vật liệu đầu vào phục vụ thi công dự án.
Lập tiến độ thi công chi tiết để tăng tốc giải ngân
Năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công là 56.666 tỷ đồng. Ước đến hết tháng 2/2024, sản lượng giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải đạt 5.800 tỷ đồng và với tiến độ như hiện nay việc giải ngân toàn bộ số vốn trong năm nay là khả thi.
Lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết đã tham mưu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu rà soát, lập tiến độ thi công cụ thể, xác định nhu cầu vốn cần thiết đối với các Dự án Cao tốc Bắc - Nam hoàn thành trong năm nay để tổng hợp báo cáo Chính phủ xem xét, bổ sung thêm nguồn lực.
Tuy nhiên, phía Cục Quản lý đầu tư xây dựng cũng tỏ ra lo lắng khi số vốn được phân bổ năm 2024 tập trung phần lớn vào các Dự án Cao tốc Bắc-Nam, trong đó đoạn tuyến Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang gặp khó khăn về tiến độ.
Theo ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, đến nay tổng sản lượng xây lắp của dự án đến nay đạt 22%. Trong đó, Dự án thành phần Cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang đạt 25%, tiến độ chậm 2,5 tháng; Cao tốc Hậu Giang - Cà Mau đạt hơn 20%, tiến độ chậm 5 tháng so với kế hoạch.
Hiện các nhà thầu đã đào hữu cơ tuyến chính đạt 93%, đắp nền cát 61%, đắp cát đường công vụ được 81%, triển khai thi công 88/126 cầu trên tuyến chính, sản lượng đạt khoảng 70%. Theo kế hoạch, trong năm 2024 sẽ đổ bê tông bản mặt cầu cho toàn bộ các cầu.
“Vướng mắc giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn vật liệu vẫn đang là khó khăn lớn nhất của dự án dẫn đến tiến độ chưa thể đáp ứng theo kế hoạch đề ra. Do đó, BQLDA Mỹ Thuận và nhà thầu vẫn đang tích cực phối hợp với địa phương, các bộ ban ngành sớm tháo gỡ các khó khăn đồng thời rà soát, bổ sung thêm nguồn vật liệu, đảm bảo công suất phục vụ thi công,” ông Thi nói.
Ngoài ra, BQLDA Mỹ Thuận cũng yêu cầu nhà thầu triển khai các mũi thi công phải nỗ lực, huy động tối đa thiết bị, máy móc, nhân lực, tăng ca, tăng kíp, thêm các mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ khối lượng công việc, từ đó mới có cơ sở để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Nguồn: Vietnam+