Phóng viên: - Là người đã theo dõi tình hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm, ông đánh giá ra sao về kết quả tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023?
Ông HONG SUN: - Năm 2023 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không đạt được mục tiêu đề ra, và là một trong những chỉ số thấp nhất trong những năm gần đây. Nhưng theo tôi tăng trưởng kinh tế hơn 5% là mức độ tương đối cao so với những nước khác trong khu vực. Vì vậy, chúng tôi đánh giá cao quyết tâm cũng như những kết quả về kinh tế Việt Nam đã đạt được trong năm qua.
Bước sang năm 2024, tuy có những khó khăn nhất định trong quý I và II, song tôi kỳ vọng từ quý III Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Cộng hưởng với xu thế kinh tế thế giới dần phục hồi, Việt Nam cũng có cơ hội bứt phá để tăng trưởng, đẩy mạnh hơn nữa các ngành công nghiệp mũi nhọn đang xây dựng.
Bởi Việt Nam đang hưởng lợi nhiều nhất từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, khi được đánh giá là phiên bản “hậu Trung Quốc”, tức sau Trung Quốc sẽ đến Việt Nam là công xưởng. Sau năm 2024, tôi cho rằng Việt Nam sẽ có giai đoạn dài để có sự tăng trưởng đột phá.
- Quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Hàn Quốc nói chung, đầu tư của DN Hàn Quốc vào Việt Nam nói riêng trong năm qua có những điểm nhấn gì, thưa ông?
- Quan hệ hợp tác kinh tế song phương Hàn Quốc - Việt Nam đang có rất nhiều triển vọng. Sau 1 năm 2 nước tuyên bố nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, lãnh đạo cấp cao 2 Nhà nước đã thường xuyên đi lại, thăm hỏi lẫn nhau, cho thấy mối quan hệ đang rất tốt đẹp và mở ra nhiều triển vọng hợp tác mới.
Bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Davos 2024 tại Thụy Sĩ, đại diện Tập đoàn Hyosung của Hàn Quốc cho biết sẽ tăng vốn lên 5,5 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam trong năm nay. |
Đơn cử, khi Tổng thống Hàn Quốc sang thăm Việt Nam tháng 6-2023, đại diện nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã tháp tùng sang Việt Nam, tuyên bố sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Hiện nay, KOCHAM đang có gần 1.000 DN, trong đó nhiều DN đã và đang có ý định đầu tư vào Việt Nam. Điều quan trọng hiện nay đối với các DN này không chỉ là làm sao tuân thủ những quy định về đầu tư mới vào Việt Nam, mà họ muốn tăng trưởng vốn điều lệ, tăng vốn đầu tư, mở rộng các lĩnh vực hoạt động.
Về đầu tư DN Hàn Quốc vào Việt Nam, năm 2023 Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu về đầu tư vào Việt Nam với 9.863 dự án, tổng vốn đăng ký 85,865 tỷ USD, chiếm 25,1% tổng số dự án FDI và chiếm 18,3% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam.
- Được biết DN Hàn Quốc đã và đang rất quan tâm tới lĩnh vực công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam?
- Có thể nói 2023 là năm đầy sôi động của Việt Nam trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Trong năm qua đã có hàng loạt tên tuổi hàng đầu thế giới về lĩnh vực này liên tiếp rót vốn vào Việt Nam với những dự án lên đến cả tỷ USD, trong đó có cả DN Hàn Quốc.
Đơn cử, tháng 9-2023, Công ty TNHH Hana Micron Vina của Hàn Quốc đã khánh thành nhà máy sản xuất Hana Micron Vina 2 tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang), với tổng vốn đầu tư gần 600 triệu USD. Đây cũng là nhà máy sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc Việt Nam. DN này cũng có kế hoạch tăng vốn đầu tư lên hơn 1 tỷ USD vào năm 2025.
Tiếp đó, tháng 10-2023, Tập đoàn Amkor của Hàn Quốc đã khánh thành Nhà máy Amkor Technology Việt Nam (ATV) tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh). Dự án này có tổng vốn đầu tư đến năm 2030 là 1,6 tỷ USD, trong đó giai đoạn I là 520 triệu USD.
Hay như Tập đoàn Samsung cũng đã cam kết đầu tư hơn 2,6 tỷ USD vào ngành công nghiệp chất bán dẫn tại Nhà máy Samsung Electro - Mechanics Việt Nam ở tỉnh Thái Nguyên.
- Để công nghiệp bán dẫn thực sự hấp dẫn nhà đầu tư, theo ông Việt Nam cần có những chính sách gì?
- Chính phủ Việt Nam gần đây cũng đã nhấn mạnh đến vấn đề sản xuất chip, xem là vấn đề rất cần thiết. Nhưng để có thể thu hút được đầu tư về công nghiệp bán dẫn, chip đi kèm với rất nhiều yếu tố. Thứ nhất, về mặt khuôn khổ pháp lý Việt Nam cần cố gắng đảm bảo và giúp đỡ các nhà hoạt động đầu tư sản xuất chip bằng những quy định pháp luật cụ thể.
Bởi đây là lĩnh vực đòi hỏi lượng vốn khổng lồ, có thể lên đến hàng tỷ USD, đòi hỏi phải có sự đảm bảo chắc chắn về mặt pháp lý, luật pháp của nước sở tại, cũng như cam kết chính trị cao từ Nhà nước. Phải có chính sách lâu dài DN mới an tâm đầu tư và mới có thể thu hồi được vốn.
Tôi xin được nêu thí dụ. Hiện nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc sẵn sàng đầu tư hàng tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng, trong đó có năng lượng tái tạo, năng lượng LNG ở Việt Nam. Nhiều dự án đã đăng ký nhưng hiện vẫn đang nằm chờ sự phê duyệt của Chính phủ Việt Nam.
Bây giờ đã có quy hoạch điện VIII, nhưng vẫn còn phải mất nhiều thời gian nữa để từ chủ trương chính sách mới đến khâu thực thi và cấp phép cho dự án. Quá trình này có thể mất đến 5 năm.
Vậy câu hỏi là trong 5 năm này, DN có đủ kiên nhẫn và sau 5 năm nữa, chính sách có thực sự được vận hành. Chúng tôi rất mong Việt Nam đầu tư cơ sở hạ tầng nhanh chóng để các nhà đầu tư yên tâm, tiếp tục mở rộng đầu tư.
Thứ hai, về mặt cơ sở hạ tầng hiện Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có chính sách ưu đãi rất nhiều đối với các nhà đầu tư về chip bán dẫn. Ở Mỹ, khi nhà đầu tư về chip bán dẫn đầu tư hàng tỷ USD, Chính phủ Mỹ đầu tư thêm hàng tỷ USD để hỗ trợ DN về cơ sở hạ tầng. Việt Nam hiện nay chưa có quy định mới về ưu đãi đối với lĩnh vực này.
Thứ ba, ngành công nghiệp sản xuất bán dẫn có dây chuyền sản xuất lớn và phức tạp, nên đòi hỏi phải có nguồn điện đảm bảo, phải được đầu tư cả về số lượng lẫn chất lượng. Thế nhưng, hiện nhiều vùng ở Việt Nam mất điện thường xuyên, khiến DN sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, nhất là với các dây chuyền sản xuất chip.
- Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo SGGP