Chủ tịch nước: TP.HCM cần bám sát lợi thế để hoàn thiện quy hoạch

20:59 27/12/2021
Chiều 27/12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh làm việc với UBND thành phố và các sở, ngành hữu quan để giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch trên địa bàn thành phố kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Buổi làm việc tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Theo báo cáo đối với công tác lập quy hoạch, bao gồm cả điều chỉnh quy hoạch, lập quy chế và thiết kế đô thị, UBND TP Hồ Chí Minh đã có nhiều biện pháp để cải thiện chất lượng công việc theo các nhóm mục tiêu: tăng chất lượng công tác tư vấn, tăng tính khả thi cho đồ án quy hoạch, nắm sát tình hình thực tiễn và nhu cầu của địa phương, của khu vực để xem xét quy hoạch; nâng cao chất lượng điều chỉnh các quy hoạch cần thiết phải điều chỉnh, củng cố.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị; quy hoạch xây dựng, tiến độ công tác lập và điều chỉnh quy hoạch còn chưa theo kịp với yêu cầu phát triển; chất lượng và tính khả thi của một số đồ án quy hoạch chưa cao; hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ, chưa theo kịp để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; công tác quản lý quy hoạch còn xảy ra sai phạm; việc triển khai thực hiện các dự án đô thị chưa theo lộ trình và chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu quả sử dụng các nguồn lực nhà nước và nguồn lực xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thành phố còn hạn chế; thực trạng công tác quản lý xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch còn nhiều lúng túng so với quản lý xây dựng theo quy hoạch ở khu vực đô thị… Về việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý nhà nước về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện theo quy định của pháp luật về đất đai còn một số tồn tại như các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới chưa thật sự đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất, việc bảo đảm kinh phí cho công tác lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều khó khăn, hệ thống quy hoạch sử dụng đất bị chia cắt.

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh công tác quy hoạch nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển, những ưu tiên phát triển, trên cơ sở tối đa hóa các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, lâu dài, và càng có vai trò quan trọng đối với đại đô thị như TP Hồ Chí Minh. Quy hoạch không chỉ là định hướng lớn cho sự phát triển của các ngành, lĩnh vực của thành phố, thể hiện sự gắn kết, đồng bộ giữa các yếu tố phát triển mà còn là công cụ quan trọng của quản lý nhà nước, bảo đảm sự thống nhất, hài hòa, tạo ra nguồn lực mới, những động lực tăng trưởng mới. 

Ngoài ra, công tác quy hoạch cũng phải tính đến yếu tố liên kết với các địa phương với tư cách thành phố có vai trò dẫn dắt sự phát triển của cả vùng và của quốc gia, đồng thời phải đi trước một bước, thể hiện được tầm nhìn chiến lược, làm cơ sở cho triển khai kế hoạch, huy động nguồn lực, xác định các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong phát triển.

Chủ tịch nước khẳng định, quy hoạch thành phố là vấn đề khó, liên quan đến nhiều văn bản pháp luật, nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều thế hệ lãnh đạo và nhiều chủ thể trong xã hội; những khó khăn, vướng mắc, hạn chế bất cập trong công tác quy hoạch của thành phố cần nhìn nhận thấu đáo để có biện pháp tháo gỡ. Chủ tịch nước cũng chỉ rõ  rằng quy hoạch và tổ chức quy hoạch hiện nay vẫn là điểm yếu, điểm nghẽn không chỉ của Thành phố mà của cả quốc gia và các địa phương.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Để trở thành đô thị thông minh, đô thị phát triển với một nền kinh tế sáng tạo, nơi hội tụ văn hóa và nhân tài, đề cao các giá trị nhân văn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa phương Nam của người Việt thì TP Hồ Chí Minh cần bám sát vào những mục tiêu, định hướng, lợi thế để hoàn thiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch để phục vụ tốt nhất yêu cầu của phát triển trong trung và dài hạn. Cần sử dụng quy hoạch là công cụ phát triển thành phố một cách trật tự, lộ trình, bước đi chắc chắn và cụ thể.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị trong mỗi lĩnh vực, mỗi ngành, mỗi mục tiêu, thành phố cần có chiến lược và định hướng quy hoạch rõ ràng, mạch lạc, nhất quán, mang tầm cao trong phát triển của thành phố, bảo đảm phát triển bền vững. Từ đại dịch COVID-19 vừa qua, TP Hồ Chí Minh cũng cần rút ra một số vấn đề từ công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư, khu công nghiệp, khu nhà ở, các các thiết chế văn hóa đi kèm để từ đó điều chỉnh kịp thời để đối phó với những vấn đề tương tự trong tương lai. Đồng thời, cần xác định rõ những động lực tăng trưởng của đô thị, quan tâm vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng trong những năm tới, từ đó xác định những ưu tiên chiến lược, động lực tăng trưởng mới phù hợp để rút kinh nghiệm trong công tác quy hoạch thời gian qua. Thành phố cũng cần kiên quyết thu hồi những quy hoạch treo, những dự án treo đã quá thời hạn quy định mà không triển khai. Cần tập trung rà soát kỹ từng quy hoạch, từng dự án, giải quyết thấu đáo những rào cản, điểm nghẽn để có những quyết sách mạnh mẽ, đúng đắn, mở ra nguồn lực và tương lai tươi sáng cho sự phát triển của hai huyện Hóc Môn và Củ Chi.

Chủ tịch nước yêu cầu Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh có những đề xuất, kiến nghị hoặc yêu cầu cụ thể với những cấp có thẩm quyền liên quan đến vấn đề quy hoạch; đặc biệt thành phố càn đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quy hoạch, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, chỉnh sửa những vướng mắc, mâu thuẫn; đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chuẩn bị, hoàn thiện các văn bản dưới luật kịp thời, đồng bộ, nhất quán, dễ hiểu, dễ áp dụng; đề xuất với thành phố những vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của thành phố mà Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đã phát hiện trong quá trình giám sát.

 

Nguồn: Báo Tin tức

Bình luận