Chủ tịch Quốc hội: Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho mọi nhà đầu tư

07:34 15/02/2023
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện chính sách nhất quán cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chiều 14/2, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN và EuroCham Việt Nam, gồm đại diện gần 50 công ty, tập đoàn thành viên.

Đại diện đoàn, ông Jens Ruebbert, Phó Chủ tịch, Giám đốc Điều hành phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Ngân hàng Landesbank Baden-Wuerttemberg; ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, đồng trưởng đoàn, bày tỏ sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tới thị trường Việt Nam, coi Việt Nam là quốc gia hàng đầu và tiên phong trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhất là khu vực Đông Nam Á.

Nhấn mạnh Việt Nam có triển vọng phát triển rất lớn, đại diện đoàn cho rằng năm 2022 đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%, Việt Nam là điểm đến đầu tư, thương mại cho các quốc gia trên thế giới. Việt Nam đưa ra mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và Hội đồng kinh doanh EU-ASEAN mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu này.

Nhấn mạnh vai trò của ASEAN, ông Jens Ruebbert cho rằng Việt Nam là điểm đến lý tưởng; hy vọng cùng với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới để Việt Nam có thể tăng cường hợp tác hơn nữa với Hội động Kinh doanh EU-ASEAN.

Ông Alain Cany nhấn mạnh tính thích ứng của quốc gia trong chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế xanh trên toàn cầu hiện nay. Đây cũng là nội dung cốt lõi trong nghị trình hoạt động của EuroCham. Từ đó, hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác để phát triển kinh tế xanh. 

Ông Alain Cany bày tỏ hy vọng hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 trong việc đưa ra chính sách, pháp luật, chuyển giao công nghệ, tiếp cận nguồn tài chính phải chăng…

Đại diện một số công ty trong Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN cho rằng khu vực ASEAN đang đẩy mạnh phát triển công nghệ số hóa để có thể cung cấp các dịch vụ và tăng cường tính bền vững thông qua các hoạt động của Chính phủ; nhấn mạnh EU hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến lược này.

Liên quan đến chuyển đổi xanh, chuyển dịch xanh và mục tiêu đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đại diện doanh nghiệp EU mong muốn tìm hiểu chiến lược của Việt Nam để thúc đẩy mục tiêu, cũng như khung khổ pháp lý, triển khai điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo; tìm hiểu chính sách hỗ trợ của Việt Nam trong tiếp cận thuốc mới, thuốc phát minh và các dịch vụ y tế tiên tiến để bệnh nhân có thể tiếp cận sớm hơn...

Doanh nghiệp đến từ EU đánh giá cao Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó việc cho mô hình mượn máy, trang thiết bị y tế tại bệnh viện công, mong cơ quan chức năng sớm ban hành hướng dẫn thực hiện; tìm hiểu về kế hoạch hỗ trợ quá trình chuyển đổi số cũng như hoạt động đầu tư liên quan, mong muốn đầu tư nguồn nhân lực trong lĩnh vực này; tính nhất quán trong khung khổ pháp luật, hỗ trợ quá trình đầu tư, tăng trưởng của Việt Nam; khẳng định doanh nghiệp châu Âu có thể hỗ trợ quá trình hội nhập kinh tế của ASEAN…

Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam rất coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) - đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Đánh giá vừa qua các bên đã tổ chức tốt Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ASEAN-EU tại Brussels, Bỉ (12/2022); nhân dịp này tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN-EU, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN tiếp tục phát huy vai trò quan trọng, tạo dựng cầu nối tin cậy, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư EU vào ASEAN nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Quốc hội Việt Nam trong mọi quyết sách của mình, kể cả trong công tác lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đều vì mục tiêu kiến tạo sự phát triển nhanh và bền vững, thúc đẩy sự hội nhập ngày càng tích cực, chủ động, hiệu quả của Việt Nam vào khu vực và quốc tế.

Đây là mục tiêu xuyên suốt, nhất quán trong 77 năm Quốc hội Việt Nam cũng như Quốc hội khóa XV. Quốc hội luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách. Doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Một trong những cam kết của Việt Nam nói chung là tiếp tục nâng cao, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất, hiệu quả của nền kinh tế; đã, đang và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho mọi nhà đầu tư, doanh nghiệp làm ăn lâu dài, ổn định và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Nhấn mạnh "sự thành công của các bạn chính là thành công của Việt Nam," Chủ tịch Quốc hội chia sẻ Việt Nam chuyển trọng tâm về thu hút FDI sang chiến lược hợp tác, đối tác trong đầu tư nước ngoài, coi thu hút đầu tư nước ngoài không đơn thuần là thu hút đầu tư mà đặt trọng tâm chính sách sang hợp tác, thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác trong lĩnh vực FDI với tất cả các nước.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện chính sách nhất quán cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất, hiệu quả của nền kinh tế.

Đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU thời gian qua, bất chấp tác động của đại dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng trong điều kiện diễn biến phức tạp, bất định của tình hình thế giới như hiện nay thì việc tiếp tục duy trì các chuỗi cung ứng, tăng cường hợp tác với các thị trường đã có và mở rộng các thị trường mới là lựa chọn đúng đắn của các quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ với các nhà đầu tư EU về những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong năm 2022, trong đó có những đóng góp hết sức quan trọng của Quốc hội Việt Nam, đặc biệt là Nghị quyết số 30/2021/QH15 trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh những quyền hạn đặc biệt, đặc cách, đặc thù để thực hiện nhiệm vụ kép vừa kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và Nghị quyết số 43/2022/QH15 về một số chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch với quy mô lên đến 350 nghìn tỷ đồng.

"Nhờ những nỗ lực toàn diện, nền kinh tế Việt Nam không bị mất đà tăng trưởng, dự kiến sẽ đạt các mục tiêu đề ra của nhiệm kỳ này, kiên định các mục tiêu phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII," Chủ tịch Quốc hội nói.

Trực tiếp trao đổi về những nội dung Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN và các doanh nghiệp quan tâm, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ để có hệ thống pháp luật lâu dài, ổn định, công khai, minh bạch đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển đất nước, ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ, Đảng đoàn Quốc hội đã chuẩn bị và trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81, xác định danh mục 137 nhiệm vụ lập pháp, xác định rõ tiến độ, cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm với từng nhiệm vụ và sẽ tiếp tục cập nhật, bổ sung các nhiệm vụ mới phát sinh để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển, khắc phục tình trạng "bắc nước sôi chờ gạo," nâng cao tính chủ động của Quốc hội trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Trong lĩnh vực y tế, ngoài Nghị quyết số 30 của Quốc hội và các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho phép gia hạn thời hạn đăng ký lưu hành thuốc cho khoảng 14 nghìn giấy phép và mở rộng thêm với nguyên liệu làm thuốc. Hiện nay, Bộ Y tế của Việt Nam đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết này. Đây là một bước để tiến tới sửa đổi căn bản Luật Dược.

Đặc biệt, với nỗ lực rất lớn, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 vào đầu tháng 1 năm nay, trong đó đã quy định các nội dung về tài chính y tế, giá dịch vụ khám chữa bệnh, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, khám, chữa bệnh từ xa, áp dụng kỹ thuật mới...

Quốc hội cũng đang cùng với Chính phủ thúc đẩy việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để bảo đảm hiệu quả thực thi của Luật.

Việt Nam cũng đang nghiên cứu xây dựng Luật về trang thiết bị y tế; có lộ trình rõ ràng về việc sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dược, Luật Đấu thầu (trong đó có cơ chế đặc thù cho lĩnh vực y tế)...

Coi trọng chuyển đổi số, kinh tế số

Về chuyển đổi số, kinh tế số, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm khoảng 20% tổng GDP, đến năm 2030 đạt khoảng 30% GDP. Kinh tế số đang là lĩnh vực hết sức tiềm năng của Việt Nam với quy mô hơn 50 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng từ 16-18%/năm.

"Quốc hội Việt Nam đã và đang rà soát lại hệ thống pháp luật để tạo khung pháp lý cho sự phát triển của lĩnh vực này. Chúng tôi hết sức coi trọng lĩnh vực này bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay cũng tạo ra những lợi thế cho các nước đi sau. Với sự ra đời của ChatGPT như vừa qua thì không biết sẽ có những điều gì xảy ra nữa. Không có nước nào không có cơ hội và cũng không nước nào làm một mình được," Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội kêu gọi các nhà đầu tư châu Âu tích cực tham gia vào tiến trình này, góp phần xây dựng hệ sinh thái cho chuyển đổi số ở Việt Nam. Quốc hội cũng đang xem xét sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Luật Đầu tư cũng cho phép Quốc hội và Chính phủ được ban hành các thể chế thực hiện các sandbox trong lĩnh vực này.

Nêu rõ tầm quan trọng của niềm tin số và chủ quyền số trong tiến trình chuyển đổi số, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là vấn đề mà không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết được. Do đó, ngoài vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, hạ tầng, các quốc gia phải xây dựng hệ thống pháp luật để vừa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và người dân, đồng thời tạo lập được niềm tin số và bảo đảm chủ quyền số. Tới đây, Hội nghị Diễn đàn nghị sỹ trẻ toàn cầu do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức vào tháng 9 năm nay cũng sẽ bàn về vấn đề này dưới góc độ của nghị sỹ trẻ và giới trẻ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Về chuyển đổi năng lượng công bằng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới hiện nay đặt ra những khó khăn, áp lực rất lớn đối với thế giới trong việc thực hiện các mục tiêu của COP26; mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp EU về hai vấn đề gồm: huy động tài chính xanh và cân đối giữa lợi ích-chi phí trong quá trình chuyển đổi.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN và EuroCham Việt Nam tích cực vận động các nước còn lại trong Liên minh châu Âu sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU, sớm gỡ thẻ vàng về thủy sản đối với Việt Nam. Những việc này càng sớm bao nhiêu càng đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp, nông dân và người tiêu dùng hai bên bấy nhiêu.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Bình luận