Nộp cả mô hình BIM và hồ sơ giấy khi thẩm định
Chia sẻ về hệ thống CORENET e-Submission, hay còn gọi là cổng thông tin một cửa đối với các dự án, công trình áp dụng BIM tại Singapore, Giám đốc kỹ thuật khu vực Asean của Autodesk - Sagar Thorat cho biết, hầu như tại Singapore hiện nay không nộp hồ sơ giấy, việc này được thực hiện sau 3 năm bắt buộc áp dụng BIM tại nước này (Singapore bắt buộc áp dụng BIM từ năm 2013).
Tại thời điểm hiện nay, mặc dù Singapore có công cụ để giảm bớt việc phải đánh giá, tính toán sơ bộ mô hình BIM… nhưng vẫn phải cần đến sự tính toán của con người là chính, giống như một cổng để nộp, giao dịch về tài liệu, chưa phải là hệ thống máy tính đánh giá một cách tự động.
Còn tại Việt Nam, lộ trình áp dụng BIM bắt đầu thực hiện từ ngày 17/3/2023, theo Quyết định số 258/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ. Việc triển khai lộ trình đến nay được hơn 1 năm, theo Quyết định này, khi thực hiện thẩm định, chủ đầu tư vừa phải nộp mô hình BIM vừa phải nộp hồ sơ giấy. Việt Nam cũng chưa vận hành chính thức mà đang xây dựng và hoàn thiện hệ thống cổng thông tin một cửa đối với các dự án, công trình áp dụng BIM.
Lý giải về vấn đề này, ThS Vũ Quyết Thắng - Trưởng phòng Nghiên cứu chiến lược và cơ chế quản lý kinh tế ngành, Viện Kinh tế xây dựng cho biết, theo quy định hiện hành, cơ quan quản lý nhà nước chỉ tham khảo BIM trong quá trình thẩm định, không phải là thực hiện thẩm định trên mô hình BIM.
Tại điểm e khoản 3 Quyết định số 258/QĐ-TTg quy định, từ năm 2023, đối với công trình áp dụng BIM, cơ quan quản lý nhà nước sử dụng mô hình BIM để hỗ trợ trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu.
Do đó, khi nộp mô hình BIM, vẫn tồn tại song song việc nộp hồ sơ giấy để trình thẩm định như trước đây. Chủ đầu tư hoặc đơn vị chuẩn bị đầu tư có trách nhiệm cung cấp tệp tin BIM cùng với loại hồ sơ khác theo quy định khi thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, xin cấp phép xây dựng và nghiệm thu công trình.
Hiện nay, yêu cầu về thông tin của một dự án áp dụng BIM đã được quy định tại Quyết định số 348/QĐ-BXD ngày 02/4/2021 về Công bố Hướng dẫn chung áp dụng Mô hình BIM. Tuy vậy, dưới góc độ của cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công tác thẩm định hiện nay, chỉ cần một số thông tin phục vụ công tác thẩm định.
Ví dụ, trong quá trình thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước, có đánh giá sự phù hợp của dự án, công trình với quy hoạch, như đánh giá về mật độ xây dựng, chiều cao tầng, số tầng, hệ số sử dụng đất, đặt ra yêu cầu mô hình BIM phải chứa các thông tin này để kiểm tra, so sánh, thẩm định với các thông số theo quy hoạch được duyệt. Nếu khu vực dự án, công trình được quy hoạch với mật độ xây dựng 40%, hệ số sử dụng đất 20%, chiều cao 150 m, được phép xây dựng 30 tầng, thì mô hình BIM phải chứa thông tin đó để so sánh với thông số của quy hoạch để xem hồ sơ thiết kế có bảo đảm tuân thủ đúng quy hoạch hay không…
Những yêu cầu về thông tin này, đang được Bộ Xây dựng cập nhật trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nền tảng quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch và quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật đối với các dự án, công trình áp dụng BIM…
Bỏ nộp hồ sơ giấy có khả thi?
Vậy, tại Việt Nam, sau bao nhiêu năm nữa mới vận hành hệ thống cổng thông tin một cửa đối với các dự án, công trình áp dụng BIM, bỏ được nộp hồ sơ giấy đối với dự án áp dụng BIM?
Theo KS Đỗ Thế Anh - Trưởng phòng BIM-CNTT, Công ty CP Đầu tư xây dựng Xuân Mai, khi nộp hồ sơ BIM điện tử hoàn toàn có thể nộp tại cổng dịch vụ công để triển khai, trong đó cơ quan quản lý nhà nước có thể tích hợp dần số lượng tài liệu đầu vào của hồ sơ. Đầu tiên chỉ gửi hồ sơ trực tuyến để giảm bớt việc phải đi lại; sau đó có thể tích hợp dần thêm nội dung kiểm tra nội dung, danh sách các tài liệu gửi lên theo yêu cầu thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước; sau đó nữa có thể đi sâu hơn về những thông tin sâu ở trong mô hình BIM như kiểm tra kích thước hình học của công trình, đối chiếu…
Như trên đã đề cập, sau 3 năm áp dụng BIM thì Singapore bắt đầu bỏ hoàn toàn nộp hồ sơ giấy. Còn đối với Việt Nam, ThS Vũ Quyết Thắng cho rằng, so sánh với Singapore để đưa ra khoảng thời gian cụ thể với Việt Nam là rất khó.
Singapore là đất nước có quy mô nhỏ, số lượng công trình ít hơn Việt Nam rất nhiều; năng lực và kinh nghiệm áp dụng BIM của Singapore ở trình độ cao, đồng đều từ trước khi bỏ hoàn toàn hồ sơ giấy. Trong khi ở Việt Nam, áp dụng BIM mới chỉ ở giai đoạn đầu tiên, số lượng công trình rất nhiều, trình độ năng lực của các chủ thể có liên quan chưa đồng đều.
Nếu chỉ đứng ở góc độ của một số nhà tư vấn, nhà thầu thi công đi đầu trong áp dụng BIM và đã có nhiều năm kinh nghiệm triển khai dự án BIM thì đáp ứng được việc eSubmission. Nhưng, nếu ở góc độ của các tư vấn và các địa phương khác, mà quy định áp dụng chung cho tất cả, thì tính khả thi chưa cao. Cho nên, tại Việt Nam cần một giai đoạn và thời gian nhất định, để tất cả các chủ thể có liên quan trang bị thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về BIM một cách tương đối.
Giai đoạn này cũng là thời gian để cho cổng thông tin về quản lý mô hình BIM trong xây dựng của Việt Nam có thời gian vận hành thử nghiệm, tổng kết, mới có khả năng đưa vào hoạt động phục vụ các dự án, công trình áp dụng BIM. Có thể phấn đấu trong khoảng 5 - 10 năm tới đáp ứng được.
Đối với vấn đề bỏ nộp hồ sơ giấy khi thực hiện thẩm định tại cơ quan quản lý nhà nước, ThS Trần Văn Tâm - Giám đốc Công ty Cổ phần IDECO Việt Nam cho rằng, không áp dụng BIM vẫn nộp được hồ sơ điện tử.
Vấn đề là, mô hình BIM là một giải pháp kỹ thuật số, môi trường điện tử, hỗ trợ cho việc nhập hồ sơ lưu trữ trên môi trường điện tử, do đó không cản trở việc bỏ nộp hồ sơ giấy. Thực tế ở các lĩnh vực khác đã loại bỏ hồ sơ giấy rất nhiều.
Theo ThS Trần Văn Tâm, việc bỏ hồ sơ giấy tiết kiệm được chi phí rất lớn. Riêng tại IDECO, nếu bỏ hồ sơ giấy, mỗi năm có thể tiết kiệm được khoảng 2 tỷ đồng. Đặc biệt, việc bỏ hồ sơ giấy sẽ bảo đảm được sự thống nhất giữa mô hình BIM với hồ sơ giấy.
Trong khu vực ASEAN, Singapore bắt đầu triển khai hệ thống một cửa điện tử tiếp nhận bản vẽ và hồ sơ của các dự án cần phê duyệt và cấp phép từ năm 2001, được đặt tên là Mạng lưới Xây dựng Bất động sản (COnstruction & Real Estate NETwork - CORENET), hay còn gọi là hệ thống CORENET e-Submission. Hệ thống này đã phát triển qua nhiều phiên bản. Từ năm 2016, hệ thống này được điều chỉnh, nâng cấp để tiếp nhận thông tin từ các dự án ứng dụng BIM theo lộ trình bắt buộc. Mô hình BIM nộp vào cổng thông tin điện tử phải tuân thủ các Bộ tiêu chuẩn thực hành (Code of Practice), trong đó quy định các yêu cầu chung và yêu cầu cụ thể đối với từng bộ môn như: kiến trúc, hạ tầng, kết cấu, cơ điện và nước.
Hệ thống CORENET cũng cho phép các tổ chức, cá nhân truy cập vào hệ thống để tìm kiếm, tra cứu thông tin về vòng đời của các dự án được lưu trữ. Trên thế giới có khá nhiều quốc gia có hệ thống có tính năng tương tự như: Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Hàn Quốc...