Theo báo cáo của Sở TN&MT, hiện nay, Hải Dương có 3 nguồn nguyên vật liệu sử dụng để san lấp mặt bằng gồm: đất đồi; đất, cát bãi bồi và nguồn tro xỉ của nhà máy nhiệt điện.
Về đất đồi làm vật liệu san lấp, hiện toàn tỉnh có 22 khu vực khoáng sản phù hợp quy hoạch có thể cung cấp vật liệu phục vụ san lấp, trong đó đất san lấp có hơn 59 triệu m3; cát san lấp có hơn 3,9 triệu m3.
Về đất, cát bãi bồi làm vật liệu san lấp, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 1 vị trí đã cấp phép có trữ lượng 3,39 triệu m3. Ngoài ra còn mỏ bãi Thoi, xã Tuấn Việt (Kim Thành) có trữ lượng khoảng 0,33 triệu m3 và mỏ cát san lấp, sét làm gạch ngói tại bãi sông Kinh Môn thuộc thôn Trần Xá, xã Lạc Long (Kinh Môn) có trữ lượng hơn 0,2 triệu m3 tiếp tục đưa vào quy hoạch và đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Nguồn tro xỉ của Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương (Kinh Môn) có khoảng 1,1 triệu tấn tro, xỉ có thể san lấp. Hiện tại, Công ty này đang tạm dừng cung cấp để hoàn thiện các thủ tục pháp lý còn thiếu.

Đáng chú ý, hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 11 mỏ đất đồi, cát bãi bồi làm vật liệu san lấp nhưng không thể đưa vào khai thác do còn nhiều vướng mắc về thủ tục, điều kiện để đưa ra đấu giá quyền khai thác. Trong đó có mỏ do vướng quy định về cao độ đáy khu vực khai thác đối với mực nước trung bình mùa cạn tại khu vực khai thác…
Để khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu san lấp, Sở TN&MT đề xuất UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung tham mưu, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính để sớm cung cấp nguồn vật liệu san lấp ra thị trường.
Sở cũng đề nghị Cục Thuế tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Tài chính sớm có quan điểm tháo gỡ vướng mắc việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất đối với các khu vực phải đóng cửa mỏ để sớm đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Đồng thời yêu cầu Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương sớm hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu của cơ quan nhà nước, để cung cấp nguồn tro xỉ làm vật liệu san lấp cho thị trường…
Để góp phần tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu san lấp, ngày 18/7 vừa qua, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành quy định về về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng và quy hoạch địa điểm đổ chất thải từ hoạt động xây dựng; bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh.
Trong đó quy định, chất thải rắn, phế liệu còn giá trị sử dụng, vật liệu, đất đào thừa từ các công trình xây dựng được tập kết tạm thời tại các vị trí không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh để tái sử dụng làm VLXD, san lấp mặt bằng hoặc sử dụng để bồi đắp cho đất trồng cây hoặc các khu vực đất phù hợp do UBND xã, phường, thị trấn xác định.
Các loại chất thải rắn xây dựng được tái chế, tái sử dụng theo các mục đích sau: Chất thải rắn xây dựng dạng bê tông và gạch vụn chủ yếu được tái chế thành cốt liệu thô, có thể sử dụng làm vật liệu sản xuất gạch, các sản phẩm vật liệu xây dựng khác hoặc san nền.