Các chỉ tiêu đều trong giới hạn cho phép
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ năm 2022 Bộ GTVT đã chủ động triển khai nghiên cứu, đánh giá thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực ĐBSCL. Đồng thời, năm 2023 Chính phủ cũng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ và doanh nghiệp có liên quan nghiên cứu, đánh giá khai thác thí điểm việc sử dụng cát biển làm VLXD cho hạ tầng giao thông và xây dựng, trong đó có việc thí điểm sử dụng vật liệu cát biển đắp nền đường tại dự án Hậu Giang - Cà Mau.
Kết quả được đánh giá khả quan, các chỉ tiêu của vật liệu cát biển đắp nền đường cơ bản thỏa mãn tiêu chuẩn hiện nay và độ nhiễm mặn cơ bản không ảnh hưởng tới điều kiện môi trường, đặc biệt là các khu vực nhiễm mặn.
Ngoài các nghiên cứu của Bộ GTVT thì Bộ TN&MT cũng đã hoàn thành Đề án đánh giá, khoanh vùng các khu vực có thể khai thác cát biển, đã bàn giao Đề án cho tỉnh Sóc Trăng, nơi có trữ lượng cát biển rất lớn.
Ngoài các nghiên cứu của Bộ GTVT, Bộ TN&MT cũng hoàn thành Dự án đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông Vùng ĐBSCL. Từ đầu năm 2023, Cục Địa chất Việt Nam (Bộ TN&MT) tập trung thi công thực địa, đồng thời, đánh giá tài nguyên cát biển tại khu vực B1 và triển khai một số công tác đánh giá khoáng sản tại khu vực B2 - B4 trên địa bàn Sóc Trăng. Đến đầu tháng 11/2023, việc triển khai thực hiện Dự án đánh giá tài nguyên cát biển tại khu vực B1 tỉnh Sóc Trăng đã hoàn thành và đã được Bộ TN&MT thẩm định.
Theo đó, kết quả đánh giá tài nguyên khoảng sản cát biển tại khu vực B1 đã khoanh định được 1 thân khoáng cát biển có diện tích 160,3 km2 phân bố nằm ngay trên bề mặt đáy biển; cấu tạo thân khoáng là các thành tạo cát hạt mịn, bở rời, lẫn ít bột; tính đồng nhất về thành phần, độ hạt khá cao; chiều dày thân cát từ 2,0 - 7,3 m, trung bình 4,3 m; hàm lượng tổng cát từ 70,7 - 96,5%, trung bình 82,8%; hệ số biến thiên chiều dày 28% và hàm lượng 10%, thuộc loại rất ổn định; cát biển tại khu vực B1 đáp ứng yêu cầu làm vật liệu san lấp hạ tầng đô thị theo TCVN 5747:1993; đáp ứng được các chỉ tiêu cơ bản làm vật liệu san lấp nền đường ô tô theo TCVN 9436:2012.
Bên cạnh đó, Cục Địa chất Việt Nam cũng đã đánh giá được tài nguyên khoáng sản cát biển làm vật liệu san lấp cấp 333 + cấp 222 đạt 680 triệu m3, trong đó cấp tài nguyên 222 là 145 triệu m3.
Đề án nghiên cứu của Bộ TN&MT hoàn toàn có thể triển khai được các thủ tục khảo sát mỏ để đưa vào hồ sơ của dự án và triển khai các thủ tục cấp cho nhà thầu, sớm đưa cát biển vào khai thác cho các dự án trong khu vực.
Hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo các chủ đầu tư và các nhà thầu sớm bổ sung công tác khảo sát mỏ vật liệu cát biển để đưa vào hồ sơ dự án. Đồng thời phối hợp với địa phương, Bộ TN&MT để có hướng dẫn về trình tự, thủ tục giao mỏ cho nhà thầu.
Theo các báo cáo của Viện KH&CN GTVT cho thấy, công tác thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền đường đã đạt được một số kết quả tương đối khả quan trong việc đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, môi trường. Trong đó, cát biển có thể được sử dụng lu lèn đạt độ chặt K95 theo yêu cầu với lu thông thường; kết cấu quan trắc độ lún, biến dạng qua thời gian bước đầu cho thấy nền đường ổn định.
Ông Nguyễn Văn Thành - Quyền Viện trưởng Viện KH&CN GTVT cho biết, với những kết quả thí điểm được ghi nhận, Viện dự kiến báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng cát biển trong giai đoạn trước mắt ở những nơi mặt bằng đã nhiễm mặn. Phạm vi đắp nền đường giai đoạn đầu nên hạn chế, có thể chỉ dùng cát biển đắp bù cho phần cào bóc hữu cơ, đắp nền đường với chiều cao nhất định, không đắp hết bằng cát biển mà vẫn kết hợp với cát sông.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Thành cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu việc dùng vải địa kỹ thuật, màng chống thấm hạn chế sự thẩm thấu mặn của cát biển ra môi trường xung quanh.
Cơ sở để cát biển trở thành VLXD
Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1626/QĐ-TTg ngày 15/12/2023; Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT và các Bộ, ngành, địa phương liên quan đánh giá về khả năng sử dụng cát biển làm VLXD, san lấp; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật các loại VLXD sử dụng cát biển; đồng thời, nghiên cứu xây dựng phương án quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng đối với khoáng sản cát biển để bổ sung vào quy hoạch theo quy định.
Ông Lương Văn Hùng - Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, trên cơ sở tài liệu quy hoạch mỏ cát biển của Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng sẽ có quy hoạch, sắp xếp lại theo từng vùng cát biển, xây dựng phương án quy hoạch khai thác cát không chỉ trong 6 - 12 hải lý, mà có thể lấy cát ngoài khơi, đáp ứng nhu cầu VLXD lớn trong tương lai.
Ngoài ra, tại Hội thảo "Đánh giá kết quả thực hiện thí điểm việc sử dụng cát biển làm VLXD cho công trình xây dựng” được tổ chức cuối tháng 12/2023, ông Lê Văn Dương - Vụ trưởng KHCN&MT (Bộ GTVT) cho biết, báo cáo và các ý kiến trao đổi tại Hội thảo đã cơ bản thống nhất phạm vi dùng cát biển, như: Thi công lớp K95 và vùng không chịu tải trọng động trong quá trình khai thác nền đường...
Bên cạnh đó, Vụ KHCN&MT sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo gửi cấp có thẩm quyền xem xét. Trong đó, chỉ dẫn kỹ thuật sẽ thống nhất định nghĩa vật liệu, quy định liên quan đến công tác thiết kế, thi công, nghiệm thu nền đường đắp bằng vật liệu cát biển. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành xem xét tháo gỡ và giải quyết các vướng mắc.
Như vậy, sau nhiều nỗ lực của các Bộ, ngành và các bên liên quan, kết quả thí nghiệm cát biển bước đầu đáp ứng các yêu cầu đối với vật liệu đắp nền theo quy định, được kỳ vọng giải quyết được vấn đề nan giải về vật liệu cát đắp nền đường cho các dự án công trình giao thông trọng điểm đang bị chậm tiến độ, đặc biệt 2 dự án Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.