Chuẩn bị trình Quốc hội các nội dung liên quan sắp xếp, tinh gọn bộ máy

06:00 08/01/2025
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện các dự án luật và nghị quyết, chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường thứ 9 (tháng 02/2025), trong đó có nhiều nội dung liên quan đến sắp xếp bộ máy.

Ngày 07/01, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01/2025, thảo luận 7 dự án luật và nghị quyết chuẩn bị trình Quốc hội, trong đó có nhiều nội dung quan trọng liên quan việc thực hiện sắp xếp bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".

Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại phiên họp, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến đối với 4 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết của Quốc hội, gồm: dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng; dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi), do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội giải quyết các vấn đề phát sinh trong các quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy, do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng; dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng…

Chính phủ cũng đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thành lập một số Bộ của Chính phủ khoá XV, nhiệm kỳ 2021-2026, do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XVI, Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng; dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc, do Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng.

Kết luận chung về phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ trưởng tiếp tục chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc các ý kiến để hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết theo quy định; các Phó Thủ tướng theo lĩnh vực phụ trách quan tâm, trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện các nội dung trên.

Yêu cầu khẩn trương hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường thứ 9 (tháng 02/2025), Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ưu tiên thời gian, tập trung nguồn lực cao nhất, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật, dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, tạo sự đồng thuận trong quá trình thẩm tra, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, dự thảo nghị quyết theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục rà soát các luật đã ban hành, nhất là những vấn đề vướng mắc, lạc hậu hoặc chưa theo kịp với thực tiễn để hoàn thiện hệ thống pháp luật, vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó... - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đề nghị tiếp tục tổng kết thực tiễn để xây dựng chính sách, đánh giá tác động chính sách; triển khai cụ thể hóa, thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng; cần thay đổi tư duy làm luật theo hướng vừa quản lý được, vừa thông thoáng, giảm khâu trung gian, giảm thủ tục, tháo gỡ các "điểm nghẽn", khơi thông và huy động mọi nguồn lực để phát triển đất nước.

Cùng với đó, bỏ tư duy "không quản được thì cấm, không biết mà vẫn quản". Rà soát, kiên quyết bỏ các cơ chế xin-cho, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng các luật, pháp lệnh.  

Các cơ quan soạn thảo tiếp tục lắng nghe các ý kiến góp ý, lấy ý kiến của các đối tượng bị tác động, các cơ quan liên quan, các nhà khoa học, chuyên gia, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đồng thời làm tốt công tác truyền thông chính sách, nhất là với những vấn đề mới, vấn đề khó.

Các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục rà soát các luật đã ban hành, nhất là những vấn đề vướng mắc, lạc hậu hoặc chưa theo kịp với thực tiễn để hoàn thiện hệ thống pháp luật; quán triệt yêu cầu đổi mới trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật.

Bình luận