Chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái gắn với đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững

06:30 30/05/2025
Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư quốc tế trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu có xu hướng tái cấu trúc mạnh mẽ. Cùng với đó, yêu cầu về phát triển bền vững và tiêu chuẩn ESG cũng đang tạo áp lực thúc đẩy khu công nghiệp chuyển đổi mô hình sang hướng sinh thái.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển khu công nghiệp 2025, chiều 29/5 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo chuyên đề “Xây dựng khu công nghiệp sinh thái thông qua cộng sinh công nghiệp và giải pháp bền vững”.

Sự kiện quy tụ đại diện các cơ quan quản lý, nhà đầu tư, nhà phát triển hạ tầng và chuyên gia công nghệ nhằm tìm kiếm hướng đi mới cho quá trình chuyển đổi mô hình khu công nghiệp tại Việt Nam. Đây được xem là cơ hội để thúc đẩy mô hình phát triển bền vững, tăng cường hội nhập quốc tế và thích ứng với xu thế xanh hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Từ thực tiễn phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam đến yêu cầu chuyển đổi xanh

Sau hơn ba thập niên thu hút đầu tư, Việt Nam hiện có trên 400 khu công nghiệp (KCN), đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, phần lớn các KCN vẫn phát triển theo mô hình truyền thống, thiếu liên kết cộng sinh, tiêu tốn năng lượng và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Sự kiện thu hút nhiều chuyển gia trong và ngoài nước.

Thực trạng tại nhiều địa phương cho thấy, việc xử lý chất thải, tiêu thụ tài nguyên và năng lượng trong KCN còn manh mún, rời rạc. Mức độ tái sử dụng nội bộ thấp; cơ sở hạ tầng chung hạn chế; quy hoạch chưa tích hợp hệ sinh thái đô thị và dân cư. Trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt Net-Zero vào năm 2050 và chịu sức ép từ các tiêu chuẩn ESG (bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) của nhà đầu tư nước ngoài, việc chuyển đổi mô hình phát triển KCN sang hướng sinh thái là yêu cầu cấp bách.

Do đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, lần đầu tiên thiết lập các tiêu chí và định hướng phát triển khu công nghiệp sinh thái. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đang xây dựng bộ chỉ số đánh giá khu công nghiệp sinh thái, đồng thời các địa phương như Bắc Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai đã bắt đầu thí điểm các mô hình chia sẻ hạ tầng, tuần hoàn chất thải, năng lượng.

Tuy nhiên, tốc độ chuyển đổi còn chậm do thiếu cơ chế tài chính xanh, khung chính sách rõ ràng cho vận hành cộng sinh và đội ngũ kỹ thuật chuyên môn hóa về sinh thái công nghiệp còn hạn chế.

Động lực thúc đẩy chuyển đổi

Tại Diễn đàn Phát triển khu công nghiệp 2025, nhiều doanh nghiệp công nghệ và vật liệu xây dựng đã giới thiệu các giải pháp có khả năng hiện thực hóa mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam. Đây không chỉ là những sáng kiến kỹ thuật mà còn là minh chứng cho tinh thần đổi mới sáng tạo, phối hợp liên ngành.

Đại diện Công ty ACUD cho biết, để triển khai thành công khu công nghiệp sinh thái, không thể thiếu một hệ sinh thái công nghệ tích hợp. Từ bước quy hoạch - hạ tầng đến điều hành - giám sát phải dựa trên dữ liệu số và kết nối thời gian thực. Công ty đề xuất mô hình quy hoạch thông minh ứng dụng GIS, hạ tầng cảm biến IoT, camera AI, điều hành tập trung để tối ưu nguồn lực và giảm phát thải ngay từ thiết kế.

Ông Douglas Snyder - Giám đốc điều hành Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong phát triển KCN sinh thái.

Về phía quốc tế, Huawei và OASIS giới thiệu mô hình Integrated Digital Zone - một lớp quản lý số hóa toàn diện cho KCN, bao gồm trung tâm điều hành số (TOC), các công cụ quản trị rủi ro môi trường, phân tích dữ liệu lớn phục vụ đánh giá ESG và quản lý sản xuất thông minh. Ông Nguyễn Anh Vũ - Huawei Digital Power cho biết, KCN số không chỉ giúp tiết kiệm chi phí vận hành, mà còn tạo ra cơ sở dữ liệu minh bạch để tiến tới chứng nhận khu công nghiệp sinh thái theo chuẩn quốc tế.

Trong lĩnh vực vật liệu xanh, TONMAT trình bày các giải pháp panel cách nhiệt với hệ số tiêu hao năng lượng thấp, giúp tiết kiệm 20 - 40% điện năng điều hòa và rút ngắn thời gian thi công. Theo ông Trần Văn Sơn - Chủ tịch Tập đoàn TONMAT cho biết, giải pháp sandwich panel không chỉ tiết kiệm năng lượng, mà còn đạt chuẩn PCCC và dễ tái chế, phù hợp với các nhà máy thực phẩm, kho lạnh, và công nghiệp sạch.

SIKA Việt Nam tập trung vào các dòng sản phẩm sơn - phủ sàn công nghiệp có tuổi thọ cao, hàm lượng carbon thấp và khả năng chống hóa chất, phù hợp với các nhà máy thực phẩm, dược phẩm, sản xuất linh kiện điện tử. Hệ thống Sikafloor, SikaGard hay Ucrete được đánh giá là công cụ hữu hiệu giúp kéo dài vòng đời công trình, giảm chi phí bảo trì và phù hợp với tiêu chuẩn LOTUS, LEED.

Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển khu công nghiệp sinh thái

Từ thực tiễn quốc tế, nhiều mô hình khu công nghiệp sinh thái đã chứng minh hiệu quả vượt trội khi kết hợp quy hoạch tổng thể - công nghệ - chính sách khuyến khích.

Kalundborg (Đan Mạch) là ví dụ tiêu biểu với 9 doanh nghiệp chia sẻ tài nguyên đầu vào và đầu ra, từ nhiệt thải đến nước làm mát và phụ phẩm công nghiệp. Singapore đã xây dựng trung tâm điều hành chung cho KCN, đồng thời bắt buộc các nhà đầu tư đạt tiêu chuẩn xanh và lắp đặt hệ thống xử lý nước tuần hoàn.

Tọa đàm với chủ đề "Chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái gắn với đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững".

Từ những bài học kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn triển khai tại Việt Nam, các diễn giả tại Diễn đàn đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hoàn thiện khung pháp lý cho khu công nghiệp sinh thái - đặc biệt là những quy định cụ thể về cộng sinh công nghiệp và chia sẻ dữ liệu giữa các bên liên quan.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng cần nhanh chóng thiết lập cơ chế tín dụng ưu đãi, xây dựng quỹ đầu tư xanh và áp dụng chính sách thuế hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi mô hình hoạt động. Việc phát triển bộ tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về vật liệu, thiết bị và quy trình xây dựng khu công nghiệp sinh thái cũng là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tính đồng bộ trong thiết kế - thi công - vận hành.

Ngoài ra, các chuyên gia đề xuất tăng cường đào tạo đội ngũ chuyên trách từ Trung ương tới địa phương và đẩy mạnh phối hợp liên ngành - đặc biệt giữa các cơ quan như Bộ như Xây dựng, NN&MT, KH&CN và Công Thương - nhằm kiến tạo một hệ sinh thái hỗ trợ đồng bộ, hiệu quả và bền vững.

Nam Cầu Kiền, một trong số ít những KCN tích hợp mô hình kinh tế tuần hoàn, tối ưu hóa tài nguyên và giảm thiểu phát thải. Ảnh: INT

Trong khuôn khổ Hội thảo, tọa đàm với chủ đề "Chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái gắn với đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững" đã thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp và đại diện cơ quan quản lý. Tọa đàm đi sâu vào vào các vấn đề về hạ tầng số, cảm biến, dữ liệu, tự động hóa, cùng chiến lược nâng cao năng lực thu hút đầu tư; các giải pháp cộng sinh công nghiệp, năng lượng xanh, xử lý nước thải, mái xanh, vật liệu tái chế, cách nhiệt tiết kiệm năng lượng...

Các nhà chuyên môn có chung nhận định, chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái là một quá trình lâu dài nhưng bắt buộc. Đó là hành trình đổi mới từ chính sách đến hành động - từ nhà nước đến doanh nghiệp - từ kỹ thuật đến tư duy phát triển.

Bình luận