Hiện nay, chuyển đổi xanh nhận được nhiều sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị và doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam, đặc biệt là trong phát triển các dự án bất động sản hướng đến phân khúc khu công nghiệp (KCN) sinh thái và cụm công nghiệp (CCN) sinh thái.
Việc tập hợp, bao trùm, nhân rộng và hiệu quả từ thực tế sẽ giúp giải quyết khúc mắc trong triển khai và ứng dụng hiệu quả hơn. Vai trò quan trọng của việc thúc đẩy chuyển đổi xanh trong mọi hoạt động của mỗi DN là rất quan trọng.
Con người đã và đang sử dụng quá mức tài nguyên sinh thái với những ứng dụng lạc hậu, mất kiểm soát, mang lại hệ lụy lớn cho toàn cầu. Chúng ta nhận thức được qua những con số thống kê về mức độ ảnh hưởng của kinh doanh không bền vững đã làm suy thoái thị trường và thay đổi thói quen trong mọi vấn đề thiết yếu của cả thế giới.
Do đó, cần phải tìm ra những phương pháp tích hợp đa chiều trong hoạt động kinh doanh để cân bằng lại với giới hạn của tự nhiên, sắc thái vốn có mà vẫn đảm bảo quản trị chiến lược, rủi ro cũng như hiệu suất kinh doanh tăng trưởng ổn định.
Theo TS.LS Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, để giải quyết nhu cầu của các DN về chuyển đổi xanh gắn với các hoạt động chiến lược của công ty, các khái niệm như ESG (3 khía cạnh môi trường - xã hội - quản trị) cần được đề xuất đưa vào khung quản trị, từ đó tạo ra lăng kính mới cho DN.
Việc tiến hành phân tích và đưa kế hoạch thành hành động là một quá trình lâu dài và phức tạp, tuy nhiên đó là việc cần phải làm và chỉ khi vượt qua được nó, DN mới tìm được cách xác định những cơ hội tốt nhất để cải thiện tính cạnh tranh trên thương trường.
Nền tảng cho DN trong việc thúc đẩy chuyển đổi xanh và đảm bảo an ninh tài nguyên cũng như an ninh năng lượng đề cập đến cơ sở và nguyên tắc căn bản mà mọi hoạt động chuyển đổi xanh phải tuân theo.
Điều này bao gồm việc sử dụng tài nguyên tái tạo và không gây hại đến môi trường, đảm bảo rằng việc sử dụng tài nguyên không làm suy giảm khả năng sử dụng của thế hệ sau.
Nền tảng này cũng liên quan đến việc tạo ra các chiến lược và chính sách nhằm bảo vệ môi trường và tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển bền vững, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng để không gây ra sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng không ổn định và nguyên liệu hoá thạch hoặc không bền vững.
Chuyển đổi xanh trong nội hàm DN, đặc biệt quan trọng khi hướng đến những yêu cầu của khách hàng lớn trong thời kỳ hội nhập. Sự quan tâm và đòi hỏi về những quyền lợi trong môi trường đầu tư, và các sản phẩm thân thiện môi trường được ưa chuộng và là yêu cầu khắt khe trong trách nhiệm kinh doanh hiện nay.
Đây là động lực để DN đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh tài nguyên, an ninh năng lượng và thực hiện tầm nhìn xanh. Tầm nhìn xanh cho các DN được thể hiện qua cách nhìn tổng quan hoạt động điển hình của các KCN, CCN tại Việt Nam.
Trong đó, chuyển đổi xanh không chỉ mạnh mẽ trong phạm vi từng DN mà có thể được huy động nhiều nguồn lực cùng thực hiện, cùng chia sẻ để nhanh chóng đạt được thoả thuận xanh trên phạm vi rộng hơn của các KCN, CCN.
Dưới sức ép về xu hướng toàn thế giới thực hiện trách nhiệm trong phát triển bền vững, phòng chống biến đổi khí hậu, hàng loạt các chế tài, cam kết mạnh mẽ đã được đưa ra, chuyển đổi xanh cần tính sự bao trùm tác động của các hoạt động của các DN tới mọi lĩnh vực, đối tượng mà nó ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp trong mọi dây chuyền của hoạt động như: thiết kế, nghiên cứu, sản xuất, phân phối, xử lý chất thải, trách nhiệm mở rộng, giảm phát thải, sinh thái,...
Rất nhiều hoạt động cần thực hiện và sẽ làm mất đi động lực nếu DN thiếu nguồn lực con người, công cụ và tài chính để triển khai đầy đủ trách nhiệm xuyên suốt vòng đời của dự án.
Để đảm bảo mục tiêu và tối ưu hóa chi phí trong quá trình chuyển đổi xanh, các DN cần tận dụng tối đa nguồn lực con người, công cụ và tài chính để triển khai trách nhiệm xuyên suốt vòng đời của dự án.
Đồng thời, việc khai thác tiềm năng và thế mạnh của từng DN. Sự kết hợp cộng sinh giữa các DN cũng như tối ưu hóa quá trình sản xuất và vận hành cơ sở hạ tầng là cực kỳ quan trọng.
Điều này bao gồm giảm lượng khí thải và chất thải ra môi trường, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng gây hại cho môi trường.
Chuyển đổi xanh không chỉ giúp DN thúc đẩy sự phục hồi sau đợt khủng hoảng mà còn tạo ra cơ hội phát triển mới dựa trên cơ sở bền vững và thân thiện với môi trường.
Việc triển khai chuyển đổi xanh trong DN đòi hỏi sự bao trùm và tích hợp mục tiêu phát triển ESG. Trong đó, cần sự quản lý cẩn thận, đầu tư tài chính và nguồn lực, cũng như sự khéo léo trong việc thúc đẩy chuyển đổi xanh trong mọi hoạt động của DN.
Vai trò và tầm nhìn xanh đã được vạch rõ, tuy nhiên để triển khai hiệu quả hơn, động lực về chính sách, tài chính là rất quan trọng cần được nghiên cứu có giải pháp tháo gỡ để DN sớm đạt được chuyển đổi xanh toàn diện.