Chuyên gia “mách nước” giúp doanh nghiệp và thị trường bất động sản sớm phục hồi

13:33 11/03/2023
Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp bất động sản cần có các phương án tái cấu trúc cho phù hợp với nền kinh tế và nguồn lực của doanh nghiệp, đồng thời cấu trúc lại dòng sản phẩm để dễ hấp thụ với thị trường, nhằm có dòng tiền để khởi động trở lại.

Cuối năm 2022, thị trường bất động sản (BĐS) bước vào giai đoạn khó khăn. Cụ thể, số lượng cấp phép dự án mới và giao dịch trên thị trường thấp kéo theo đó là số lượng nhân sự ngành BĐS, đặc biệt là lực lượng môi giới bị cắt giảm nhiều.

Đáng chú ý, giai đoạn đầu năm 2023, doanh nghiệp BĐS tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo khảo sát mới nhất của Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam, hiện 65% khó khăn của các doanh nghiệp BĐS đến từ những vướng mắc chính sách, pháp lý; 20% từ nguồn vốn và 15% từ các yếu tố thị trường, doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, năm 2023, sẽ có khoảng 309.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, số lượng trái phiếu BĐS đáo hạn rơi vào khoảng hơn 119.000 tỷ đồng. Năm 2024, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp BĐS đáo hạn vào khoảng 110.000 tỷ đồng.

Theo nhận định của Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam, trong năm 2023, “cơn bão” đối với thị trường BĐS sẽ dữ dội hơn nếu như những vấn đề tồn tại lớn chưa được tháo gỡ kịp thời, nhất là vấn đề pháp lý và ổn định, hài hòa nguồn vốn từ thị trường vốn và tín dụng.

Ảnh minh họa: Internet.

Chia sẻ quan điểm về một số giải pháp, chính sách để phục hồi thị trường BĐS hiện nay, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, trước tiên doanh nghiệp BĐS cần có các phương án tái cấu trúc cho phù hợp với nền kinh tế và nguồn lực của doanh nghiệp. Đồng thời cấu trúc lại dòng sản phẩm để dễ hấp thụ với thị trường, nhằm có dòng tiền để doanh nghiệp khởi động trở lại.

Bên cạnh đó, đối với Nhà nước, tại thời điểm này cần có những quy định cụ thể để triển khai gói 120.000 tỷ đồng mà ngân hàng vừa công bố. Đây là liều thuốc bổ có giá trị đối với thị trường. Nhưng cũng cần quy định rất cụ thể, trong đó quy định rõ đối tượng những nhóm được tiếp cận nguồn vốn này.

Ngoài những nhóm đối tượng phát triển nhà ở xã hội, giá rẻ, bình dân thì cũng cần lưu ý những dự án BĐS đang ở giai đoạn gần hoàn thành nhưng chỉ vì thiếu vốn nên tắc nghẽn thì cũng cần quan tâm. Nếu được giải tỏa, sẽ kích thích được nguồn cung trên thị trường.

Ngoài ra, về dài hạn, Chính phủ cần thúc đẩy tiến trình sửa đổi các bộ luật, ngoài Luật Đất đai, còn có Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, thúc đẩy chỉnh sửa đúng tiến độ và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Bàn về câu chuyện gỡ khó cho doanh nghiệp, thị trường BĐS hiện nay, TS Vũ Đình Ánh thì cho rằng, các doanh nghiệp BĐS cần cơ cấu lại hoạt động kinh doanh. Trên cơ sở tái cơ cấu hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp nên tái cơ cấu lại nguồn tài chính. Đặc biệt, trong tái cơ cấu hoạt động kinh doanh và tái cơ cấu nguồn tài chính các doanh nghiệp nên đưa khấu phần phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đánh giá, với những khó khăn trên thị trường, doanh nghiệp cần phải tự cứu mình là tiết giảm lại kênh đầu tư, mức đầu tư sao cho phù hợp với sức khỏe của mình.

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam dự báo khó khăn của thị trường BĐS sẽ còn kéo dài tới năm 2024. “doanh nghiệp cần phải biết lượng sức mình, nếu sức có thể gánh được 60kg thì chỉ cần cần gánh 40kg thôi mới có thể đi được đường dài” - Ông Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ.

Ở góc nhìn khác, ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển kinh doanh OneHousing cho rằng, nếu so sánh với giai đoạn khủng hoảng cách đây 10 năm của thị trường thì, hiện nay trên thị trường BĐS, yếu tố đầu cơ vẫn còn nhiều, trong khi hành lang pháp lý chưa rõ ràng, chưa quản lý thật tốt. Đó là nguồn gốc gây khó khăn cho mọi vấn đề trên thị trường hiện nay.

Vì vậy, trong giai đoạn này, các chủ đầu tư, nhà đầu tư tham gia cần có tính toán sử dụng đòn bẩy hợp lý chứ không đầu tư theo đám đông. “Cuối năm 2023 - 2024 là cơ hội lớn, là giai đoạn rất nhiều người mong đợi, tiếp tục hành trình cho thị trường BĐS" - ông Trần Quang Trung nhận định.

 

Bình luận