Với quyết định hạ lãi suất 0,5 điểm % ngày 18/9 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ mang lại tác động lớn tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Giới phân tích cho rằng với riêng Việt Nam, các tác động tích cực có thể kể đến như: thúc đẩy tăng xuất khẩu, tăng thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài, giảm áp lực lên tỷ giá, ổn định mặt bằng lãi suất, thị trường chứng khoán hưởng lợi…
Triển vọng tích cực cho kinh tế Việt Nam
Đánh giá nhanh về quyết định hạ lãi suất của Fed với kinh tế Việt Nam, TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đưa ra trước tiên, lãi suất toàn cầu có xu hướng giảm sẽ kích cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, giúp kinh tế thế giới giữ đà tăng trưởng và bền vững hơn, kích cầu hàng hóa - dịch vụ, từ đó thúc đẩy nhu cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam ở mức cao và Mỹ, châu Âu là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.
Trong 8 tháng qua, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 25,4%, chiếm 29%; sang châu Âu tăng 18,5%, chiếm 13% tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Cùng với đó, kỳ vọng dòng vốn FDI vào thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam cũng sẽ tăng lên.
Tiếp đó, quyết định hạ lãi suất của Fed giúp giảm áp lực tỷ giá. Việc Fed giảm lãi suất sẽ khiến đồng USD xuống giá so với hầu hết các đồng tiền khác (trong đó có VND) làm giảm sức ép tỷ giá USD/VND.
Thực tế là thị trường đã chiết khấu một phần lớn, tỷ giá hạ nhiệt từ mức tăng khoảng 4,9% hồi cuối tháng 5/2024 xuống còn 1,6% hết ngày 18/9/2024.
Dự báo tỷ giá USD/VND sẽ chỉ tăng khoảng 1,3 - 1,7% cả năm 2024. Việc tỷ giá ổn định hơn góp phần giảm chi phí nhập khẩu trong khi tác động không nhiều đối với xuất khẩu của Việt Nam do cấu trúc nền kinh tế.
Nghiên cứu năm 2022 về mối quan hệ giữa tỷ giá và cán cân thương mại quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2006 - 2021 của Nhóm nghiên cứu cho thấy mối quan hệ này là khá lỏng lẻo khi mà tỷ giá biến động tác động không nhiều đến xuất nhập khẩu của Việt Nam bởi xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là của khối doanh nghiệp FDI (chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2022).
Để xuất khẩu, khối doanh nghiệp này phải nhập khẩu tương ứng (chiếm khoảng 55% tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam) cho dù tỷ giá thay đổi (khối doanh nghiệp này cũng có lợi thế về nguồn vốn USD từ công ty mẹ).
Doanh nghiệp và các tổ chức tài chính ngày càng quan tâm, có nhiều công cụ hơn để kiểm soát rủi ro tỷ giá (bao gồm cả các công cụ phái sinh).
Quyết định hạ lãi suất của Fed cũng góp phần ổn định mặt bằng lãi suất, giảm chi phí vốn nợ và đầu tư bằng ngoại tệ của doanh nghiệp tại Việt Nam, theo TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV.
Việc Fed giảm lãi suất sẽ làm cho lãi suất toàn cầu có xu hướng hạ nhiệt như nêu trên. Tại Việt Nam, lãi suất ngoại tệ (nhất là bằng đồng USD và EUR) giảm, góp phần ổn định mặt bằng lãi suất nói chung (trong bối cảnh lãi suất huy động đang tăng), giảm chi phí vốn vay bằng ngoại tệ đối với cả vốn vay cũ và mới.
Ngoài ra, chi phí vốn vay của Chính phủ và doanh nghiệp FDI bằng ngoại tệ cũng giảm một phần. Điều này vừa góp phần giảm rủi ro nợ vay vừa kích cầu tín dụng, đầu tư trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, theo các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS), việc Fed cắt giảm lãi suất, tỷ giá USD/VND được kỳ vọng hạ nhiệt dần và có thể giảm so với đầu năm. Tuy nhiên, xuất khẩu đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Vì vậy, để hỗ trợ xuất khẩu, các nhà điều hành sẽ không để tỷ giá USD/VND giảm sâu và giảm quá lâu. Công ty chứng khoán này kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục giảm, nhưng sẽ phục hồi sau đó và giữ khoảng 2 - 3% ở thời điểm cuối năm 2024.
TPS nhận định tỷ giá hạ nhiệt, thị trường tiền tệ ổn định hơn, nên các nhà điều hành cũng có nhiều dư địa hơn để điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa.
Chứng khoán hưởng lợi
Theo TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, việc Fed cắt giảm lãi suất tác động tích cực đối với thị trường chứng khoán và dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài.
Trong 8 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục phục hồi dù còn nhiều thách thức.
Chỉ số VN-Index hiện đang ở mức 1.283,9 điểm, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 13,6% so với đầu năm. Tuy nhiên, lũy kế 8 tháng đầu năm nhà đầu tư ngoại đã bán ròng 64.000 tỷ đồng (2,6 tỷ USD), một phần là do chênh lệch lãi suất USD/VND còn cao thời gian qua.
Khi Fed và ngân hàng trung ương các nước phát triển bắt đầu tiến trình hạ lãi suất, chênh lệch lãi suất sẽ giảm, xu hướng rút vốn từ các thị trường mới nổi (trong đó có Việt Nam) quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác nhằm trú ẩn rủi ro, hưởng chênh lệch lãi suất, sẽ giảm dần.
Hơn nữa, giá chứng khoán Việt Nam hiện nay đang tương đối hấp dẫn và kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được nâng hạng từ mới nổi lên cận biên bởi Tổ chức FTSE Russel trong năm 2025... Thực tế là từ đầu tháng 9/2024 đến nay, xu hướng mua ròng của nhà đầu tư ngoại đã bắt đầu tăng trở lại.
Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) cũng đưa ra nhận định, tỷ giá đã hạ nhiệt từ đầu tháng 7 và việc Fed giảm lãi suất sẽ giúp giảm áp lực lên tỷ giá và áp lực rút ròng của khối ngoại.
Mặc dù thanh khoản vẫn còn khiêm tốn, nhưng có nhiều tín hiệu cho thấy thị trường chứng khoán đang diễn biến tích cực hơn khi điểm số tăng và khối ngoại trở lại mua ròng trong những phiên gần đây.
Thị trường chứng khoán có phản ứng tích cực với các diễn biến tăng trưởng vĩ mô. Bên cạnh đó, việc lãi suất huy động ở mức thấp cũng sẽ “kích thích” dòng tiền chảy vào chứng khoán để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.
Trước những yếu tố này, Agriseco có dự báo về các cơ hội đầu tư đối với thị trường chứng khoán.
Theo Agriseco, số liệu tăng trưởng kinh tế tiếp tục xu hướng tăng tích cực tạo cơ sở cho sự phục hồi kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết. Tỷ giá đã được kiểm soát và hạ nhiệt giúp Chính phủ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Môi trường lãi suất duy trì ở mức thấp so với bình quân năm 2023 sẽ giúp giảm chi phí tài chính của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tín dụng đang được đẩy mạnh và định hướng tăng trưởng với 15% (cao hơn mức 14% của năm 2023) sẽ tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp gia tăng quy mô, doanh thu hoạt động. Điều này cùng với cơ hội từ các nhóm ngành doanh nghiệp sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán.
Mặc dù vậy, Agriseo cũng chỉ ra các yếu tố rủi ro cần lưu ý. Đó là Việt Nam phải trải qua bão lũ lớn nhất trong nhiều năm qua và gây nhiều thiệt hại về con người, kinh tế. Chuỗi cung ứng của một số hàng hóa thiết yếu có thể bị ảnh hưởng và tạo áp lực lên lạm phát các tháng tới.
Tình hình vĩ mô quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, Nhật Bản tăng lãi suất, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt, rủi ro an toàn chuỗi cung ứng hàng hóa và triển vọng tăng trưởng kém tích cực của các nền kinh tế lớn.
Nguồn: Vietnam+