Việc thiếu nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp không có gì mới, đã xảy ra từ nhiều chục năm nay. Nhưng khi một công nhân đối thoại với Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phản ảnh rằng: "Chúng tôi chỉ nghe nhà ở xã hội trên tivi, báo đài, thực sự không biết dự án ở đâu, mua thế nào, vay vốn ra sao" thì dư luận lại xôn xao bàn tán.
Bàn thì cũng đúng thôi bởi kể từ ngày 03/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 388/QĐ-TTg phê duyệt đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH, báo chí, tivi thường xuyên đăng tin bài về phát triển NƠXH.
Nào là tỉnh này thành phố kia quy hoạch đất dành cho NƠXH, nào là các dự án được chấp thuận đầu tư, nào là doanh nghiệp này kia khởi công xây dựng… Từ đấy, cả nước như sôi sùng sục bước vào cuộc đua đường trường kéo dài trong hơn 7 năm để đạt cho được mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn hộ; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn hộ.
Đấy là con số mục tiêu, còn con số thực hiện được trên các bản báo cáo cũng tràn đầy hy vọng. Trong cuộc họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển NƠXH ngày 17/5/2024, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 503 dự án NƠXH đã được triển khai với quy mô 418.200 căn.
Trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 75 dự án với quy mô 39.884 căn. Số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 128 dự án với quy mô 115.379 căn. Số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 300 dự án với quy mô 262.937 căn…
Xin bạn đọc lưu ý, mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn NƠXH mà nay chưa đến giữa năm 2024, theo báo cáo đã được triển khai với quy mô 418.200 căn thì hẳn nhiều người quá là yên tâm!
Vậy việc công nhân ở TP.HCM phản ảnh chỉ “nghe NƠXH trên tivi, báo đài, thực sự không biết dự án ở đâu, mua thế nào, vay vốn ra sao" nên lý giải như thế nào đây?
Thực ra, câu chuyện không chỉ trong phạm vi Sài Gòn mà là của cả nước. Ta hãy thử phân tích bài học thực tại của Hà Nội. Theo Liên đoàn Lao động thành phố, hiện Hà Nội có 10 KCN, KCX và KCNC Hòa Lạc với 661 doanh nghiệp, khoảng 167.000 lao động, trong đó trên 80% đến từ các tỉnh thành khác.
Nhưng chỉ mới 3 KCN Thạch Thất - Quốc Oai (huyện Quốc Oai), Thăng Long (Đông Anh), Phú Nghĩa (Chương Mỹ) có dự án nhà ở, đáp ứng gần 20% nhu cầu về chỗ ở của công nhân. Các KCN còn lại chưa có nhà ở, do vậy, trên 70% công nhân đang phải thuê trọ ở khu dân cư.
Đấy là thực trạng nhà ở cho công nhân các KCN, còn NƠXH nói chung cũng không có tín hiệu khả quan hơn. Một công nhân Hãng sơn Đông Á phản ánh, kể từ khi hoàn thành khu đô thị Đặng Xá ở Gia Lâm năm 2013, hơn 10 năm qua, huyện không có thêm dự án NƠXH. Nhiều viên chức, công nhân, người lao động thu nhập thấp rất muốn mua, thuê NƠXH mà không có.
Vậy đấy, Hà Nội là trung tâm chính trị và kinh tế cả nước, là tấm gương về nhiều giá trị văn hóa và văn minh mà còn lâm vào tình trạng có đến 80% công nhân sẽ chỉ “nghe NƠXH trên tivi, báo đài” thì thực trạng ấy được phát biểu tại TP.HCM cũng là điều dễ hiểu.
Đó là khi chưa xây được nhà, còn khi nhà đã xây xong rồi thì Hà Nội cũng không khỏi lúng túng khi đưa chúng vào sử dụng.
Theo mô tả của báo Tiền Phong sự kiện cách đây một năm khi có thông báo mở bán tại dự án NƠXH tại lô đất HH-02A thuộc dự án NHS đường Tố Hữu. Dự án có diện tích sử dụng đất là hơn 2.726 m2 gồm 275 căn hộ với một khối nhà chung cư cao 32 tầng nổi và 2 tầng hầm, có tổng mức đầu tư 571 tỷ đồng. Các căn hộ NƠXH tại dự án này có diện tích từ 69,9 - 76,8 m2. Dự án có 157 căn hộ để bán, 67 căn để thuê.
Giá bán căn hộ được duyệt là hơn 19,5 triệu đ/m2, giá thuê căn hộ khoảng 99.000 đ/m2/tháng. Đây là mức giá bán dự án NƠXH lần đầu cao nhất từ trước đến nay tại Hà Nội. Để sở hữu căn nhỏ nhất (diện tích 69,9 m2) tại dự án NHS Trung Văn, người mua cần bỏ ra khoảng 1,39 tỷ đồng và 1,52 tỷ đồng cho căn lớn nhất diện tích 76,8 m2. Trong khi đó, người thuê sẽ phải bỏ ra hơn 7 triệu đ/tháng để thuê căn hộ dự án.
Thế nhưng khi ấy, người dân phải chen chân, xếp hàng nộp hồ sơ mua nhà từ 2h sáng. Đến khi lọt qua vòng hồ sơ, 1.300 người phải xếp hàng bốc thăm giành suất mua 149 căn hộ. Nhiều người phải đi từ 4h sáng chờ đợi hàng tiếng đồng hồ tham gia lễ bốc thăm may rủi với tỷ lệ chọi 1/9…

Lại theo một mô tả khác, cũng ở Hà Nội, có những dự án NƠXH với giá rẻ hơn nhiều, chỉ bằng 50 - 70% nhưng mở bán vài chục lần vẫn "ế". Chẳng hạn, tại dự án Tổ hợp NƠXH và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư mở bán đến lần thứ 26 nhưng vẫn chưa hết.
Dự án có tổng số 1.496 căn hộ, trong đó có 264 căn bán thương mại, 911 căn hộ NƠXH để bán và 321 căn hộ NƠXH để cho thuê. Giá bán căn hộ tại dự án này chỉ 14 triệu đ/m2. Giá cho thuê là khoảng 61.000 đ/m2/tháng (chưa bao gồm VAT). Tuy vậy, sau lần mở bán và ký hợp đồng lần thứ 26 vẫn còn 42 căn hộ chưa bán được và 86 căn chưa có người thuê.

Một ví dụ nữa, dự án khu NƠXH Bamboo Garden tại huyện Quốc Oai của Công ty CP Tập đoàn CEO cũng phải mở bán đến 23 lần mới hết. Theo đó, dự án có tổng số 432 căn (346 căn để bán và 86 căn cho thuê). Giá bán căn hộ tại dự án này chỉ gần 10 triệu đ/m2, cho thuê là 48.000 đ/m2/tháng (đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì)…
Vậy những bài học thực tại của Hà Nội đã chứng minh điều gì?
Trước hết để thấy rằng, còn xa xôi lắm mới đạt được mục tiêu “không còn ai để lại phía sau” trong lĩnh vực NƠXH. Số hộ dân sống chen chúc, sống nhiều thế hệ trong diện tích nhỏ; số sinh viên mới ra trường đã tìm được công việc ổn định có nhu cầu nhà giá rẻ; số dự án đầu tư công nghiệp vẫn không ngừng phát triển… đang là những bài toán không dễ tìm lời giải. Như trên đã nêu, chỉ tính riêng các KCN hiện có của Hà Nội còn có trên 70% công nhân đang phải thuê trọ ở khu dân cư…
Thứ hai, không phải cứ xây được nhiều khu, nhiều căn hộ NƠXH là đã thỏa mãn được nhu cầu đa dạng của đông đảo người dân. Cả hai dự án mở bán hàng chục lần mà vẫn “ế” nêu ở trên đều cách xa trung tâm thành phố, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội còn hạn chế.
Còn vị trí dự án NƠXH tại NHS đường Tố Hữu giá cao mà vẫn bị giành giật với tỷ lệ 9/1 kia chỉ cách Trung tâm Hội nghị Quốc gia khoảng 3 km đường chim bay, tức là khá gần trung tâm thành phố.
Thứ ba, đầu tư vào lĩnh vực NƠXH chưa hấp dẫn, còn nhiều ngáng trở từ chính sách vĩ mô đến sự thờ ơ của nhiều cấp chính quyền địa phương. Thậm chí như mới đây, chiều 30/5/2024, tại phiên họp về việc triển khai các khu NƠXH trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ dám “khiêm tốn” yêu cầu các sở, ngành, quận huyện phải cam kết đến 01/10/2024 có thể khởi công ít nhất 1 dự án NƠXH và phải bảo đảm chất lượng lâu dài!
Tuy nhiên, thời gian đang hiển hiện nhiều hy vọng để các dự án NƠXH có bước đột phá trên cả nước. Đó là chỉ trong vòng 2 tháng, 16/3 đến 17/5/2024, vị “Tổng tư lệnh” NƠXH của nước ta đã có 2 cuộc họp quan trọng để thúc đẩy việc thực hiện chương trình 1 triệu căn hộ NƠXH.
Với tần suất chỉ đạo của Chính phủ như vậy cho thấy sự nghiệp lo nhà ở cho phân khúc xã hội có thu nhập thấp đang quan trọng như thế nào đối với chiến lược phát triển của đất nước trong tương lai.
Đó là hệ thống pháp lý ngày càng hoàn thiện. Theo thông tin mới nhất, tại Công điện ngày 26/5/2024 của Chính phủ, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký, gửi Chủ tịch UBND, HĐND các tỉnh, thành phố đã đề nghị các lãnh đạo này chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Các địa phương cần hoàn thành công việc này trong tháng 6.
Yêu cầu trên nhằm xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ để triển khai ngay sau khi các luật trên được Quốc hội đồng ý cho phép có hiệu lực sớm hơn 5 tháng, dự kiến từ ngày 01/8/2024.
Đó là quỹ đất dành cho NƠXH hiện nay lớn chưa từng có. Theo con số thống kê, trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023, cả nước đã có 499 dự án NƠXH được triển khai với quy mô hơn 411.000 căn. Về quy hoạch, bố trí quỹ đất, cả nước hiện đã quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611 ha làm NƠXH, tăng 5.252 ha so với năm 2020.
Đó là số địa phương triển khai trên diện rộng. Trong lịch sử phát triển của nhiều địa phương, việc quy hoạch quỹ đất và thu hút vốn đầu tư cho NƠXH cũng đã hiện lên những con số chưa từng có, như: Đồng Nai 1.063 ha, TP.HCM 608 ha, Long An 577 ha, Hải Phòng 471 ha, Hà Nội 412 ha…
Các địa phương có những con số khởi công xây dựng NƠXH ấn tượng, như: Bắc Ninh 15 dự án, 6.000 căn; Bắc Giang 5 dự án, 12.475 căn; Hải Phòng 7 dự án, 11.678 căn; Bình Dương 7 dự án, 6.557 căn; Đồng Nai 8 dự án, 9.074 căn; Thanh Hóa 9 dự án, 4.948 căn...
Lượng đổi thì chất đổi! Trên chặng đường dài trong chiến lược lo nhà ở cho mọi người dân, chắc chắn sẽ ngày càng xuất hiện những yếu tố tích cực trong lĩnh vực NƠXH người thật việc thật, mắt nhìn thấy tay sờ thấy chứ không chỉ nhìn thấy trên tivi nữa!