Chuyện về chung cư Xanh - Sạch - Rẻ - An!

07:00 07/04/2024
Theo báo cáo mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hiện nay, nhiều người dân chưa nhận thức chính xác về công trình xanh. Đây là sơ hở cho một số chủ đầu tư trục lợi, mượn danh hiệu dự án bất động sản xanh để quảng bá nhằm gia tăng khả năng thu hút, xoay vòng vốn và mở rộng diện khách hàng.

Theo báo cáo mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hiện nay, nhiều người dân chưa nhận thức chính xác về công trình xanh. Đây là sơ hở cho một số chủ đầu tư trục lợi, mượn danh hiệu dự án bất động sản xanh để quảng bá nhằm gia tăng khả năng thu hút, xoay vòng vốn và mở rộng diện khách hàng.

Từ đó, VARS đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm xây dựng và triển khai thực hiện quy trình đánh giá, chứng nhận, cấp chứng chỉ cho vật liệu, thiết bị, công trình xanh bằng các con số, định lượng cụ thể. Trên thế giới có nhiều hệ thống đánh giá tiêu chuẩn công trình xanh đang được áp dụng như Edge (của tổ chức IFC thuộc Ngân hàng Thế giới), Green Mark (Singapore), Leed (Mỹ)...

Hẳn nhiều người đã biết, từ năm 2005, Bộ Xây dựng đã ban hành QCXDVN 09:2005 - Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đến năm 2013, quy chuẩn này được xem xét bổ sung và chỉnh sửa, thay thế bằng QCVN 09:2013/BXD sau đó là QCVN 09:2017/BXD. Như vậy, phát triển các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng trong đó có các tòa nhà chung cư cao tầng cần được xác định là một trong các giải pháp và là xu hướng tất yếu.

Tuy nhiên trong thực tiễn, những nguyên tắc cơ bản để xây dựng nên “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” thì lại trong tình trạng “trăm hoa đua nở” ở từng mỗi địa phương, từng doanh nghiệp và thậm chí trong từng nhận thức của mỗi người dân.

Nhân sự kiện này, xin nêu bài học rút ra từ thực tiễn của một dự án chung cư được mệnh danh là Khu chung cư Xanh - Sạch - Rẻ - An, đó là một dự án đã đưa vào sử dụng và được thử thách đến nay hơn10 năm.

Chính vì đã vượt qua thử thách của thời gian mà trong buổi lễ trao Giải thưởng quốc gia BĐS Việt Nam 2018 đã khiến nhiều người bất ngờ khi xuất hiện một cái tên rất mới, rất lạ, trong một hạng mục được rất nhiều người quan tâm “Dự án công trình xanh tốt nhất”, đó là Dự án chung cư Thái An (TP.HCM) của Công ty Địa ốc Đất Lành. Người sáng tạo ra khái niệm “Khu chung cư Xanh - Sạch - Rẻ - An” và biến nó thành hiện thực chính là chủ đầu tư - kỹ sư xây dựng Nguyễn Văn Đực.

Theo ông Đực, nhu cầu về nơi ở của người Việt Nam cũng như các nhu cầu về ẩm thực, thời trang, xe cộ, khí hậu, thổ nhưỡng, bản tính... phải phù hợp với Việt Nam chứ không nên sao chép, cóp nhặt của Pháp, Mỹ, Hàn, Nhật hay Singapore... Hoặc ngay như tại Việt Nam, nơi ở của người Sài Gòn cũng khác với người Hà Nội. Ta hãy xem cách mà ông phân tích.

Sài Gòn có 2 mùa nắng - mưa rõ rệt, nhiệt độ ngày nóng dao động từ 28 - 36oC nên phải “trốn Tây lấy Nam”, nghĩa là chung cư phải có mặt tiền đưa ra hướng Tây ít nhất để trốn nắng và đưa ra hướng Nam nhiều nhất để đón gió. Mặt hướng Tây phải hạn chế cửa kính và tăng cường diện tích tường cách nhiệt, thêm nhiều lam chắn nắng và phủ thảm cây xanh cho tường. Mặt hướng Nam phải có nhiều khe thông thoáng để đón ánh nắng xiên và đưa làn gió mát vào chung cư.

Chung cư có thể được làm 6 khe và 3 ống để lấy nắng - gió từ 4 hướng vào hành lang sảnh tầng và căn hộ, để nói “không” với nóng bí và tối tăm. 

Người Sài Gòn rất phóng khoáng trong việc ăn nhưng tiết kiệm trong việc ở. “Ăn nhiều chứ ở bao nhiêu”. Vì thế, chung cư Sài Gòn không cần có diện tích lớn, chỉ chừng 50 m2 mà vẫn đủ các chỗ để sống vui: 2 phòng ngủ, 2 WC, bếp ăn khách chung và lô-gia giặt phơi, tất cả đều có 2 mặt tiếp xúc với bên ngoài là quá đủ, điều này không phải kiến trúc sư nước ngoài hay sính ngoại nào cũng biết và làm được.

Người Sài Gòn đòi hỏi chủ đầu tư phải giới thiệu mặt bằng tầng tiêu chuẩn để “mắt thấy” mà không cần phải tưởng tượng. Mặt bằng phải giới thiệu hành lang rộng hơn 1,8 m, sảnh tầng trước thang máy rộng hơn 3 m để tiện đi lại, nhất là khi có nguy biến. Mặt bằng phải cho thấy ít nhất 2 cầu thang bộ và tại sao không thể thêm cầu thang bộ thoát hiểm(!?). Mặt bằng cho thấy chung cư phải thông thoáng tràn ngập nắng - gió, không được bít bùng tối đen, ô nhiễm. Người Sài Gòn sống cởi mở và muốn cởi mở nơi sống. Mặt bằng để cho thấy vị trí căn hộ trong quan hệ hàng xóm, trong giao thông chung và hướng căn hộ. 

Người Sài Gòn “ghét nóng ưa mát” nên đừng lát gỗ vừa nóng nực vừa không bền lâu, hãy lát đá cho mát lạnh. Nhà Sài Gòn phải cao để sáng, thoáng mát, đón gió đủ 4 hướng, hạn chế dùng đèn, quạt và nói "không máy lạnh".

Người Sài Gòn với 50 m2 mà sống chung được “3 thế hệ” với 2 phòng ngủ và 1 phòng ngủ dự trù, thêm nơi thư giãn đọc sách, nghe nhạc. Đơn giản vì cao 4,5 m mà không đóng trần..., đã cao lại càng cao thêm.

Còn về khái niệm về “Khu chung cư Xanh - Sạch - Rẻ - An” đã được Công ty Địa ốc Đất Lành thực hiện ở khu Thái An như thế nào, ta hãy tìm hiểu phân tích của kỹ sư Nguyễn Văn Đực.

Thứ nhất, về chung cư Xanh:

Một công trình Xanh phải được hình thành từ giải pháp thiết kế kiến trúc, sử dụng các yếu tố gần gũi và lợi dụng thiên nhiên để tiết kiệm năng lượng tối đa, bảo vệ môi trường.

Thiết kế có lỗ thông thoáng nắng - gió cho tầng hầm, khe nắng - gió cho sảnh tầng và các phòng căn hộ; ban công là nơi trồng hoa, thư giãn nghỉ ngơi; sân thượng bố trí vườn cỏ hoa và rau sạch, kết hợp sắp xếp các khu vực sinh hoạt cộng đồng; công viên và vỉa hè phủ đầy mảng xanh tạo không khí mát lành.

Quan niệm của ông có 4 yêu cầu để Xanh: kiến trúc Xanh, không gian Xanh, môi trường Xanh và hiệu quả Xanh.

Kiến trúc Xanh: Lỗ xuyên tầng hầm, Khe sảnh tầng, ban công, sân phơi, sân thượng.

Không gian Xanh: Công viên Xanh, tầng hầm Xanh, sảnh tầng Xanh, căn hộ Xanh, sân thượng Xanh.

Môi trường Xanh: Vệ sinh sạch, xử lý nước thải để tưới cây, cấp nước sạch, không cháy không ngạt.

Hiệu quả Xanh: Giá bán và phí quản lý thấp, doanh nghiệp Xanh, bán hàng Xanh, cư dân Xanh, cộng đồng thân thiện, tiết kiệm năng lượng.

Thứ hai, về chung cư Sạch cũng có 4 yêu cầu, đó là giữ gìn vệ sinh Sạch, doanh nghiệp Sạch, vật liệu Sạch, kiến trúc Sạch.

Giữ gìn vệ sinh Sạch: Môi trường sạch sẽ đem lại hiệu quả công việc và chất lượng cuộc sống cao nhất.

Doanh nghiệp Sạch: Không “chạy mua” các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, không xây dựng quá ngộp, không trục lợi quá nhiều, không quảng cáo quá lời, không “mua chuộc” danh hiệu, không bán hàng kiểu “đa cấp” và “ảo”.

Vật liệu Sạch: Không tàn hại môi trường khi dùng vật liệu có nguồn thiên nhiên như đất sét - gỗ, phải dùng các vật liệu nhân tạo như nhựa, nhôm, kính… có thể tái tạo.

Kiến trúc Sạch: Nhận tối đa nắng - gió, tạo thông thoáng và ánh sáng tự nhiên. Sân thượng trồng cây xanh và có hồ trữ nước mưa giúp giãn lượng nước mưa xuống ngập đường phố.

Thứ ba, về chung cư Rẻ, đầu tiên là giá bán phải Rẻ hơn giá thị trường trong khu vực.

Tiết kiệm từ thiết kế kinh tế đến thi công và quản lý, tiết kiệm trong cách bán hàng.

Tiết kiệm điện trong căn hộ khiến hạn chế dùng đèn, quạt và máy lạnh.

Tiết kiệm đến 80% điện chiếu sáng và thông thoáng cho tầng hầm, sảnh tầng và căn hộ, đưa đến hiệu quả “10 giờ trái đất mỗi ngày”.

Tiết kiệm chi phí vận hành khoảng 4.000 đ/m2/tháng (con số đưa ra cách đây hơn 10 năm).

Tiết kiệm tiền chạy theo các danh xưng, danh hiệu không thiết thực trong và ngoài nước.

Thứ tư, về chung cư An

An toàn: Không trộm cướp, không ồn ào, không khói bụi, không mùi hôi, không chó mèo.

Chữa cháy ở chung cư cao tầng hiệu quả không cao, cho nên phải đặt nặng yêu cầu phòng cháy: Làm sao công trình Không cháy (không có vật liệu dễ cháy và truyền cháy) và

Không ngạt (sảnh tầng và tầng hầm thông thoáng, không tụ khói). Sân thượng là nơi thoát nạn khi cháy.

An tâm: Chi phí quản lý thấp, không xảy ra tranh chấp khiếu kiện giữa doanh nghiệp và cư dân về giá phí quản lý hay sở hữu chung riêng…

Vẫn biết rằng những quan niệm trên đây thuộc về mỗi doanh nhân để tạo nên văn hóa của mỗi doanh nghiệp, thấp thoáng tính khoa học xen lẫn tính đa dạng và ngôn ngữ phong phú của thực tiễn, song thiết nghĩ, những yếu tố nêu trên ở Dự án chung cư Thái An (TP.HCM) của Công ty Địa ốc Đất Lành cũng đáng để chúng ta suy ngẫm và học hỏi.

Mục đích cuối cùng của chiến lược xây dựng các chung cư cao tầng xanh, thông minh, ứng phó biến đổi khí hậu là nâng cao chất lượng sống của cư dân, hướng đến xây dựng một đô thị phát triển bền vững và đáng sống.

Bình luận