Theo số liệu những năm gần đây, tranh chấp xây dựng đưa đến các trung tâm trọng tài ngày càng tăng và trung bình mỗi năm chiếm khoảng 10% tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm trọng tài 1. Do đó, việc nghiên và phát triển các thủ tục giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực này là hết sức thiết thực để phục vụ thực tiễn.
1. Sự đa dạng của thủ tục giải quyết tranh chấp dẫn đến sự tồn tại của thỏa thuận giải quyết tranh chấp đa tầng trong hợp đồng xây dựng theo pháp luật Việt Nam hiện nay
Thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng hiện nay được quy định trong nhiều văn bản quy phạm khác nhau. Điển hình như điểm b khoản 8 Điều 146 Luật Xây dựng quy định rằng: “Các bên hợp đồng có trách nhiệm tự thương lượng giải quyết tranh chấp. Trường hợp các bên hợp đồng không tự thương lượng được thì tranh chấp được giải quyết thông qua hòa giải, trọng tài thương mại hoặc tòa án theo quy định của pháp luật.”
Ngoài các phương thức nêu trên, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng tại khoản 2 Điều 45 còn quy định về phương thức giải quyết tranh chấp thông qua ban xử lý tranh chấp, trong đó có nội dung: “Trong thời hạn hai mươi tám (28) ngày kể từ ngày các bên nhận được kết luận hòa giải của ban xử lý tranh chấp, nếu một bên không đồng ý kết luận hòa giải của ban xử lý tranh chấp thì có quyền phản đối và các tranh chấp này sẽ được giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án theo quy định của pháp luật; trường hợp quá thời hạn nêu trên không bên nào phản đối kết luận hòa giải thì coi như các bên đã thống nhất với kết luận hòa giải. Khi đó, các bên phải thực hiện theo kết luận hòa giải”.
Với quy định nêu trên, có thể hiểu, mặc dù Nghị định quy định về “Ban xử lý tranh chấp” nhưng về bản chất, đây là thủ tục hòa giải vì kết quả cuối cùng do Ban xử lý tranh chấp đề xuất chỉ có hiệu lực đối với các bên khi “không có bên nào phản đối” và kết quả đó là “kết luận hòa giải thành” 2.
Với sự đa dạng của các phương thức giải quyết tranh chấp nêu trên, trên thực tế các mẫu hợp đồng xây dựng thường thiết kế điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng theo đó tranh chấp phát sinh trước hết sẽ được đưa ra giải quyết bằng con đường hòa giải, và thương lượng trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận.
Và chỉ khi không giải quyết được bằng con đường nêu trên, tranh chấp mới được đưa ra giải quyết tại trọng tài 3. Từ đó nảy sinh nhiều vấn đề pháp lý liên quan sẽ được phân tích dưới đây.
2. Những vấn đề pháp lý phát sinh từ thỏa thuận giải quyết tranh chấp đa tầng
Liên quan đến thỏa thuận giải quyết tranh chấp đa tầng, có hai vấn đề pháp lý đặt ra đó là việc không tuân thủ quy trình trước tiên phải thương lượng, hòa giải để giải quyết tranh chấp, mà đưa tranh chấp trực tiếp ra trọng tài thì Hội đồng trọng tài có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp hay không? (2.1) Và vấn đề tiếp theo là nếu đã đưa ra thương lượng hoặc hòa giải mà một bên không tuân thủ kết luận hòa giải của Ban xử lý tranh chấp thì các bên có thể đưa Kết luận hòa giải của Ban xử lý tranh chấp ra công nhận và cho thì hành tại tòa án hay không? (2.2).
2.1. Hậu quả của việc không tuần thủ thủ tục tiền tố tụng trọng tài trong thỏa thuận giải quyết tranh chấp đa tầng
Liên quan đến việc tuân thủ tục tiền tố tụng trọng tài trong thỏa thuận giải quyết tranh chấp đa tầng thì hiện nay tại Việt Nam không có quy định pháp luật cụ thể điều chỉnh về vấn đề này nên các tòa án tự áp dụng tùy theo ý chỉ chủ quan của mình. Chính vì lẽ đó, hiện nay đã có những bản án trái ngược nhau cùng tồn tại.
Cụ thể, TAND TP Hà Nội 4 đã có dịp hủy một phán quyết trọng tài trên cơ sở điểm b khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại (TTTM): “... thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên hoặc trái với quy định của luật này”, khi một bên của thỏa thuận giải quyết tranh chấp đa tầng đã bỏ qua thủ tục tiền tố tụng trọng tài để đưa tranh chấp trực tiếp ra trọng tài.
Trong khi đó, cũng vấn đề pháp lý nêu trên, trong một vụ việc khác liên quan đến yêu cầu hủy phán quyết trọng tài vì lý do Hội đồng trọng tài không có thẩm quyền khi thủ tục tiền tố tụng trọng tài chưa được thực hiện, TAND TP.HCM đã từ chối hủy phán quyết trọng tài và giải thích rằng “liên quan đến nội dung giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài, theo quy định tại Khoản 4 Điều 71 Luật TTTM, Tòa án không xét xử nội dung tranh chấp mà Hội đồng trọng tài đã giải quyết” 5.
Như vậy, cùng một vấn đề pháp lý nhưng mỗi tòa án lại có cách giải quyết khác nhau nên đây là một vấn đề rất rủi ro cho các bên tranh chấp vì họ không thể lường trước được công lý sẽ đi theo hướng nào và họ sẽ phải hành xử như thế nào mới bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình 6.
2.2. Cưỡng chế thi hành kết quả của giải quyết tranh chấp của thủ tục tiền tố tụng trọng tài
Vấn đề nêu trên được đưa ra đặc biệt quan trọng đối với thủ tục mới là Ban xử lý tranh chấp. Điển hình, Điều 45 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định sau khi có kết luận hoà giải của Ban xử lý tranh chấp mà không có bên nào phản đối trong thời hạn quy định thì “các bên phải thực hiện theo kết luận hòa giải đó”. Khi đó câu hỏi đặt ra, nếu không bên nào phản đối và bên có nghĩa vụ thi hành cũng không thi hành kết luận nêu trên thì bên có quyền có thể yêu cầu toà án công nhận và cho thi hành kết luận hòa giải thành nêu trên hay không?
Mặc dù Nghị định số 37/2015/NĐ-CP không quy định cụ thể về vấn đề này, tuy nhiên, nếu muốn ủng hộ cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua ban xử lý tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng thì cơ quan có thẩm quyền có thể vận dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự tại Điều 416 rằng: “Kết quả hòa giải vụ việc ngoài Tòa án được Tòa án xem xét ra quyết định công nhận là kết quả hòa giải thành vụ việc xảy ra giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải”.
Đối chiếu với quy định trên, có thể xem xét rằng kết luận hoà giải của Ban xử lý tranh chấp mà không có bên nào phản đối trong thời hạn quy định, được hiểu là “kết quả hoà giải vụ việc ngoài toà án… do người có thẩm quyền, có nhiệm vụ hoà giải đã hoà giải thành theo quy định của pháp luật về hoà giải” vì Nghị định số 37/2015/NĐ-CP có thể được xem là thuộc nội hàm của “pháp luật về hoà giải” khi đã khẳng định kết luận của ban xử lý tranh chấp là “kết luận hoà giải”.
Kết luận
Lĩnh vực xây dựng là một lĩnh vực phức tạp cả về mặt pháp lý, kỹ thuật và mỗi công trình xây dựng có ảnh hưởng quan trọng đến môi trường tự nhiên cũng như đời sống của không chỉ chủ sở hữu công trình mà còn cả đối với người dân sống xung quanh công trình đó.
Do đó, việc giải quyết nhanh chóng tranh chấp để tạo điều kiện cho công trình được hoàn thành sớm nhất có thể là hết sức cần thiết và đem lại nhiều lợi ích cho xã hội. Đó là lý do mà có đa dạng các thủ tục giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng được ra đời để phục vụ nhu cầu nêu trên.
Chính vì vậy, bài viết đi vào phân tích những vấn đề pháp lý nảy sinh liên quan đến chủ đề nêu trên để những người làm thực tiễn có thể tìm được hướng xử lý cho phù hợp để phục vụ thực tiễn đem lại lợi ích cho mỗi bên tham gia quan hệ hợp đồng và cho xã hội.
1 Trang web hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp: Phương thức phù hợp cho giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng (moj.gov.vn), truy cập ngày 08/8/2024.
2 Nguyễn Thị Hoa, “Ban xử lý tranh chấp - Áp dụng mẫu hợp đồng FIDIC và kinh nghiệm cho Việt nam”, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, số 02(141)/2021, p. 86-95.
3 Xem ví dụ minh họa tại Điều 29, Phụ Lục 2 Mẫu hợp đồng tư vấn xây dựng được ban hành kèm theo Thông tư số 02/2023/TT-BXD hoặc Điều 20 của Mẫu Hợp đồng xây dựng Red Book của Hiệp hội quốc tế các kỹ sư tư vấn (FIDIC).
4 Quyết định số 10/2014/QĐ-PQTT ngày 28/10/2014 của Tòa án nhân dân TP Hà Nội.
5 Quyết định số 795/2017/QĐ-PQTT ngày 27/6/2017 của Tòa án nhân dân TP.HCM.
6 Xem thêm bình luận trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Hoa, “Hoàn thiện pháp luật về trọng tài ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 23(436)-T6/2021.