Phát triển “Vùng đô thị” phía Đông TP.HCM
Sau khi có quyết định thành lập thành phố, Thủ Đức trở thành “địa điểm nóng” với giới đầu tư nhờ những tiềm năng kinh tế đặc biệt, trong đó nổi bật là quy hoạch vùng trung tâm kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ, tài chính quan trọng phía Đông P Hồ Chí Minh.
Thành phố Thủ Đức hiện đang nắm giữ hầu hết yếu tố để trở thành “vùng đô thị" phía Đông TP Hồ Chí Minh. Nằm ngay trung tâm Đông Nam Bộ, thành phố Thủ Đức có ý nghĩa chiến lược về mặt địa chính trị, kinh tế và xã hội. Nơi đây liền kề với các đô thị vệ tinh như thành phố Dĩ An, thành phố Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một.
Thêm vào đó, thành phố Thủ Đức chiếm giữ vị trí trọng yếu trong vùng tam giác giữa TP Hồ Chí Minh - Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, là cửa ngõ giao thương trong vùng Đông Nam Bộ nói riêng và toàn miền Nam nói chung.
Đáng chú ý, khu đô thị Đại học Quốc gia tại thành phố Thủ Đức mỗi năm đón nhận hàng chục nghìn lượt sinh viên và giới chuyên gia, giảng viên đến định cư. Đây là nguồn nhân sự chất lượng cao có tiềm năng giúp thành phố Thủ Đức nhanh chóng phát triển theo định hướng của Chính phủ.
Theo khảo sát hằng năm, thành phố Thủ Đức hiện đóng góp 1/3 GRDP của TP Hồ Chí Minh (tổng sản phẩm trên địa bàn), khoảng 7% GDP cả nước. Dự kiến trong tương lai thành phố Thủ Đức sẽ có nhiều đột phá lớn và trở thành “Vùng đô thị” tăng cường, mở rộng tiềm lực kinh tế cho Tp Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam.
Bứt phá với “Siêu hạ tầng kết nối”
Những năm gần đây giao thông tại TP Thủ Đức đã và đang được đầu tư hoàn thiện với “siêu hạ tầng kết nối”.
Trong tương lai, tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên được ví như xương sống nối liền TP Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức sẽ đi vào hoạt động. Tuyến đường sắt trên cao này sẽ rút ngắn tối đa khoảng cách di chuyển để đến được trung tâm TP Hồ Chí Minh.
Hệ thống giao thông đường bộ cũng đang được tập trung nâng cấp, điển hình là mở rộng các tuyến đường Nguyễn Thị Định lên 70-77m, đường Nguyễn Duy Trinh mở rộng lên 30m cho 4 làn ô tô và 2 làn xe gắn máy lưu thông, nối dài đường Lò Nu và Trương Lưu.
Trong năm 2022, Tp Hồ Chí Minh sẽ khởi động lại đoạn 2,7 km đường vành đai 2 sau 2 năm tạm dừng thi công và cân đối ngân sách. Tuyến đường sau khi hoàn thiện không chỉ nối liền thành phố Thủ Đức với trung tâm Tp Hồ Chí Minh mà còn giúp kết nối cảng biển, tuyến đường trọng yếu lẫn giảm tải lưu lượng giao thông nội thành, tạo điều kiện thu hút, kêu gọi đầu tư xây dựng vào thành phố Thủ Đức trong tương lai.
Song song đó, vành đai 3 cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị pháp lý và khởi công xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Đặc biệt, gần đây cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn - tuyến đường huyết mạch liên kết với các cụm công nghiệp, các cảng biển, là một phần của vành đai 3 - vừa được thông toàn tuyến vào tháng 5/2021.
Từ năm 2017, Thủ Đức cũng đã có tuyến xe buýt đường thuỷ từ bến Bạch Đằng đến bến Linh Đông. Đây là những yếu tố quan trọng bổ sung vào sự hoàn thiện của hạ tầng giao thông và đưa Thủ Đức trở thành thành trì về công nghệ - kinh tế của Tp Hồ Chí Minh và cả nước.
Hưởng lợi từ hạ tầng hiện đại, đồng bộ sớm đi vào hoạt động một mặt góp phần nâng cao chất lượng đời sống của dân cư, mặt khác cũng gia tăng thêm giá trị cho thị trường BĐS tại thành phố Thủ Đức.
Theo thống kê thị trường, giá cả ở các khu vực tỉnh thành lân cận như thành phố Thủ Dầu Một đã giao động 35 - 40 triệu/ m2. Riêng thành phố Thủ Đức mức trung bình dao động từ 70 – hơn 200 triệu/m2, dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong vài năm tới.
Nguồn: TTXVN