Cơ hội, thách thức và giải pháp phát triển kinh tế đô thị gắn với hoạt động kinh tế số

Phát triển kinh tế đô thị gắn với hoạt động kinh tế số là một trong những nội dung và mục tiêu quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam đang tích cực triển khai thực hiện.
Cơ hội, thách thức và giải pháp phát triển kinh tế đô thị gắn với hoạt động kinh tế số
Ảnh minh họa

1. Đặt vấn đề

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số cho thấy: Trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn và điện toán đám mây, công nghệ in 3D, Internet vạn vật và các thiết bị kết nối; robot; mạng xã hội, … sẽ được áp dụng ở quy mô công nghiệp, dự kiến sẽ có những thay đổi đột phá về việc làm.

Đồng thời, công cuộc chuyển đổi số đang xuất hiện ở mọi lĩnh vực sẽ làm thay đổi lối sống, sinh hoạt, mua sắm, lựa chọn chỗ ở, chỗ làm việc của người dân; tổ chức của doanh nghiệp và cả cách điều hành quản lý của chính quyền.

Hoạt động kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, chuyển đổi số các cơ sở dữ liệu đô thị (đất đai, dân số, việc làm, nghề nghiệp, hạ tầng, môi trường, …), lưu trữ, khai thác, bổ sung, điều chỉnh các vấn đề liên quan tới quá trình quy hoạch, thực hiện, vận hành quản lý các đô thị (cả cũ và mới). Văn hóa kỹ thuật số sẽ được phát triển một cách linh hoạt, kết nối con người nhau và với đô thị; đô thị với đô thị với nông thôn trong và ngoài quốc gia.

Ảnh minh họa.

Các ngành nghề kinh tế số sẽ tác động mạnh tới sự hình thành, phân bố không gian đô thị, như: Hoạt động kinh tế chia sẻ phòng - nhà ở (thay đổi quan điểm về sở hữu nhà ở, bất động sản, du lịch khách sạn, ...); thương mại điện tử (thay thế các siêu thị, chợ); xe tự động không người lái (thay đổi hạ tầng, giao thông); robot (thay thế con người trong sản xuất, dịch vụ ở đô thị); logistics công nghệ cao, …

Đặc trưng lớn nhất của kinh tế số là tính kết nối giữa các chủ thể và chu trình kinh tế, giúp tối ưu hóa các nguồn lực để sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng tốt nhất với nhu cầu của thị trường, giúp lược bỏ nhiều khâu trung gian trong dây chuyền cung ứng và tăng cơ hội tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu cho các chủ thể của nền kinh tế.

Kinh tế số thúc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, lao động sáng tạo sẽ ngày càng chiếm vị trí chủ đạo trong lực lượng lao động xã hội và làm thay đổi tính dịch cư, định cư của dân cư, văn minh đô thị.

Công ty công nghệ ngày càng đa dạng, trở thành một nền văn minh mới, quen thuộc với người tiêu dùng, tạo thói quen đặt hàng online, … Nền văn minh mới này sẽ tác động mạnh tới quá trình đô thị hóa tại Việt Nam.

Tác động của hoạt động kinh tế số với không gian đô thị, dần thay đổi nguyên tắc, cách tính toán, quy chuẩn, tiêu chuẩn, chỉ tiêu và quy trình để lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển đô thị nhằm đề xuất các cơ chế, chính sách kiến tạo, phù hợp với thời đại, đảm bảo sự phát triển đô thị bền vững và hiệu quả.

Kinh tế số sử dụng tri thức nhiều hơn sẽ giúp phát triển kinh tế đô thị tăng trưởng nhanh và bền vững. Để kinh tế đô thị phát triển phát triển, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, trong đó có quy hoạch xây dựng đô thị gắn với hoạt động kinh tế số.

2. Thực trạng phát triển kinh tế đô thị Việt Nam sau 37 năm đổi mới

Kinh tế đô thị là kinh tế của các đơn vị hành chính được xác định là đô thị và tổ chức theo mô hình chính quyền đô thị, trong đó có cả khu vực nông thôn nhưng khu vực đô thị là chính, đóng vai trò chủ đạo.

Đến hết tháng 9/2023, nước ta có tổng số 902 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 36 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV, 703 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt khoảng 42,6%.

Theo thống kê, tính đến 31/12/2022 [2], cả nước có tổng diện tích tự nhiên là 33.134.482 ha. Trong đó, diện tích nhóm đất nông nghiệp là 28.002.574 ha, diện tích nhóm đất phi nông nghiệp là 3.961.324 ha, diện tích đất ở tại đô thị là 200.992 ha.

Tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam nhanh, dẫn đến số dân thành thị cũng tăng nhanh chóng; tăng từ 19,5% (năm 1990) lên 37,1% (năm 2021) [1]. Năm 2023 dân số Việt Nam là 100,3 triệu dân; mức dân số bình quân ở thành thị chiếm khoảng 38,2 triệu dân tương đương khoảng 38,1%; tăng 0,6 điểm phần trăm, so với năm 2022, và tăng 1 điểm phần trăm so với năm 2021.

Tốc độ đô thị hóa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ do việc di cư dân số từ khu vực nông thôn đến thành thị và việc mở rộng địa giới hành chính các khu vực thành thị. [5]

Ảnh minh họa. Nguồn: INT

Vấn đề phát triển kinh tế đô thị đã được nhận thức đầy đủ và ngày càng toàn diện. Một số ngành, lĩnh vực kinh tế đô thị, như: Du lịch, thương mại, bưu chính, viễn thông, tài chính, ngân hàng, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, dịch vụ công… đã được xác định tập trung ưu tiên phát triển.

Trong đó, du lịch được định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với nhiều loại hình như: Du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái… Bên cạnh đó, tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao; từng bước hình thành, phát triển lĩnh vực và thành phần cơ bản của kinh tế tri thức (công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới…). [6]

Các ngành có thế mạnh, nhất là dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao tiếp tục được xác định phát triển mạnh mẽ. Đó là hệ thống trung tâm thương mại, dịch vụ hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin, khoa học, công nghệ…, hay các dịch vụ có giá trị gia tăng cao, như: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.

Cùng với đó, định hướng giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, hệ thống hạ tầng thông tin - truyền thông, bưu chính - viễn thông phát triển nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Cơ cấu kinh tế đô thị có sự chuyển dịch theo hướng hiện đại, một số ngành trọng điểm trong kinh tế đô thị được xác lập và phát triển. Các lĩnh vực phát triển tốt như: Thương mại điện tử, bán lẻ hiện đại qua hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi đã thể hiện rõ vai trò của ngành bán lẻ giúp đảm bảo cung cầu hàng hóa, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân đô thị, dần thay thế cho loại hình tạp hóa truyền thống.

Ngành du lịch tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đa dạng các sản phẩm, nhất là tại các điểm du lịch trọng điểm.

Dịch vụ giáo dục, đào tạo; y tế chất lượng cao ngày càng được quan tâm đầu tư, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người dân. Các dịch vụ tài chính ngân hàng tiếp tục phát triển, đa dạng hóa và hiện đại hóa.

Tuy kinh tế đô thị đạt được nhiều kết quả tích cực, song tăng trưởng kinh tế đô thị Việt Nam chưa thực sự bền vững, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng kinh tế không đều qua các năm.

Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành dịch vụ ở nhiều địa phương còn thấp hơn ngành công nghiệp - xây dựng; các ngành dịch vụ, công nghiệp có giá trị gia tăng cao đóng góp vào tăng trưởng còn thấp.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị còn chậm. Các mô hình kinh tế đặc trưng của đô thị như: kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, các mô hình kinh doanh mới phát triển còn mang tính tự phát, còn nhiều bất cập hạn chế, việc khai thác còn khiêm tốn, hiệu quả chưa cao. [3]

Mặt khác, một số chỉ tiêu về hạ tầng đô thị, như: Nhà ở, giao thông đô thị, diện tích công viên trên đầu người… ở mức thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Hệ thống hạ tầng đô thị bị quá tải gây nên tắc nghẽn giao thông, úng ngập và vệ sinh môi trường đô thị. Hạ tầng thương mại khu vực đô thị tồn tại nhiều bất cập, khó khăn.

Ngoài ra, việc phát triển đô thị và đô thị hóa thời gian qua chưa thể hiện rõ bản sắc của từng địa phương; chưa phát huy tối đa các yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế đô thị như tiềm năng, lợi thế về quy mô kinh tế…

Ảnh minh họa.

3. Cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế đô thị trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 gắn với hoạt động kinh tế số

3.1. Cơ hội phát triển kinh tế đô thị

- Tại Việt Nam, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị, cùng với đó là sự phát triển của đô thị thông minh là tất yếu khách quan tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; cũng đồng nghĩa với việc tận dụng công nghệ thông tin và truyền thông để quản lý và vận hành hệ thống đô thị hiệu quả.

Trong phát triển đô thị thông minh, tăng trưởng xanh và kinh tế số là ưu tiên trong việc xây dựng một tương lai bền vững; thành phố thông minh kết hợp hài hòa giữa quy hoạch kiến trúc đô thị, sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin tạo điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Kết quả này giúp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa;

- Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế lớn trên thế giới trong nền chính trị ổn định, đã đem lại cơ hội cho các đô thị trong việc thu hút đầu tư.

Ngoài ra, khu vực đô thị cũng là nơi có tiềm lực tài chính, công nghệ phát triển mạnh và năng động, giao thông thuận tiện... hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Do đó, các đô thị dễ dàng thu hút đầu tư mạnh mẽ;

- Các đô thị cũng là nơi có nền giáo dục phát triển, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin được đầu tư, mạng internet được bao phủ toàn bộ đô thị, thu nhập bình quân đầu người ở mức cao, nhờ đó cung cấp cho nền kinh tế nguồn lao động chất lượng cao với quy mô lớn.

Đồng thời, đô thị cũng là nơi tập trung nhiều lao động trẻ, lành nghề với chi phí cạnh tranh, đó là lợi thế lớn sử dụng nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao để phát triển kinh tế;

- Các đô thị phát triển kéo theo các vùng lân cận cũng phát triển. Vì vậy, việc liên kết và hợp tác kinh tế giữa các đô thị với nhau, đô thị với khu vực ngoài đô thị đang trở thành một hướng đi mới để mang lại sự phát triển cho kinh tế đô thị, hình thành mô hình kinh tế đô thị “cộng sinh”, dẫn đến kinh tế vùng, miền, lãnh thổ ngày một bền vững. 

3.2. Thách thức phát triển kinh tế đô thị

- Thách thức trong quản lý nhà nước về kinh tế đô thị: (i) Thể chế và hoạt động thống kê phục vụ quản lý kinh tế đô thị của Việt Nam đang là rào cản lớn trong việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kinh tế cho đô thị.

Cụ thể là: Thách thức về thể chế (Việt Nam chưa có văn bản pháp luật cụ thể quy định về công tác thu thập dữ liệu đô thị nói chung và kinh tế đô thị nói riêng, dẫn đến dữ liệu thu thập còn mang tính chung chung/thiếu); - Thách thức về hoạt động thống kê phục vụ quản lý kinh tế đô thị (Các chỉ tiêu thống kê đánh giá phát triển kinh tế đô thị phục vụ các mục tiêu khác nhau, do đó, phương pháp thu thập, tính toán dữ liệu chưa được chuẩn hóa cho mục đích thực hiện);

(ii) Hệ thống phân loại, nâng cấp và quy hoạch đô thị hiện còn bất hợp lý, kích thích chính quyền địa phương chạy theo thành tích (thay vì mục tiêu phát triển kinh tế bền vững) mở rộng quy mô đô thị và đầu tư quá mức, bỏ qua các chỉ tiêu thực tế về mật độ dân số, về khả năng kết nối để kích thích tăng trưởng;

- Thách thức về nguồn lực đầu tư phát triển và tác động từ nền kinh tế thị trường: 

Phát triển kinh tế đô thị cần có nguồn lực đầu tư lớn; trong khi đó, ngân sách nhà nước có hạn và phải phân bổ cho nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, quỹ đất cho phát triển kinh tế đô thị là một thách thức lớn khi thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để phát triển đô thị mất rất nhiều thời gian. [6]

Phát triển của nền kinh tế đô thị phần lớn dựa trên nền tảng phát triển của các doanh nghiệp lớn, trong khi hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, thường tập trung tại các đô thị.

Những doanh nghiệp này lại có trình độ công nghệ thấp, năng lực tài chính hạn chế. Điều này dẫn tới các nền kinh tế đô thị đứng trước tác động trực tiếp từ những biến động kinh tế từ môi trường bên ngoài, đến những biến động trên thị trường về giá cả, lãi suất, tỷ giá hối đoái...

- Thách thức về ô nhiễm môi trường: Hậu quả của quá trình phát triển nóng đô thị và kinh tế đô thị, mà thiếu sự giám sát, quản lý chặt chẽ dẫn đến chất thải gây ô nhiễm gia tăng. Ví dụ: Chất thải từ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tẩy rửa, thuốc nhuộm, màu vẽ, hóa chất...

Nhiều loại chất thải hữu cơ từ sản xuất công nghiệp có trong nguồn nước được sử dụng để tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp gây ô nhiễm đất, nguồn nước và sức khỏe của con người. Số lượng và quy hoạch bãi chôn lấp chất thải bảo đảm tiêu chuẩn ở của đô thị chưa nhiều, tiềm ẩn những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;

- Thách thức về vấn đề dân cư: Việc giải quyết chênh lệch giữa tăng trưởng kinh tế đô thị và phát triển không gian đô thị là một thách thức không nhỏ. Bởi vì sự phát triển không gian đô thị không phù hợp sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế của đô thị, làm giảm chất lượng cuộc sống của dân cư; [3], [4]

- Thách thức khác: Khác với thế giới, các đô thị Việt Nam thường hình thành với đô thị hạt nhân bao quanh là một vùng nông thôn rộng lớn mang nặng cơ cấu truyền thống văn hóa làng, xã với mặt bằng dân trí không cao.

Các đô thị Việt Nam chưa được liên kết với nhau để tạo thành một hệ thống đồng bộ. Ngày càng có sự đối lập giữa các khu vực đô thị mới với các tòa chung cư cao tầng hiện đại, tiện nghi, sang trọng và các xóm nhà ở lụp xụp, tạm bợ của người nghèo và người nhập cư. Phân hóa giàu nghèo trong đô thị và giữa đô thị với nông thôn ngày càng sâu sắc.

Ảnh minh họa.

4. Đề xuất giải pháp phát triển kinh tế đô thị việt nam gắn với hoạt động kinh tế số

Thứ nhất, đổi mới cơ chế, chính sách, tạo lập hành lang pháp lý, hoàn thiện công cụ quản lý kinh tế phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế đô thị. Quy hoạch đô thị, cần coi trọng phát triển các đô thị vệ tinh để giảm mật độ dân số ở trung tâm nội đô, tạo điều kiện xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái, nâng cao chất lượng sống.

Tiếp tục cải cách và đổi mới thủ tục, cơ chế vận hành bộ máy quản lý để bảo đảm thực hiện tốt vai trò dẫn dắt và quản lý của chính quyền địa phương đối với nền kinh tế.

Trên cơ sở đó, các đô thị sẽ huy động được tối đa các nguồn lực, đầu tư phát triển đúng trọng tâm và trọng điểm, mang lại hiệu quả kinh tế tích cực. Mặt khác, các đô thị cần thúc đẩy nguồn lực sáng tạo và khởi nghiệp để mang đến những cơ hội mới cho phát triển kinh tế.

Thứ hai, tiếp tục phát huy vai trò động lực trong phát triển kinh tế đô thị từ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất chế biến công nghiệp, chế tạo và dịch vụ. Để tạo ra sự cộng hưởng phù hợp với mô hình tăng trưởng kinh tế mới của Việt Nam và phát huy tối đã những lợi thế của các địa phương. 

Thứ ba, các địa phương: (i) Cần tạo mọi điều kiện về mặt thủ tục hành chính và cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp đầu tư và các lĩnh vực liên quan đến chuỗi phát triển đô thị nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương nói chung và kinh tế đô thị nói riêng;

(ii) Cần có chính sách đồng bộ với chính sách quốc gia trong mở rộng quy mô về không gian cũng như dân số đô thị, nhằm tạo nguồn lực và thị trường cho sự phát triển kinh tế.

Đặc biệt, các địa phương cần liên kết với nhau để tạo ra không gian kinh tế nói chung và không gian đô thị nói riêng, bảo đảm cho việc phân bổ các nguồn lực được hiệu quả hơn giữa các địa phương, đô thị và vùng ngoài đô thị; (iii) Cần tích cực và chủ động hội nhập quốc tế để tranh thủ nguồn ngoại lực, trên cơ sở đó, kết hợp nội lực để có thể bắt kịp xu thế phát triển của khoa học và công nghệ tiên tiến, phục vụ cho mục tiêu hiện đại hóa lực lượng sản xuất của đô thị.

Thứ tư, ngoài ra, cần tăng cường kết nối giữa các đô thị theo hành lang kinh tế, khu kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế quốc gia (cửa khẩu và ven biển), liên kết với các nước trong khu vực ASEAN, khu vực Tiểu vùng sông Mê - kông mở rộng (GMS), vùng Đông Bắc Á... để bảo đảm phát triển đô thị năng động, hiệu quả.

* Tít bài do Tòa soạn đặt - Xem file PDF tại đây

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Bộ Xây dựng (2020). Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm (2016-2020), định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 5 năm (2021-2025).
[2]. Cục Thống kê TP Hà Nội (2022), Báo cáo tình kình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022.
[3]. Bùi Mạnh Hùng và công sự (2020), Kinh tế đô thị, Nxb Xây dựng.
[4]. https://hanoimoi.com.vn/ban-in/Luan-ban-Hanh-dong/977262/kinh-te-do-thi-voi-su-phat-trien-cua-ha-noi.
[5]. https://thanglong.chinhphu.vn/de-do-thi-ha-noi-phat-trien-ben-vung-van-minh-hien-dai-103230120114114756.htm.
[6]. https://www.moitruongvadothi.vn/phat-trien-kinh-te-do-thi-ha-noi-mot-so-giai-phap-tu-khia-canh-quy-hoach-a116571.html.

Bình luận