Cơ hội tiếp cận tín dụng xanh của doanh nghiệp bất động sản

14:42 09/10/2023
Trong điều kiện tín dụng thắt chặt đối với lĩnh vực BĐS, nguồn tín dụng xanh từ các tổ chức quốc tế như ADB, IFC được xem là cơ hội tiếp cận nguồn vốn mới của các doanh nghiệp BĐS khi đồng hành cùng ngành Xây dựng hướng tới mục tiêu giảm phát thải hơn 74 triệu tấn CO2.

Mục tiêu giảm phát thải hơn 74 triệu tấn CO2

Theo ước tính của Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2030 nhu cầu nhà ở vào khoảng 70 triệu m2 sàn/năm, tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam vào năm 2022 ước đạt khoảng 42%, trong đó TP Đà Nẵng là địa phương có tỷ lệ đô thị cao nhất cả nước với 87,45%. 

Ngành Xây dựng cũng đặt mục tiêu giảm phát thải hơn 74 triệu tấn CO2 trong 3 lĩnh vực: Tiêu thụ năng lượng trong sản xuất VLXD, quá trình công nghiệp và công trình xây dựng (tòa nhà), đồng thời coi việc phát triển công trình xanh là một trong những giải pháp quan trọng để đạt mục tiêu giảm phát thải.

Nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, ngày 12/5/2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-BXD phê duyệt “Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với BĐKH giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, trong giai đoạn 2022-2025, Bộ Xây dựng sẽ ban hành tiêu chí, quy chuẩn, quy trình đánh giá… cho công tác này.

Đến năm 2030, phấn đấu ít nhất 25% đối với khu đô thị mới áp dụng tiêu chí đô thị xanh, carbon thấp; 25% VLXD sản xuất trong nước được chứng nhận sản phẩm xanh; Giảm ít nhất 25% phát thải khí nhà kính trong đầu tư, vận hành nhà ở chung cư; 100% công trình mới và công trình sửa chữa, cải tạo tuân thủ QCVN 09:2017/BXD (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả).

Nhà phố đậm không gian xanh tại dự án Water Point Long An của CTCP Nam Long.

Giai đoạn từ 2030-2050, đặt mục tiêu 100% đồ án quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch lồng ghép thích ứng và giảm nhẹ BĐKH; Ít nhất 50% khu đô thị mới, 10% khu đô thị đạt tiêu chí đô thị xanh, phát thải carbon thấp; 100% công trình mới kiểm kê khí nhà kính và giảm nhẹ phát thải; trên 50% công trình có vốn đầu tư công đạt tiêu chí xanh; 100% toà nhà thương mại, chung cư được chứng nhận carbon thấp.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng đề ra 20 giải pháp và 31 nhiệm vụ, trong đó, Bộ xác định việc phát triển công trình xanh là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực xây dựng.

Hỗ trợ tín dụng xanh cho ngành Xây dựng

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) xác định lĩnh vực xây dựng đóng vai trò rất lớn trong BĐKH cũng như phát thải khí nhà kính. Tính trên toàn thế giới, sản xuất và xây dựng đứng thứ 3 trong 7 nhóm ngành gây ô nhiễm nhất trên thế giới với 6,3 tỷ tấn phát thải khí nhà kính, sau ngành năng lượng (15,83 tỷ tấn) và vận chuyển (8,43 tỷ tấn).

Giai đoạn từ 1970-2022, ADB đã cho Việt Nam vay viện trợ 16,3 tỷ USD cho khu vực Chính phủ và 4,2 tỷ USD cho các hoạt động phi Chính phủ. ADB cũng cam kết trở thành “ngân hàng khí hậu” với khoản tài trợ trị giá 100 tỷ USD vào năm 2030 và Hiệp định Paris về tất cả các khoản vay vào năm 2025.

Phối cảnh dự án Grand Bay HaLong - Hotel Villas của BIM Land đạt chứng chỉ EDGE.

ADB cũng cho biết, không chỉ tài trợ khoản vay cho các công trình mới mà còn cả những công trình cũ như việc cải tạo, thay đổi. Phạm vi mở rộng hơn như nhà xưởng, kho bãi… miễn là đáp ứng các tiêu chí đảm bảo lĩnh vực xây dựng đóng góp vào các mục tiêu khí hậu của đất nước. Việc mở rộng các đối tượng cho vay không có nghĩa là vay được vốn lãi suất thấp mà là cơ hội rộng hơn cho việc tiếp cận các nguồn vốn.

Khác với ADB, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đầu tư vào trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ. Tại Việt Nam, IFC cam kết đầu tư tới 3.500 tỷ đồng vào các trái phiếu của BIM Land và Công ty con là CTCP Thanh Xuân. Trái phiếu này sẽ cung cấp vốn cho 2 công ty phát hành tăng cường tiết kiệm nước và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại các khách sạn đạt tiêu chuẩn EDGE - hệ thống chứng nhận công trình Xanh của IFC. Giải pháp này dự kiến sẽ giúp giảm được khoảng 4.000 tấn phát thải CO2 mỗi năm.

Toàn cảnh dự án Water Point Long An của Nam Long được IFC mua 44 triệu USD trái phiếu vào năm 2022.

Trước đó, BIM Land đã huy động được 200 triệu USD với đợt phát hành đầu tiên trên SGX - một sàn chứng khoán lớn nhất Singapore vào ngày 29/4/2021 trong số 625 triệu USD đăng ký.

Ngày 12/4/2022, IFC thông báo đã đăng ký mua 44 triệu USD trái phiếu của CTCP Đầu tư Nam Long để hỗ trợ Công ty này phát triển nhà ở xanh tại dự án Water Point Long An. Hiện dự án đang được giải ngân đến giai đoạn 2.

Ngoài ra, HSBC cũng đầu tư 130 triệu USD tín dụng xanh IndoSpace nhằm tái cấp vốn cho nhà kho được chứng nhận EDGE tại Việt Nam.

Bình luận