Thúc đẩy nhiệm vụ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Chiều 28/9, tại TP.HCM, Bộ Xây dựng phối hợp với các Ban, Bộ ngành trung ương và địa phương, UBND TP.HCM, các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, các chuyên gia, diễn giả trong nước và quốc tế và các đối tác tổ chức phiên Toàn thể Tuần lễ CTX 2023 với chủ đề “Phát triển CTX thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựng: Cơ hội và thách thức”.
Trước những thách thức toàn cầu về sự gia tăng dân số, sự cạn kiệt của nguồn năng lượng hóa thạch, tác động bất lợi của BĐKH, sự gia tăng chất thải và ô nhiễm môi trường do các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, phương tiện giao thông, tiêu dùng… Trong đó, lĩnh vực xây dựng tiêu thụ khoảng 37 đến 40% tổng tiêu thụ năng lượng và phát thải khoảng trên 30% tổng lượng khí nhà kính. Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, VBQPPL, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực công trình xây dựng.
Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành TW Khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đề ra nhiệm vụ “Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.
Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành TW Khóa XIII về tiếp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ và quan điểm về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với chuyển đổi nền kinh tế sang hướng xanh, bền vững.
Để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 24, Nghị quyết số 29 và các cam kết của Chính phủ tại COP 26 về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thì các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đồng thời phải chuyển đổi xanh, trong đó có ngành Xây dựng. Việc phát triển CTX là một trong những giải pháp quan trọng để ngành Xây dựng chuyển đổi xanh.
Phát biểu tại Phiên toàn thể, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, Việt Nam chưa có quy định bắt buộc áp dụng đối với CTX, việc phát triển CTX được thực hiện theo hình thức tự nguyện, khuyến khích.
Qua hơn 15 năm phát triển, số lượng CTX của Việt Nam hiện đạt khoảng trên 300 công trình với tổng diện tích khoảng trên dưới 7,2 triệu m2 sàn xây dựng. TP.HCM đứng đầu cả nước về số CTX với 67 công trình và đứng thứ 2 về diện tích sàn xây dựng được chứng nhận CTX với tổng diện tích sàn được chứng nhận là 1,264 triệu m2. Các loại hình CTX đã mở rộng từ công trình văn phòng, trụ sở cơ quan đến khách sạn, trung tâm thương mại, trường học, nhà xưởng công nghiệp…
Việc phát triển CTX sẽ đồng thời thúc đẩy các giải pháp thiết kế kiến trúc, nội thất xanh, thúc đẩy phát triển sản phẩm, thiết bị cơ điện, VLXD xanh, giảm tiêu thụ nước, tài nguyên để xây dựng và vận hành công trình, giảm phát thải khí nhà kính góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựng.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn khẳng định, sự kiện Tuần lễ CTX Việt Nam 2023 thể hiện cam kết và nỗ lực của Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM trong việc hỗ trợ, thúc đẩy các nội dung, nhiệm vụ về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Đây cũng là sự kiện nhằm hưởng ứng Tuần lễ CTX thế giới diễn ra vào tháng 9 hàng năm.
Hưởng ứng thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựng tại TP.HCM, UBND Thành phố đã ban hành nhiều Quyết định và Kế hoạch triển khai. Trong đó, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng cùng các Sở, ngành liên quan phối hợp thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm thúc đẩy hình thành thói quen về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động của xã hội.
Ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trải qua hơn 10 năm thực hiện thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựng, Thành phố đã tăng cường kiểm tra việc tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD và QCVN 09:2017/BXD trong cấp phép xây dựng, phê duyệt dự án, thẩm định thiết kế và kiểm tra nghiệm thu công trình, tổ chức hội thảo nâng cao nhận thức về việc áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả cho các đơn vị tham gia hoạt động xây dựng;
Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý nhà nước; hội thảo, tập huấn kiến thức cơ bản về thiết kế, thẩm tra thiết kế, thi công CTX, tiết kiệm năng lượng cho các đơn vị chuyên môn; các trường đại học; xây dựng trang thông tin điện tử về CTX, công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện các công trình kiểu mẫu sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Gần đây nhất vào tháng 9/2023, tổ chức Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 4 năm 2023 với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không” với nhiều hoạt động, sự kiện quan trọng thu hút hơn 120 chuyên gia, diễn giả, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia diễn đàn, mang ý nghĩa thiết thực, góp phần giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ tăng trưởngr xanh của Việt Nam và các nước. Qua đó, đã tuyên truyền nâng cao nhận thức hành động của người dân và doanh nghiệp TP.HCM về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Sớm triển khai tiêu chuẩn năng lượng cho các tòa nhà xanh
Cũng tại Phiên toàn thể, nhằm giúp Việt Nam thực hiện các cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị thượng đỉnh về BĐKH của Liên Hiệp Quốc lần thứ 26 (COP26), các tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam đã có những tham vấn chính sách hữu ích cho phát triển CTX tại Việt Nam cũng như đồng hành cùng Việt Nam trong việc thu hút nguồn tài chính xanh.
Ông Patrick Haverman - Phó Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP tại Việt Nam khuyến nghị Việt Nam cần tập trung vào 3 lĩnh vực chính từ nay đến năm 2030 và xa hơn nữa. Thứ nhất, các chính sách, quy định liên quan ở Việt Nam cần được tăng cường, có những chính sách sẵn sàng triển khai, thúc đẩy sử dụng VLXD xanh và nền kinh tế tuần hoàn. Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010 cần được sửa đổi và cần thực hiện hiệu quả các quy định về tiết kiệm năng lượng được nêu chi tiết tại Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020.
Đặc biệt, cần tiếp tục thúc đẩy việc tuân thủ các tòa nhà tiết kiệm năng lượng từ giai đoạn thiết kế đến vận hành. Điều này cần bao gồm việc sớm triển khai tiêu chuẩn năng lượng và thực thi chứng nhận cho các tòa nhà xanh và hiệu quả năng lượng. Có cơ chế ưu đãi cũng như các mức xử phạt ngành xi măng khi không đáp ứng mục tiêu giảm CO2. Áp dụng các mức thuế CO2 đối với những vật liệu không đạt mục tiêu giảm phát thải.
Thứ hai, Việt Nam cần mở rộng quy hoạch và phát triển các thành phố xanh và bền vững với cơ sở hạ tầng xanh, tòa nhà xanh, thông minh và giao thông xanh. Thực tiễn cho thấy các tòa nhà thông minh và sử dụng năng lượng hiệu quả có thể tiết kiệm tới hơn 40% mức tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam.
Áp dụng cách tiếp cận phát triển theo định hướng giao thông công cộng trong thiết kế thành phố xanh có thể giúp giảm phát thải và áp lực giao thông. UNDP đã và đang thí điểm Sáng kiến Giao thông Điện tử Xanh tại EcoPark, Ecotek và TP Huế, thông qua các chương trình chia sẻ xe đạp điện, giúp giảm ô nhiễm không khí và các rủi ro sức khỏe liên quan.
Thứ ba, ngày càng rõ ràng rằng mô hình kinh tế truyền thống không còn bền vững nữa. UNDP đang làm việc với Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia về nền kinh tế tuần hoàn sẽ được triển khai vào cuối năm nay. Và liên quan đến Kế hoạch hành động này, ngành Xây dựng cần phải chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn và đưa ra lộ trình về cách tăng tính tuần hoàn.
Việt Nam đã phát triển một thị trường rộng lớn cho sản phẩm gạch không nung trong 10 năm qua, còn có thể làm được nhiều hơn thế đối với các loại VLXD khác. Liên quan đến vấn đề này, UNDP đang hợp tác với TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định để thành lập Cơ sở thu hồi vật liệu (MRF) và đảm bảo tính bền vững của các mô hình quản lý chất thải rắn tổng hợp nhằm sản xuất ngói, gạch và các VLXD khác.
Phát biểu tại Phiên toàn thể, ông Douglas Lee Snyder - Chủ tịch Hội đồng CTX Việt Nam (VGBC) chia sẻ 7 trụ cột CTX quan trọng do Hội đồng CTX thế giới (WGBC) phát triển nhằm giúp hướng dẫn xây dựng quy định ở các quốc gia trên toàn cầu. Các khía cạnh chính sách cốt lõi là: Carbon, khả năng phục hồi, tuần hoàn, nước, đa dạng sinh học, sức khỏe... Những điều này cung cấp một khuôn khổ toàn diện về các vấn đề quan trọng và những tác động chính liên quan đến CTX khi chúng ta hướng tới năm 2030 và xa hơn nữa.
Hướng dẫn của WGBC nêu chi tiết các quy định có thể có, các loại thông tin cần thiết để xây dựng khung chính sách liên quan và các giải pháp khuyến khích có thể có để hỗ trợ thực hiện các chính sách này.
“Với tư cách là thành viên của WGBC, VGBC sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để thực thi các phương án này với các cơ quan chính phủ liên quan, đồng thời sử dụng các tiêu chí này để phát triển các chương trình của riêng mình nhằm mang lại lợi ích tối đa cho xã hội và môi trường của Việt Nam”, ông Douglas Lee Snyder khẳng định.
Thực tế cho thấy để phát triển CTX cũng cần nguồn tài chính và việc tiếp cận nguồn tài chính này hiện nay đang là một lợi thế của những nhà phát triển CTX.
Ông Hayoung Lee - Trưởng bộ phận Đầu tư Khối sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ, Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC cho biết, việc xanh hóa thị trường xây dựng là ưu tiên số một cho Việt Nam, nơi mà vai trò của Chính phủ cần làm để bảo đảm cơ chế và chính sách, các công ty xây dựng cần áp dụng các thực tiễn xây dựng xanh, ngân hàng đầu tư vào các sản phẩm xanh và đặc biệt với các đối tác như: Chính phủ Australia, Chính phủ Vương quốc Anh và IFC cần tiếp tục hỗ trợ Việt Nam.
Tại Việt Nam năm 2022, IFC đã cam kết đầu tư 300 triệu USD và chúng tôi hướng tới nhiều hơn vào năm 2023. Theo đó, trong năm tài chính 2023, IFC đã dành 7,6 tỷ USD đầu tư tài chính vào các hoạt động kinh doanh có yếu tố thích ứng và giảm nhẹ các tác động của BĐKH, cũng như huy động 6,8 tỷ USD từ các nguồn khác.
Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á tại Việt Nam cho biết, ADB đã cho Việt Nam vay đến 15,3 tỷ USD trong các chương trình của mình. Với mô hình mới, ADB cam kết sẽ tập trung nhiều hơn về BĐKH, là mô hình xuyên suốt trong mảng đầu tư công và tư nhân. Tuy nhiên, mảng tư nhân sẽ được ưu tiên nhiều hơn.
CTX là mang đến một cơ hội khổng lồ để đạt đến mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050 như đã cam kết. Để ứng phó tốt hơn với tình trạng BĐKH nhằm nâng cao chuỗi cung ứng, tận dụng công nghệ để thay đổi mô hình kinh tế, đầu tư để đạt hiệu quả năng lượng… sẽ là những tiêu chí để các tổ chức tín dụng cấp vốn.
Ông Shantanu Chakraborty tin tưởng, nếu phát triển CTX, sẽ có cơ hội tiếp xúc nhiều nguồn vốn hơn chứ không phải là vay vốn ưu đãi.
Trước đó, vào sáng 28/9, tại sự kiện Tuần lễ CTX năm 2023, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các doanh nghiệp, các đơn vị tư vấn, ngân hàng, các cơ quan, tổ chức quốc tế và những người hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã bàn về những giải pháp thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựng thông qua 04 Hội thảo chuyên đề: Chuyên đề 1: Phát triển nhà xưởng xanh, văn phòng xanh, toà nhà xanh - hướng đến cải thiện chất lượng không gian sống và làm việc; Chuyên đề 2: Xu hướng sử dụng vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường; Chuyên đề 3: Ứng dụng các thiết bị và công nghệ tiên tiến, hướng đến công trình xây dựng hiện đại, thông minh, thân thiện với môi trường, phát thải thấp và đảm bảo tiện nghi cho người sử dụng; và Chuyên đề 4: Tài chính xanh, tín dụng xanh - Động lực để phát triển bền vững.
Song song với các chương trình hội thảo, Triển lãm Tuần lễ CTX Việt Nam 2023 quy tụ nhiều nhà cung cấp công nghệ thiết bị, sản xuất VLXD, sản phẩm sử dụng trong công trình, các chủ đầu tư, doanh nghiệp, đơn vị phát triển dự án BĐS, phát triển đô thị, nhà ở đi đầu trong xu hướng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, phát triển CTX, hướng đến phát thải thấp và trung hòa carbon như: Panasonic, Daikin, Sika, Saint Gobain, Capital House…