
Việc đưa mô hình BIM (Building Information Modeling) thành điều kiện tiên quyết (Đạt/Không Đạt) trong hồ sơ mời thầu là một vấn đề đang được quan tâm trong quá trình chuyển đổi số ngành Xây dựng tại Việt Nam.
Để trả lời câu hỏi này, cần xem xét trên cả 02 phương diện: Thứ nhất, có nên đưa BIM thành điều kiện tiên quyết trong giai đoạn hiện nay không? Thứ hai, pháp luật về xây dựng hiện nay quy định về vấn đề này như thế nào?
Nguy cơ vi phạm nguyên tắc cạnh tranh nếu áp dụng không phù hợp
Trước tiên, khẳng định ưu điểm của việc đưa BIM làm điều kiện tiên quyết là:
Một là, thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại: Khuyến khích các nhà thầu nâng cao năng lực kỹ thuật, tăng chất lượng thiết kế, thi công và quản lý dự án;
Hai là, giảm rủi ro, sai sót và lãng phí: Mô hình BIM giúp phát hiện xung đột kỹ thuật, tối ưu tiến độ, chi phí.
Ba là, phù hợp với định hướng chính sách: Chính phủ Việt Nam đã ban hành các văn bản khuyến khích và lộ trình áp dụng BIM.
Mặc dù vậy, cũng có những điểm hạn chế nếu đưa vào quá sớm như:
Thứ nhất, thiếu đồng bộ về năng lực: Nhiều nhà thầu trong nước, đặc biệt là nhà thầu nhỏ hoặc ở địa phương, chưa đủ năng lực triển khai BIM một cách đầy đủ.
Thứ hai, chi phí đầu tư ban đầu cao: Phần mềm, đào tạo, và chuyển đổi quy trình làm việc cần chi phí đáng kể.
Thứ ba, chênh lệch trình độ giữa các bên: Chủ đầu tư, tư vấn, giám sát có thể chưa đủ khả năng đánh giá, kiểm soát chất lượng mô hình BIM.
Do đó, về mặt thực tiễn, nếu đưa BIM làm điều kiện "tiên quyết loại ngay" trong hồ sơ mời thầu có nguy cơ vi phạm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng theo Luật Đấu thầu nếu áp dụng không phù hợp.
Bên cạnh đó, có thể bị nhà thầu khiếu nại nếu họ bị loại vì chưa có kinh nghiệm BIM, trong khi pháp luật chưa bắt buộc.
Vì vậy, chưa nên đưa BIM thành điều kiện tiên quyết (Đạt/Không đạt) mang tính ràng buộc cứng trong tất cả các gói thầu. Thay vào đó, có thể áp dụng thí điểm hoặc bắt buộc có lộ trình đối với các dự án lớn, trọng điểm, sử dụng vốn nhà nước. Nên đưa BIM vào như tiêu chí đánh giá kỹ thuật có điểm số, không phải điều kiện loại ngay.
Yêu cầu BIM trong pháp luật xây dựng
Hiện nay, pháp luật về xây dựng yêu cầu BIM trong hồ sơ mời thầu cần tuân thủ các quy định của pháp luật như: Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành Lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình giai đoạn 2023-2030.
Luật Đấu thầu 2023 và các nghị định hướng dẫn: Không cấm việc đưa yêu cầu về năng lực kỹ thuật như BIM, nhưng phải đảm bảo: (1) Phù hợp quy mô, tính chất của gói thầu; (2) Không gây hạn chế cạnh tranh không cần thiết; (3) Có tiêu chí đánh giá rõ ràng, minh bạch.
Nghị định số 175/2024/NĐ-CP quy định rõ đối tượng bắt buộc và khuyến khích áp dụng BIM, làm cơ sở pháp lý để đưa yêu cầu về BIM trong hồ sơ mời thầu.
Theo khoản 1 Điều 8 Nghị định số 175/2024/NĐ-CP, việc áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng được quy định như: Áp dụng bắt buộc đối với dự án có quy mô từ nhóm B trở lên tại thời điểm bắt đầu chuẩn bị dự án; Công trình xây dựng mới từ cấp II trở lên thuộc dự án; Khuyến khích áp dụng đối với các công trình không thuộc đối tượng bắt buộc nêu trên, chủ đầu tư được khuyến khích chủ động áp dụng BIM trong đầu tư xây dựng và cung cấp tập tin BIM theo quy định tại khoản 4 và điểm c khoản 5 Điều 8 Nghị định này.
Để bảo đảm phù hợp không áp dụng đại trà
Mặc dù vậy, để bảo đảm phù hợp trong bối cảnh hiện nay, nên tiếp cận theo hướng: Không đưa BIM thành điều kiện tiên quyết (Đạt/Không đạt) áp dụng đại trà.
Chỉ nên áp dụng bắt buộc BIM theo đúng các dự án được Thủ tướng quy định hoặc thuộc phạm vi thí điểm.
Với các gói thầu khác thì đưa BIM vào như một lợi thế về kỹ thuật (tiêu chí có điểm số), khuyến khích nhưng không bắt buộc.
Đáng chú ý, cần ban hành mẫu hồ sơ mời thầu có hướng dẫn tích hợp yêu cầu BIM từ Bộ Xây dựng hoặc Bộ Tài chính. Bởi hiện nay, mẫu hồ sơ mời thầu của Bộ KH&ĐT (nay là Bộ Tài chính) chỉ quy định chung chung, do đó tùy dự án cụ thể mà chủ đầu tư đưa ra yêu cầu chi tiết. Trong khi đó, tại Quyết định số 348/QĐ-BXD ngày 02/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về hướng dẫn chung áp dụng BIM, có quy định khá chi tiết về hồ sơ mời thầu khi có yêu cầu áp dụng BIM.
Tóm lại, việc đưa BIM thành điều kiện tiên quyết trong hồ sơ mời thầu cần được thực hiện một cách thận trọng, phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn năng lực của các nhà thầu.
Đối với các dự án bắt buộc áp dụng BIM, có thể đưa yêu cầu về năng lực BIM vào hồ sơ mời thầu, nhưng cần đảm bảo không gây hạn chế cạnh tranh và có tiêu chí đánh giá rõ ràng.
Đối với các dự án không bắt buộc, chỉ nên khuyến khích áp dụng BIM và đưa vào như một tiêu chí đánh giá kỹ thuật có điểm số.