Trong khi không ít chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế vướng mắc trong việc nghiệm thu dự án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM); thì cũng có không ít hồ sơ mời thầu của dự án áp dụng BIM đưa ra các yêu cầu công việc không có tiêu chí nghiệm thu rõ ràng…
Chủ đầu tư có thể thuê tư vấn
Trong thực tế, một số hướng dẫn áp dụng BIM của Bộ Xây dựng đã có khá đầy đủ các nội dung liên quan đến vấn đề này. ThS Vũ Quyết Thắng - Trưởng phòng Nghiên cứu chiến lược và cơ chế quản lý kinh tế ngành, Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, ngày 02/4/2021, Bộ Xây dựng đã công bố 02 Quyết định: Quyết định số 348/QĐ-BXD công bố hướng dẫn chung áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng và Quyết định số 347/QD-BXD hướng dẫn chi tiết áp dụng BIM đối với công trình dân dụng và hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Đây là những tài liệu hướng dẫn tham khảo, khá đầy đủ các nội dung liên quan đến áp dụng BIM, thứ nhất là trình tự, thủ tục; thứ hai là nội dung áp dụng; thứ ba là các yêu cầu áp dụng BIM.
Chủ đầu tư có thể tham khảo hướng dẫn trong các Quyết định này để đưa ra những yêu cầu đối với sản phẩm BIM mà đơn vị thiết kế giao nộp cho chủ đầu tư.
Trường hợp chủ đầu tư chưa có năng lực, kinh nghiệm có thể thuê đơn vị tư vấn thẩm tra đánh giá mức độ đáp ứng của mô hình thông tin công trình BIM theo các tiêu chí của hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn, trong đó có nội dung đánh giá tính thống nhất của mô hình BIM với kết quả tính toán cũng như hồ sơ thiết kế truyền thống để nộp cho cơ quan quản lý nhà nước.
Như vậy, dựa vào Quyết định số 348/QĐ-BXD và Quyết định số 347/QD-BXD, chủ đầu tư đưa ra các yêu cầu đối với mô hình thông tin công trình BIM và dựa vào các yêu cầu đó, tất nhiên các yêu cầu này sẽ phải được đưa vào hợp đồng xây dựng, để làm cơ sở để chủ đầu tư nghiệm thu.
Nếu chủ đầu tư cũng không đánh giá được mô hình BIM mà thiết kế nộp cho chủ đầu tư theo các yêu cầu trong hợp đồng tư vấn xây dựng, chủ đầu tư có thể thuê tư vấn giúp chủ đầu tư đánh giá xem mô hình BIM, sản phẩm BIM có đáp ứng yêu cầu theo hợp đồng ký kết hay không.
BEP - căn cứ triển khai và nghiệm thu dự án BIM
Còn theo TS Nguyễn Văn Chính - Trưởng phòng nghiên cứu, ứng dụng BIM, Đại học Giao thông vận tải, gần nhất với người làm BIM là BEP (BIM Execution Plan - kế hoạch thực hiện BIM), trong đó BEP nêu rất rõ sản phẩm BIM là gì, khi thẩm định xong bắt buộc đơn vị làm BIM phải trình BEP cho chủ đầu tư phê duyệt, BEP cũng là căn cứ để triển khai và cũng là căn cứ để nghiệm thu.
Nói cách khác, BEP trình bày chi tiết các công việc của dự án được quy định trong hợp đồng và các yêu cầu trao đổi thông tin được nêu chi tiết trong một giao thức BIM.
Đáng chú ý, về định hướng chính sách quản lý BIM trong thời gian tới, Điều 8 dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, sẽ có một số định hướng chính sách mới trong việc ứng dụng mô hình thông tin công trình BIM, trong đó có nội dung liên quan đến công tác nghiệm thu dự án BIM.
Theo đó, đối với công trình xây dựng có quy mô cấp đặc biệt, cấp I thuộc đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 82 Luật Xây dựng được sửa đổi bổ sung tại khoản 24 Điều 11 Luật số 62/2020/QH14 và các công trình có yêu cầu phải thẩm tra thiết kế trong quá trình thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định tại Nghị định này, tại kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng công trình, cần có đánh giá của đơn vị tư vấn thẩm tra về tính thống nhất của mô hình BIM với các kết quả tính toán, thiết kế thể hiện tại hồ sơ nộp thực hiện thủ tục hành chính.
Đối với chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu trong quá trình nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng, BIM hỗ trợ quá trình nghiệm thu, phục vụ cho giai đoạn quản lý, vận hành công trình xây dựng. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, BIM là công cụ để hỗ trợ trong quá trình thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu.