Thiết kế xây dựng phải độc lập với thẩm tra thiết kế
Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT về việc góp ý cho việc chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Theo góp ý của Bộ Xây dựng, đối với kiến nghị chỉ định thầu cho các đơn vị tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi được tiếp tục thực hiện khảo sát, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán để đảm bảo chất lượng, tiến độ thiết kế và có thể bổ sung thêm một số đơn vị tư vấn nếu cần; pháp luật về xây dựng không có quy định về việc đơn vị tư vấn đã tham gia lập Báo cáo nghiên cứu khả thi không được tiếp tục thực hiện công tác khảo sát, lập hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng công trình (là các gói thầu thông thường trong quá trình chuẩn bị dự án).
Tuy nhiên, các đơn vị tham gia thực hiện công tác thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng công trình phải độc lập với các đơn vị thẩm tra thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng.
Việc chỉ định thầu các gói thầu liên quan đến công tác khảo sát, lập hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng công trình cần tuân thủ theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về đấu thầu; khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 của Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Có cơ sở để địa phương chỉ định thầu
Theo Bộ Xây dựng, đối với các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, GPMB và tái định cư, hiện nay, theo báo cáo của Bộ GTVT thì các dự án thành phần của Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch, một trong những nguyên nhân là do vướng mắc trong công tác GPMB, chậm trễ trong việc di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật (mạng lưới cấp điện, thông tin liên lạc…) tại các địa phương.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội; quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 của Chính phủ, việc Bộ GTVT kiến nghị để các địa phương trong trường hợp được giao là người quyết định đầu tư, được áp dụng hình thức chỉ định thầu các gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, GPMB và tái định cư đối với các dự án thành phần của Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 là có cơ sở.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 của Chính phủ, đề nghị Bộ GTVT cùng với các địa phương trong trường hợp được giao là người quyết định đầu tư liên quan đến dự án cần bổ sung các căn cứ, thông tin về sự cần thiết việc chỉ định thầu các gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, GPMB và tái định cư cho các dự án thành phần của Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 để làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao địa phương được chỉ định thầu các gói thầu liên quan.
Việc chỉ định thầu các gói thầu liên quan đến di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, GPMB và tái định cư cần tuân thủ theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về đấu thầu, khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 của Chính phủ.