

Còn gì cho phố...
Tôi muốn mở đầu bài viết bằng một trào lưu xây nhà khá thịnh hành mà dân gian đã gói lại bằng một câu nhại tên bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Phú Quang, “Em ơi Hà Nội... chóp”.
Nhắc lại câu này, chưa phải có ý khen hay chê, mà chỉ muốn nhắc nhớ lại một thời ở Hà Nội rộ lên phong trào xây nhà... chóp. Gọi là phong trào cũng là cách nói quá, chứ thực ra cũng chỉ là ở một số người mới phất lên từ sau đổi mới muốn phô trương cái sự giàu của mình bằng cách làm những kiểu nhà mới lạ, không phải ta đã đành, nhưng cũng không hẳn là tây. Có lẽ xuất phát từ suy nghĩ, nhà ta thì... quá thường, còn “nhà tây” cũng chẳng mới và nhất là không còn gì là lạ nữa; bởi vậy người ta tìm đến một thứ khác. Cái sự mới lạ ở đây là ngôi nhà hai, ba tầng thiết kế như kiểu lâu đài và ở trên không phải mái bằng, mái chảy mà là chóp, mà có người gọi vui là “củ hành”, “củ tỏi”, bởi cái dạng hình tròn rồi vuốt nhọn lên của phần nóc nhà mô phỏng mái vòm. Thực sự tôi cũng không hiểu kiểu nhà này gọi là kiến trúc gì, nhưng nó cứ gợi lại không khí của những lâu đài Ba Tư trong Nghìn lẻ một đêm với câu chuyện về những ông Vua, Nữ hoàng, những nàng Công chúa, chàng Hoàng tử và cả một Alibaba với 40 tên cướp...
Vậy những ngôi nhà chóp ấy có đẹp không? Cái đó còn tùy thuộc vào thẩm mỹ của mỗi người, nhưng có một sự thật là ban đầu người ta cũng thấy là lạ, thậm chí là hay hay, nhưng càng về sau thì nó càng giống chiếc răng mọc lẫy và chỉ muốn... văng ra ngoài. Nhưng tại sao nó lại muốn văng ra ngoài? Có người sẽ nói, rằng tại vì nó là kiến trúc ngoại lai! Nhưng chưa hẳn là thế.
Vậy những ngôi nhà kiến trúc Pháp, chủ yếu là các biệt thự cũ ở Hà Nội hay các công trình công cộng như Nhà hát Lớn Hà Nội, Bắc Bộ phủ - nay là Nhà khách Chính phủ, Đại học Tổng hợp..., hay có người gọi nôm na gọi gộp lại là “nhà Tây”, có phải là ngoại lai không. Các công trình này đều do người Pháp xây dựng dưới thời Pháp thuộc theo kiến trúc châu Âu, nhưng tại sao người ta vẫn thấy đẹp và đến nay được coi là di sản mà có người gọi là theo “kiến trúc Đông Dương” và đưa vào diện bảo tồn.
Còn phố cổ Hội An hoàn toàn không phải là kiến trúc truyền thống của người Việt, vậy mà đến nay nó lại trở thành di sản không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới. Ngay khu phố cổ của Hà Nội cũng có sự pha trộn, giao thoa cả về kiến trúc, văn hóa và tôn giáo..., nhưng đến nay lại tạo thành một tổng thể cần bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị.
Rộng hơn, ở một số nước trên thế giới tại những thành phố lớn của họ đều có những khu Chinatown, là phố của người Trung Quốc, còn gọi là Khu phố Tàu, khu phố Trung Hoa, phố người Hoa, phố Tàu, chợ người Hoa. Những khu phố hoàn toàn đặc trưng của người Trung Quốc, tưởng là sẽ lọt thỏm trong kiến trúc hiện đại phương Tây, nhưng một điều rất lạ là nó lại có sức sống riêng, mãnh liệt. Thậm chí theo một số nghiên cứu, trong quá khứ có rất nhiều vùng tập trung cư dân Trung Hoa được công nhận là điểm du lịch văn hóa Trung Hoa tại nước ngoài. Tới ngày nay, tại nhiều nước nhiều Phố người Hoa được coi là trung tâm thương mại và du lịch lớn không thể thiếu. (Theo WikipediA).
Mà nếu nói rộng ra, suy cho cùng thì bất cứ nền văn hóa nào, trong đó có kiến trúc, cũng đều có sự tiếp thu những giá trị từ nền văn hóa khác, và điều đó không những tạo nên sự giao thoa, làm phong phú cho văn hóa bản địa nói riêng, văn hóa nhân loại nói chung, mà còn là một trong những động lực phát triển của xã hội loài người.
Như vậy, vấn đề không phải là kiến trúc ngoại lai mà có lẽ nằm ở chỗ là tiếp thu cái gì, tiếp thu ra sao. Đặc biệt là kết hợp với văn hóa, với kiến trúc bản địa, truyền thống như thế nào, để yếu tố ngoại lai và bản địa hòa quyện, kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn, để vẫn tiếp thu, học hỏi được những nội dung tiến bộ, đồng thời vẫn giữ được bản chất của kiến trúc truyền thống và tạo ra nét mới vừa có sự tiếp nối, vừa có sự phát triển.
Đến đây có một vấn đề xuất hiện trong thực tế như thế này: Có một số khu đô thị mới, khu phức hợp... từ trong quy hoạch cho đến khi triển khai trên thực địa có hình thành những “khu phố” mang phong cách kiến trúc nước ngoài, như phong cách Địa Trung Hải chẳng hạn; hoặc hình thành khu chợ mô phỏng chợ quê hay các làng nghề truyền thống...; nhưng những mô hình này hoặc là không tồn tại được lâu, thậm chí chết yểu, hoặc là tạo nên những luồng dư luận trái chiều.
Tôi không phải là kiến trúc sư, cũng không phải là nhà nghiên cứu về văn hóa, nên sẽ không tiếp cận từ góc độ chuyên môn, học thuật, lại càng không dám phán xét. Nhưng tôi là một người đã từng đến các điểm đó, hoặc thậm chí là một cư dân sống trong đô thị, yêu đô thị Việt, tâm huyết với sự sống còn của đô thị, nên tôi có quyền nêu cảm nhận của một cư dân đô thị với tư cách một thực thể sống trong đó.
Từ góc độ đó thì thấy thế này, một đô thị, một khu phố hay thậm chí là một công trình được gọi là đô thị, phố hay nhà không phải chỉ bởi với tư cách là một công trình kiến trúc xây dựng. Nếu chỉ cần có công trình mà đã gọi là nhà thì sẽ không có từ “nhà hoang”, nếu chỉ cần tập hợp các ngôi nhà bám theo một con đường mà gọi là phố thì sẽ không có từ “phố ma”, và nếu chỉ cần tập hợp nhiều con đường với những ngôi nhà mà gọi là đô thị thì đã không có từ “thành phố ma” như đã từng xuất hiện và vẫn tồn tại như ở Trung Quốc và cả ở Việt Nam với những khu nhà làm xong không người ở.
Chỉ có thể là nhà nếu có người sống, sinh hoạt trong đó. Chỉ có thể gọi là phố nếu ở đó diễn ra các hoạt động, sinh hoạt của cư dân. Từ đó có thể thấy, bỏ qua nhưng nhà ma, phố ma, đô thị ma làm xong hoàn toàn không có người ở, mà ngay cả những khu chợ “nhái” mô phỏng chợ quê hay làng nghề truyền thống mà không có hoạt động thực diễn ra trong đó, thì nó chỉ là “mô hình” để trình diễn chứ không có sức sống nội tại và chắc chắn sẽ không thể tồn tại lâu dài được.
Còn nếu học hỏi theo kiểu sao chép, bê nguyên xi về kiến trúc, thậm chí cả từ màu sắc, hoặc sao chép một phần đi chăng nữa, để lắp đặt một cách khiên cưỡng vào cái nền văn hóa bản địa, thì giống như cấy ghép một bộ phận cơ thể người lên một cơ thể sống mà không có sự tương thích nên nó sẽ bị đào thải. Học hỏi là để chắt lọc chứ đừng ép đô thị của mình theo một khuôn mẫu nào đó trên thế giới, cho dù là một mô hình được đánh giá cao, thậm chí là hoàn hảo. Vì khi đó chỉ là sự sao chép về thể xác như kiểu hồn Trương Ba, da hàng thịt, và nó thiếu sức sống, thậm chí vô hồn.
Như vậy, điều quan trọng là phát triển đô thị tiếp nối truyền thống, nhất là văn hóa cội nguồn của nó, trên cơ sở tiếp thu những tiến bộ, nhưng mô hình hay và chắt lọc để cho nó hài hòa với đô thị của mình thì mới có sức sống riêng của nó và mới có thể phát triển bền vững.
Đến đây lại xuất hiện một vấn đề như thế này, người Việt đi du lịch nước ngoài thường hay trầm trồ về những thành phố, khu phố hiện đại, hoành tráng, và thường so sánh với các thành phố trong nước. Không chỉ so sánh về tầm cỡ, quy mô mà còn so sánh cả về sự gọn gàng, ngăn nắp, trật tự và sự sạch sẽ...
Thế rồi, người ta hay nói về sự luộm thuộm, xô bồ, thậm chí là có phần nhếch nhác của các đô thị ở Việt Nam. Sự thật ở đây có cả tá vấn đề về cái sự lạc hậu, từ môi trường ô nhiễm, mất vệ sinh đến trật tự đô thị, thói quen thị dân vẫn còn mang dáng dấp tiểu nông và kể cả an toàn vệ sinh thực phẩm hay thói quen xả rác bừa bãi, nói to nơi công cộng. Đúng là những vấn đề trên thì người Tây hơn hẳn ta và ta cần phải học hỏi họ để tổ chức đô thị tốt theo họ. Nhưng trong việc tổ chức lại đô thị, bên cạnh vấn đề kiến trúc như ở trên đã đề cập thì trong cuộc sống sinh hoạt không phải cái gì cũng nên phủ nhận sạch trơn.
Có một thực tế thế này, người ta thích đi du lịch sang Tây nhưng cũng có ở chiều ngược lại thì người Tây cũng thích sang du lịch bên ta. Nhưng câu hỏi đặt ra là có phải họ sang ta để xem những tòa nhà xây chọc trời như bên họ, để xem những đường phố sáng choang, bóng loáng hay những trung tâm thương mại sầm uất ở Âu, Mỹ hay không? Chắc chắn là không. Ngay cả du khách châu Á nếu họ muốn xem những khu phố “hạng sang” đó thì họ cũng sang Sing, Hồng Kông... chứ không sang Việt Nam. Từ đó đẻ ra câu hỏi: Vậy họ sang Việt Nam vì cái gì?
Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi xin đặt tiếp những câu hỏi khác:
Tại sao không ít người đã đi khắp năm châu bốn biển, đến rất nhiều “Thiên đường của thế giới” rồi bây giờ chỉ còn ao ước được đến Triều Tiên?
Tại sao những làng cổ ở khắp các nước trên thế giới đều thu hút khách du lịch?
Tại sao Trung Quốc trong kỷ nguyên trỗi dậy lại vẫn giữ một ngôi làng hoàn toàn duy trì nếp sinh hoạt, lao động theo kiểu hợp tác xã với tiếng kẻng là hiệu lệnh cho mọi hoạt động trong làng có từ thời bao cấp kế hoạch hóa khi xưa?
Và còn rất nhiều câu hỏi tại sao kiểu như này nữa. Các chuyên gia trong từng lĩnh vực sẽ có sự lý giải trên từng góc độ như tâm lý, văn hóa, dân tộc, nhân khẩu học... Còn ở một góc hẹp nào đó thì có thể thấy như thế này, khi sự sao chép, nhân bản đã trở nên phổ biến, thế giới ngày càng phẳng, “phẳng” nhìn trên mọi góc độ, thì con người càng có xu hướng tìm về những nguyên bản hiếm hoi còn sót lại, dù đã có những biến đổi theo thời gian.
Có thể người ta đến những đô thị hiện đại na ná nhau để mưu sinh, nhưng để trải nghiệm và hưởng thụ thì con người sẽ tìm đến các giá trị truyền thống khác biệt, với những bản sắc không đâu có.
Trong khi đó, với sự phát triển của công nghệ, nhất là AI, và thế giới ngày càng phẳng, thì việc tìm đến các đô thị để mưu sinh ngày càng xếp xuống hàng sau, thứ yếu. Thậm chí những người vốn ở đô thị có khi lại về các vùng quê, “bỏ phố lên rừng” để tìm cho mình không gian yêu thích, trong khi vẫn có thể tiếp tục làm công việc trước đây bằng hình thức online. Hay có những người vừa đi du lịch vừa làm việc online và người ta dự báo xu hướng Workation (được ghép từ "work" - công việc và "vacation" - kỳ nghỉ) sẽ ngày càng lan rộng và trở nên phổ biến.
Vì vậy, người ta đến một miền đất, một địa điểm, một đô thị nào đó... chủ yếu sẽ là để du lịch. Và điều thu hút du khách là cái lạ, cái hiếm, cái độc đáo, cái chỉ ở đó mới có. Trong khi đó, giá trị truyền thống vừa chứa đựng tất cả những điều này, vừa là cái chỉ có thể mất dần đi chứ không thể tạo thêm, hoặc nếu có tạo thêm được thì lại cần một thời gian rất dài, trải qua nhiều thế hệ mới có thể trở thành “truyền thống”. Do đó, đô thị nào, vùng đất nào còn giữ được nhiều giá trị truyền thống đặc sắc, thì những giá trị đó sẽ ngày càng trở thành giá trị cốt lõi theo thời gian và sẽ càng nâng cao giá trị, thu hút sự quan tâm của khách du lịch trải nghiệm trên thế giới.
Trong khi đó, du lịch homestay, farm cũng lại đang nổi lên như một xu hướng đầy tiềm năng hứa hẹn sẽ phát triển mạnh.
Tại sao như vậy? Có lẽ vì du khách muốn đi vào cuộc sống thực của những con người thực với nhịp đập, mạch ngầm văn hóa, nhân sinh, chứ không phải là những cái tạo ra nhân danh sáng tạo nhưng chỉ có vỏ ngoài hình thức mà thiếu cái hồn cốt bên trong. Thậm chí, ở một cấp độ cao hơn, du khách muốn được hóa thân vào cuộc sống của người dân địa phương, vào văn hóa bản địa, chứ không phải chỉ dạo chơi, lướt qua và ngắm nhìn. Ngắm nhìn là từ ngoài nhìn vào, còn trải nghiệm là muốn tắm mình trong dòng chảy của cuộc sống và hòa mình vào dòng chảy ấy để mà thấm, để mà chiêm nghiệm, và để mà tiếp thu năng lượng sống tích cực từ chính mạch ngầm cuộc sống.
Nếu nhìn từ góc độ đó thì ta mới hiểu du khách nước ngoài đi khám phá khu phố cổ Hà Nội lại thích thú đến thế nào khi thấy người đàn ông ngồi bán chè chén vỉa hè đưa chiếc điếu cày lên rít sòng sọc rồi phả khói mù mịt một góc phố. Bởi đó họ chỉ có thể thấy ở Việt Nam, ở phố cổ Hà Nội. Nói điều đó không phải để cổ súy cho việc hút thuốc hay bao biện cho sự xô bồ, lộn xộn, lấn chiếm vỉa hè, mà chỉ là một ví dụ mang tính trực quan về những giá trị cần được tìm hiểu, phát hiện để bảo tồn, bởi đó chính là những cái làm nên bản sắc Việt.
Mọi giá trị, mang tính tích cực hay tiêu cực, đều là do con người nhìn nhận nó như thế nào và đối xử với nó ra sao. Chẳng hạn như đa phần con người thích ngọt ngào hơn cay đắng. Cũng không ít người không thích, thậm chí là không ăn được các thức cay và đắng. Ấy thế nhưng, trái ớt cay, hạt tiêu cay lại trở thành thứ gia vị không thể thiếu của rất nhiều dân tộc trên thế giới, thậm chí hạt tiêu còn thứ đặc sản của miền nhiệt đới mà các thương lái ngày xưa thường mang đi khắp thế giới để đổi lấy những hàng hóa, nhất là từ xứ lạnh. Hoặc như món lẩu mắm của người miền Tây lại không thể thiếu được thứ rau đắng dân dã mang lại hương vị rất đặc trưng mà khi đã quen rồi sẽ trở nên “nghiện” và thương nhớ diết da khi xa vùng châu thổ chín rồng. Nói điều đó để nêu lên một câu hỏi, vậy liệu có phải những gánh hàng rong, “nền thương mại vỉa hè” ở các đô thị nước ta mà điển hình là Hà Nội, chỉ là sự xấu xí, nhếch nhác... cần dẹp bỏ hay không? Hay đó lại chính là những nét làm nên một “Cô bé Lọ Lem” mà chàng Hoảng tử đang tìm kiếm như trong câu chuyện cổ tích.
Để đi đến câu trả lời cho câu hỏi này, tôi muốn lan man sang những câu chuyện góp nhặt từ sự tranh luận giữa bảo tồn và phát triển và nhất là phát triển theo hướng nào của những giá trị truyền thống.
Câu chuyện tranh luận giữa bảo tồn và phát triển đã được đề cập nhiều và chắc chắn khó tìm được câu trả lời hoàn toàn phủ định hay hoàn toàn khẳng định. Muốn bảo tồn nhưng phải phát triển mới có nguồn lực để bảo tồn, nhưng muốn phát triển lại phải bảo tồn thì mới có thể phát triển... Vậy bảo tồn trước hay phát triển trước cũng giống như chuyện quả trứng - con gà. Tôi muốn nhìn câu chuyện bảo tồn – phát triển qua những cái... chợ.
Gần đây, báo chí có đề cập trở lại câu chuyện chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ đang... “chìm dần”. Nguyên do là đường bộ phát triển nên việc buôn bán trên sông qua chợ nổi không còn hiệu quả nữa, vì thế mà các thương hồ bỏ chợ lên bờ để tìm kế mưu sinh. Thế là, chợ gần như chỉ còn mang lại lợi ích cho các công ty du lịch lữ hành vì đây là “điểm đến” khá hấp dẫn du khách. Nhưng đích của chợ là để mua bán mà thương hồ không còn lợi ích nữa thì chợ vắng dần người bán kẻ mua, nhưng không còn cảnh xuồng ghe tấp nập nữa thì du khách cũng dần nhạt tình với chợ.
Không chỉ Cái Răng, những chợ nổi khác ở miền Tây như Cái Bè (Tiền Giang) hay thậm chí như cái chợ nổi tiếng nhất vùng là Phụng Hiệp, hay còn gọi là chợ Ngã Bảy (Hậu Giang) cũng “tự chìm” với lý do tương tự. Rồi để “cứu” chợ nổi Cái Bè, được chính quyền địa phương ủng hộ, một doanh nghiệp đã bỏ tiền tỷ để “làm” chợ nổi Tân Phong cách chợ Cái Bè cũ vài cây số, như là một sản phẩm du lịch chuyên để phục vụ du khách tham quan và trải nghiệm dịch vụ. Đó là việc làm có ý nghĩa để “cứu” di sản và phát triển du lịch rất cần biểu dương, nhưng tôi vẫn cứ lấn cấn. Bởi dù sao đó cũng chỉ là cái chợ “nhân tạo”, được dàn dựng, thậm chí là “diễn” để phục vụ du khách, chứ không phải là bản thân cuộc sống. Vì vậy tôi vẫn có cảm giác nó thiếu sức sống, hay nói một cách văn vẻ là thiếu cái hồn; tức là nó thiếu hơi thở của cuộc sống, thiếu sức sống nội tại, tự thân, do đó nó chỉ nặng về phần xác hơn là phần hồn.
Viết đến đây, tôi lại sực nhớ câu chuyện về cây bút thần. Một cậu bé được Bụt cho cây bút thần, khi cậu vẽ con chim nhưng chưa vẽ đôi mắt thì nó vẫn là hình vẽ nằm trên giấy; nhưng khi chấm đôi mắt, tức là điểm nhãn, thì hình vẽ hóa thành con chim thật và vỗ cánh bay lên... Phục dựng chợ nổi là cần thiết, nhưng làm sao để cái chợ nhân tạo ấy như con chim được điểm nhãn vỗ cánh bay lên mới thực là khó... Nhưng lại là điều hết sức cần thiết, thậm chí là yếu tố tiên quyết.
Viết đến đây, tôi lại nhớ những lần thành phố Hà Nội tổ chức những cái chợ quê giữa lòng thành phố. Cũng những gánh hàng, sạp hàng với những món quà quê, nào bún ốc, ốc luộc, rồi bánh đa bánh đúc. Cũng những trang phục “cô hàng xén” áo tứ thân chít khăn mỏ quạ... Một nỗ lực đáng biểu dương cho việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống với “nếp làng” của người Việt. Nhưng để tham quan thì được, còn trải nghiệm thì cần phải xem xét thêm. Bởi những cái chợ quê ấy, hay những hoạt động đại loại như thế, nói chung là nặng về trình diễn mà vẫn thiếu không khí của một làng quê, càng thiếu không gian văn hóa chợ làng.
Nhìn từ góc độ nào đó, chợ nổi Tân Phong hay “chợ quê” giữa lòng thành phố nói trên cũng là một sự sao chép, là sự trình diễn, hay nói theo ngôn ngữ dân dã là “diễn”. Vì vậy, mặc dù được đặt trên chính đất nước đã sản sinh ra “chợ làng”, hay thậm chí là ngay trong không gian sông nước của chợ nổi (chỉ cách chợ thật cũ 2 cây số), thì nó vẫn có gì đó “giả tạo”. Bởi những người “đi chợ” không được trải nghiệm không khí của một cái chợ quê, chợ nổi ồn áo bán mua, cò kẻ mặc cả, thậm chí có cả sự nói thách... đáng yêu. Mặc dù những cái chợ “phục chế” đó sẽ được chau chuốt và trở nên sạch sẽ, thậm chí là cả sự thơm tho, nhưng nó vẫn không phải là cái chợ quê, chợ nổi đích thực với mục đích tự sinh của một cái chợ.
Nói thế không phải là để dèm pha, “dìm hàng” sự phục chế, bởi trong cái sự mất mát với tốc độ đáng lo ngại của các giá trị truyền thống, thì dù sao việc phục chế chợ nói trên cũng là một sự cố gắng, nỗ lực rất đáng biểu dương rồi; mà là để nói lên một điều, sự sao chép giá trị văn hóa ngay trong một đất nước đã khó khăn biết chừng nào, thì sự sao chép văn hóa - trong đó có kiến trúc, cho dù dưới bất cứ hình thức nào, ở mức độ nào, lại càng khó khăn gấp bội nếu muốn sự sao chép ấy hòa quyện vào cái nền đô thị với cả bề dày truyền thống hàng nghìn năm...
Một bát cháo lòng nghi ngút khói vừa thổi vừa xuýt xoa, sụp soạp nơi vỉa hè hay một góc phố cổ sẽ có “không khí” và “cái chất” sẽ khác hẳn cũng bát cháo ấy ngồi múc từng thìa trên bàn ăn có trải khăn trăng muốt trong một khách sạn sang trọng. Và sự khác nhau ấy tôi tạm gọi là “không gian văn hóa”, tức là cái sự hòa quyện đến mức nhuần nhuyễn giữa cái “thực” của bát cháo với không gian thực mang tính nguồn cội và là không gian tồn tại của sự vật, giống như sự phối hợp giữa các gia vị với từng món ăn làm cho ẩm thực thăng hoa. Hay nói cho dễ hiểu, hạt tiêu là một thứ gia vị đặc biệt cả về hương liệu và giá trị, nhưng nếu ăn bún ốc thì phải dùng ớt bột khô chưng mỡ, còn nếu cho hạt tiêu vào bún ốc thì chẳng khác gì “giết chết” bát bún ốc. Nói thế để thấy, có những thứ phù hợp với không gian sang trọng như trong khách sạn năm sao, nhưng cũng có nhiều thứ mà cư dân sử dụng, du khách hứng thú lại chỉ thích hợp với không gian có vẻ xô bồ nơi góc phố, vỉa hè.
Hãy thử tưởng tượng một tối nơi phố cổ Hà Nội vắng tiếng rao đêm. Và sớm mai thức dậy hè phố thoáng đãng nhưng vắng ngắt, không có hàng hóa che kín mặt tiền ngôi nhà, thậm chí có khi tràn ra cả hè phố như mọi ngày, không có người mua bán, chỉ có bóng người vội vã bước đi lạnh lùng, vô cảm... Du khách đến đây sẽ vào ăn ở những cửa hàng sang trọng, mua hàng hiệu tại những trung tâm thương mại sáng choang... Ngay cả cư dân ở đây cũng không còn được hít hà bát phở nghi ngút khói trong cửa hàng cáu cạnh, thậm chí có cả mùi gây gây của thịt bò quyện với nồi nước dùng nóng dẫy, hay ới gọi cô hàng rong mua lạng cốm Vòng gói trong mảnh lá xanh đến mỡ màng...
Cũng là một sự tốt. Gọn gàng, ngăn nắp, trật tự, sạch sẽ, vệ sinh. Nhưng có điều nếu như thế thì sẽ không còn là “ba mươi sáu phố phường”, không còn là khu phố “hàng” đặc trưng của Hà Nội nữa rồi. Và nếu du khách với mục đích mua sắm những món hàng hiệu đắt tiền thì chắc chắn sẽ không chọn Hà Nội, không chọn Việt Nam.
Du khách đến Việt Nam, đến Hà Nội, đến Hội An, đến Nha Trang... là vì những giá trị khác, những thứ không có ở những thành phố hiện đại, sang trọng trên thế giới. Và vấn đề là chúng ta phải tìm ra giá trị cốt lõi, những “của hiếm”, những tinh túy mà nhiều nơi khác trên thế giới không có hoặc không bằng ta, để từ đó bảo tồn, phát triển, giúp nó cộng hưởng với những tinh hoa của nhân loại mà phát huy cao nhất giá trị của mình trong cả trước mắt và lâu dài.
Đó chính là dòng chảy trong các đô thị xuyên suốt thời gian mang giá trị cốt lõi làm nên bản sắc truyền thống, văn hóa của đô thị đó, chứ không phải là sự cóp nhặt, làm mới một cách tùy tiện, vừa không tạo ra giá trị mới mà thậm chí còn triệt tiêu nhưng giá trị vốn đã làm nên đô thị này.
Nói như thế không phải để cổ súy cho sự xô bồ, thậm chí là vô trật tự với sự lấn chiếm vỉa hè vô tội vạ, mà là muốn nói lên một điều, sự sạch sẽ tinh tươm hiện đại có giá trị của sự gọn gàng văn minh, nhưng nét thuần chất của khu phố “hàng” của Hà Nội lại có nét thú vị, đáng yêu riêng và chính điều đó mới làm nên giá trị của khu phố cổ của Hà Nội. Nếu biết tìm thấy, biết nhìn vào cái tinh túy trong sự xô bồ, nhếch nhác, luộm thuộm kia thì chúng ta có thể làm cho đô thị văn minh lên, hiện đại lên trong khi vẫn giữ được hồn cốt của đô thị đó, đô thị chỉ của Việt Nam, chỉ ở Việt Nam. Và điều đó sẽ khiến thế giới phải đến để khám phá, trải nghiệm, chiệm nghiệm và hưởng thụ.
Phát triển đô thị không phải chỉ nằm ở kiến trúc, vấn đề quan trọng là phải biết giữ hồn cho phố.