Tổng hợp từ 116 cơ quan có báo cáo, trong năm 2023, có 71.857 dự án thực hiện đầu tư; trong đó 50,8% là dự án chuyển tiếp, 49,2% là dự án khởi công mới. Số dự án kết thúc đầu tư đưa vào khai thác sử dụng là 32.669 dự án.
Bộ KH&ĐT đánh giá, năm 2023, đầu tư từ nguồn vốn nhà nước đã phát huy vai trò tích cực trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thực sự là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, có tác động lan tỏa, nhất là đối với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng… Vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được bố trí bảo đảm tập trung, trọng tâm, trọng điểm, tăng cường đầu tư cho kết cấu hạ tầng. Cải cách thể chế đầu tư công tiếp tục được quan tâm.
Tuy nhiên, trong bức tranh chung, số dự án chậm tiến độ trong năm 2023 còn khá nhiều, với 2.848 dự án, chiếm 4% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ. Các nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng (1.598 dự án); vướng mắc thủ tục đầu tư (315 dự án); bố trí vốn không kịp thời (447 dự án); do năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu (95 dự án); do các nguyên nhân khác (934 dự án).
Cùng với đó, có 5.507 dự án phải điều chỉnh, chiếm 7,7% tổng số dự án thực hiện trong kỳ; trong đó, chủ yếu điều chỉnh mục tiêu, quy mô đầu tư, điều chỉnh tiến độ đầu tư, vốn đầu tư...
Chỉ ra một số nguyên nhân, hạn chế, Bộ KH&ĐT cho biết, đó là công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hàng năm vẫn là khâu yếu, chưa sát với khả năng thực hiện; công tác triển khai, hoàn thiện thủ tục đầu tư mặc dù đã được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nhưng nhiều dự án vẫn còn chậm.
Bên cạnh đó, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đơn giá, chồng chéo giữa các quy hoạch… dẫn đến nhiều dự án chậm giải phóng mặt bằng, chậm tiến độ. Tình trạng thiếu đất, cát và nguyên, nhiên vật liệu thi công ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân công trình.
Cùng với đó, quy định pháp luật còn chồng chéo, bất cập, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi để phù hợp điều kiện thực tế. Còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc…
Theo Báo cáo của Bộ KH&ĐT, năm 2023, có 114 dự án có thất thoát, lãng phí được phát hiện. Con số này đã giảm so với năm 2022 là 131 dự án và năm 2020 là 923 dự án.
Thực tế năm 2024, những hạn chế trên vẫn tồn tại, tác động đến tình hình giải ngân, thực hiện dự án đầu tư công. Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân đầu tư công đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu năm 2024 phải giải ngân được ít nhất 95% kế hoạch vốn, đi đôi với nâng cao hiệu quả, chất lượng đầu tư.
Kỳ vọng Luật Đầu tư công (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc để thúc đẩy tiến độ dự án đầu tư công. Nhiều quy định sửa đổi được đại biểu Quốc hội, các địa phương, bộ ngành đánh giá cao là tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho địa phương; đơn giản hóa các thủ tục đầu tư…
Nguồn: Báo Tin tức