Cơn lốc đô thị hóa và những “đứt gãy” đáng tiếc! Cơn lốc đô thị hóa và những “đứt gãy” đáng tiếc!

Cơn lốc đô thị hóa và những “đứt gãy” đáng tiếc!

 

♦ Thưa ông, Việt Nam được coi là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa nhanh trong khu vực Đông Á. Mỗi năm, ước tính các đô thị Việt Nam có thêm từ 1 đến 1,3 triệu dân. Vậy vấn đề được, mất ở đây là những gì?

- Có thể nói, quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh thời gian qua đã khiến cho những vùng ven đô có sự phát triển nhất định về kinh tế và xã hội.

Trước hết, mức thu nhập người dân tăng khi chuyển đổi kinh tế gia đình từ sản xuất nông nghiệp sang các lĩnh vực phi nông nghiệp có giá trị cao hơn. Sự hình thành trên địa bàn nông thôn những khu công nghiệp, khu chế xuất, các trung tâm dịch vụ, các khu đô thị mới… đã nâng giá trị sử dụng của đất đai, tạo những ngành nghề và việc làm mới, nâng cao giá trị lao động.

Các vấn đề về hạ tầng giao thông, cấp nước, cấp điện, thông tin liên lạc, thoát nước, và vệ sinh môi trường cũng được quan tâm đầu tư nâng cấp từng phần theo tiêu chuẩn đô thị đảm bảo phục vụ cho cuộc sống cư dân được tốt hơn.

Đô thị hóa nếu nhìn vào những khía cạnh tích cực đã thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của vùng ven đô. 

Hệ thống hạ tầng xã hội theo đó cũng được phát triển cùng với quá trình đô thị hóa, những cơ sở giáo dục, y tế, thương mại dịch vụ phát triển hơn theo chuẩn đô thị. 

Tuy nhiên, nhìn vào những khía cạnh tiêu cực, quá trình đô thị hóa, nếu không thực hiện theo quy hoạch và thiếu đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội sẽ có những tác động tiêu cực như làm tăng khoảng cách giữa giàu và nghèo, gây ra ô nhiễm môi trường và gia tăng các vấn đề bất ổn về xã hội.

Đặc biệt, trong quá trình đô thị hóa ảnh hưởng trực tiếp vào chính đời sống mỗi gia đình vùng ven đô mới chuyển thành đô thị. Sự biến đổi lối sống từ nông thôn sang đô thị sẽ có khả năng gây ra những vấn đề tiêu cực tiềm tàng như mâu thuẫn lối sống giữa các thế hệ, tệ nạn xã hội (cờ bạc, nghiện hút… do mức sống nâng cao đột ngột, không bền vững từ nguồn lợi bất động sản), thất nghiệp ở lứa tuổi trung niên do không thích ứng với thị trường, thiếu đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp…

♦ Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển rất nhanh về số lượng các đô thị ở Việt Nam. Nhưng ở nhiều nơi, còn tình trạng các khu đô thị không có người ở, hoặc nhiều dự án để hoang hóa. Điều này liệu có là hậu quả những khiếm khuyết về kết nối hạ tầng trong phát triển các đô thị?

- Tôi không nghĩ đô thị Việt Nam phát triển nhiều về số lượng, ít thành phố mới hoàn toàn xuất hiện, mà thực chất là xu hướng nâng cấp, mở rộng các đô thị hiện hữu và hình thành khu đô thị mới (thực chất là các khu dân cư mới) trong các đô thị hiện có. 

Tình trạng khiếm khuyết về hạ tầng tại một số khu đô thị mới là có. Đây là thực tế để lại nhiều bài học cho chúng ta trong quá trình phát triển. Đã có những khu đô thị mới được xây dựng gần như biệt lập, thiếu sự kết nối với khu vực xung quanh. Ví dụ như ở Hà Nội, khu đô thị Định Công chỉ có con đường chính vào từ đường Giải Phóng, không có đường nối ra các khu đô thị xung quanh như Đại Kim, Hoàng Mai.

Hoặc khu vực trục đường Lê Văn Lương, có rất nhiều khu đô thị bám theo hai bên nhưng giữa các đô thị không có đường bao kết nối với nhau, dẫn đến giao thông bị ách tắc vì không có lối thoát khỏi trục chính.

Sự phát triển các khu đô thị mới ở Việt Nam, một thời gian khá dài, có tình trạng thiếu đồng bộ. Điều này một phần do nguồn lực, một phần do chính sách và cách quản lý. Dẫn đến tình trạng nhiều nơi “bỏ trống” nhiều hạng mục về hạ tầng.

Ví dụ, trong các bản quy hoạch ban đầu đều có bố trí xây dựng hạ tầng cơ sở giáo dục và bệnh viện, nhưng lại phó mặc các cơ sở này cho nguồn lực “xã hội hóa”. Nhưng phần lớn các nhà đầu tư chỉ quan tâm xây dựng ngay những thứ sinh lợi nhanh như chung cư, hay các khu biệt thự, nhà liền kề mà chậm chạp trong đầu tư xây dựng trường học, bệnh viện.

Ngay cả khi có đầu tư thì những cơ sở giáo dục, y tế xã hội hóa đó cũng có mức giá dịch vụ rất cao, không phải ai cũng tiếp cận được. Việc thay thế các cơ sở hạ tầng xã hội công lập bằng cơ sở tư nhân như vậy làm nảy sinh các hệ lụy như trẻ em thiếu trường, người già thiếu nơi khám chữa bệnh, nơi nghỉ ngơi… 

♦ Có phải quá trình đô thị hoá không đồng hành với công nghiệp hóa sẽ khiến cho các mô hình và tư duy đô thị gặp khủng hoảng? 

- Ở Việt Nam, theo cảm nhận của tôi, tốc độ công nghiệp hóa chậm hơn đô thị hóa. Có thể là do tác động hành chính hoặc do tình hình chính trị ở từng giai đoạn lịch sử nhất định.

Thực ra, không nhất thiết một đô thị phát triển phải đi kèm với công nghiệp mà còn tùy theo lợi thế riêng của thành phố đó, ví dụ như thành phố cảng của Singapore rất phát triển dựa vào lĩnh vực thương mại và dịch vụ, còn công nghiệp không phải là thành phần chính để thúc đẩy nền kinh tế nơi đây. 

Cuộc cách mạng công nghiệp đã làm thay đổi các điều kiện về kinh tế - xã hội - văn hóa và kỹ thuật. Còn quá trình đô thị hóa góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, làm thay đổi sự phân bố dân cư, đồng thời tác động đến tâm lý, lối sống và cách sống của người dân.

Bên cạnh những mặt tích cực thì nó cũng kéo theo những hệ lụy là gây quá tải cho cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng về giao thông cùng một số vấn đề khác… Đó là những khiếm khuyết đang đặt ra trong quá trình chuyển đổi các vùng nông thôn lên thành thị. 

♦ Nhắc đến kết nối hạ tầng đô thị - nông thôn, nhiều người chỉ thường nghĩ đến nhà cửa, đường sá, điện nước… mà quên mất một trong những yếu tố quyết định là kết nối hạ tầng xã hội, mà trong đó là sự gắn kết với quá trình phát triển kinh tế. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Đây là vấn đề hết sức quan trọng trong quá trình chuyển đổi các vùng đất nông thôn lên thành đô thị. Khi mà chúng ta chỉ chăm chú đến phát triển kinh tế, mà quên đi sự gắn kết về văn hóa, khi đó, những vấn đề được - mất, như đã nhắc đến ở trên, sẽ ngày càng nghiêm trọng, và “cái mất” sẽ nhiều hơn.  

Tôi lấy ví dụ, ở một số nơi, khi chuyển đổi đất đai, người nông dân có thể giàu lên từ bán đất, từ tạo sinh kế bằng việc đầu tư xây dựng nhà trọ cho công nhân, sinh viên thuê… Nhưng liệu điều này có bền vững? Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có nguy cơ sẽ phát sinh số lượng không nhỏ đối tượng bị tổn thương bởi quá trình đô thị hóa. 

Mặc dù trong tất cả các dự án quy hoạch cũng như chương trình phát triển nông thôn của Chính phủ đều có đề cập tới chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân khu vực đô thị hóa đi học nghề, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn không phải lúc nào cũng phù hợp.

Ví dụ một người dân ở tuổi trung niên đi học nghề vài tháng vào làm trong các khu công nghiệp, thực tế với lứa tuổi và nền tảng giáo dục, lối sống nông thôn đã thành nếp của mình, họ không thể cạnh tranh được với nhân lực thanh niên từ các vùng khác đến về các mặt sức khỏe, tư duy, trình độ, thói quen lao động… Rất nhanh họ không thích nghi được và thất nghiệp, bị thất bại ngay trên mảnh đất của mình, cái nghèo dễ quay trở lại với họ. 

Việc tạo ra sinh kế là việc khó nhất cho người dân trong vùng đô thị hóa, nếu không dựa trên những lợi thế của họ về hiểu biết, kỹ năng mà người ta đã có, thì khi tiếp cận phương thức sản xuất mới, rõ ràng là họ sẽ không cạnh tranh được, cho dù lúc đầu chính sách của Nhà nước, doanh nghiệp đã dành cho họ những ưu đãi nhất định. 

Như vậy, có thể thấy, quá trình đô thị hóa làm biến đổi sâu sắc mọi mặt đời sống của người nông dân, đặc biệt là vấn đề sinh kế. Nếu các thế hệ tiếp theo không có định hướng tốt thì sẽ bị ảnh hưởng bởi rất nhiều hệ lụy, đặc biệt là nhóm thanh niên và trung niên.

Do đó, sự chuyển đổi này cần có sự tiếp cận theo những hướng khác nhau tùy thuộc yếu tố bản địa, phải cụ thể hóa căn cứ vào cộng đồng mỗi nơi, để có những dự án độc lập và trong đó nghiên cứu tiềm năng lợi thế của mỗi vùng địa phương để chuyển đổi cho phù hợp với xu hướng phát triển chung đô thị.

♦ Vậy là, trong quá trình chuyển đổi nông thôn lên thành thị, đang có sự va chạm về văn hóa? 

- Có chứ, văn hóa đô thị ở đây không phải là tốt hơn văn hóa nông thôn, hay ngược lại. Mỗi khu vực văn hóa mang những nét riêng nhưng khi chuyển dịch, chúng sẽ có những mâu thuẫn, va đập. 

Thành thị là sự hỗn hợp đa dạng của các nhóm dân cư khác nhau. Lối sống của người thành thị là theo hướng tôn trọng riêng tư, tuân theo luật ngầm bất thành văn như đi vào các địa điểm công cộng phải xếp hàng, giữ im lặng, không ảnh hưởng đến người khác, giữ gìn vệ sinh chung…

Nông thôn có không gian mở hơn. Lối sống ở nông thôn lại mang tính cộng đồng rất cao, đó là tổng hợp các mối quan hệ dựa trên quan hệ xóm giềng về văn hóa, địa lý và họ tộc.   

Từ sự khác biệt trên, khi chuyển đổi lên đô thị, hai nếp sống đó sẽ có mâu thuẫn và dẫn đến xung đột, không chỉ xung đột giữa người thành thị và người nông thôn gốc mà còn xung đột trong gia đình giữa các thế hệ.  

Trong quá trình chuyển đổi để văn hóa nông thôn giao lưu với văn hóa đô thị sẽ bị biến đổi cả giá trị vật chất và tinh thần, nên dễ xảy ra tình trạng xô bồ, va đập, nhất là về lối sống, làm cho nếp sống văn minh vốn đã có của các đô thị không còn định hình và ổn định được như trước.

♦ Việc mở rộng các đô thị ở Việt Nam đang khiến một số thành phố lịch sử bị đứt gãy cấu trúc khi trở thành những đô thị lớn, đánh mất bản sắc và nguy cơ không thể nhận dạng? 

- Đây là vấn đề lớn khi mà đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ đã ảnh hưởng rất lớn đến tài nguyên di sản trong các đô thị hiện có, không chỉ trong vùng mới bị đô thị hóa mà cả trong vùng lõi của đô thị.

Ví dụ như Hà Nội, do đô thị hóa nhanh nên dẫn đến giá trị đất đai, bất động sản tăng rất cao và gây áp lực lên nhu cầu không gian ở và việc làm, nguy hại đến tài nguyên di sản của thành phố. Rất nhiều công trình có giá trị di sản chưa kịp công nhận là di tích lịch sử văn hóa thì đã bị phá bỏ để dành chỗ cho xây dựng những khu ở cao tầng mới.

Đó chính là nguy cơ lớn hiện nay đang diễn ra ở Việt Nam, mà thực tế đã xảy ra ở Hà Nội. Trong đó, làng hoa Ngọc Hà là một điển hình. Ngôi làng có tuổi đời hơn một nghìn năm, gắn liền với kinh thành Thăng Long xưa.

Nhưng nay, làng hoa Ngọc Hà đang trong sự bủa vây của cơn lốc đô thị hóa. Làng bị chia cắt bởi giá đất tăng cao, nhiều gia đình cắt đất để bán, nhà cửa mọc lên san sát. Nghề trồng hoa dần suy tàn. Làng hoa giờ đã đổi thành phố Ngọc Hà, ngõ Ngọc Hà. 

Hay như làng Vòng, nơi có thương hiệu “Cốm Làng Vòng” - đặc sản của Hà Nội xưa, nay đã thành khu đô thị mới Dịch Vọng. Làng Nhật Tân với nghề trồng đào truyền thống hàng thế kỷ, một phần đất cũng đã thành khu đô thị Vườn Đào. 

Đô thị mới, người mới về ở, nhiều làng nghề truyền thống chỉ còn trong chuyện kể. Những đô thị không ký ức như thế cứ ngày một nhiều. Đi cùng đó là những cảnh quan di sản như trung tâm công cộng của làng (đình, đền, chùa, cây đa, sân đình, giếng nước…) dần vơi đi. Nhiều nơi, nếu còn cũng chỉ nằm chơ vơ hay lọt thỏm giữa rừng nhà cao tầng. Đây chính là phần đứt gãy đầy nuối tiếc trong quá trình đô thị hóa!

♦ Trong tiến trình phát triển các đô thị dường như chúng ta còn vướng điều gì đó giữa cân bằng kinh tế phát triển với gìn giữ bản sắc, thưa ông?

- Đúng, đây là bài toán khó làm sao để cân bằng phát triển nông thôn với giữ gìn bản sắc văn hóa. Trước đây có một số nghiên cứu đã đặt vấn đề cũng như đưa ra một số ý tưởng chuyển đổi dần các khu vực cư trú hiện hữu nông thôn trong quá trình đô thị hóa, đặc biệt chú trọng khu vực trung tâm công cộng của làng, giống như khu đô thị mới có không gian công cộng như quảng trường, sân chơi, nhà văn hóa.

Ở nông thôn có khu vực đình, chùa… đóng vai trò lõi không gian, có thể lấy đó làm cơ sở phát triển không gian công cộng của khu vực đô thị hóa, khu đô thị mới để làm sao dần dần kết nối phần xác đô thị vào phần hồn của vùng đất hiện hữu . 

Mong muốn là, đô thị hóa nhưng phải giữ được cấu trúc, hạt nhân cốt lõi của làng, giữ được không gian sinh hoạt công cộng của làng xã hiện hữu. Những đình, đền, chùa, không gian cây xanh, mặt nước của làng cần được kết nối để thống nhất hữu cơ với không gian công cộng của đô thị mới.

Lúc đó, sẽ tạo ra sự tiếp nối về mặt cảnh quan và giúp cho lối sống sinh hoạt cộng đồng giữa phần cũ và mới có sự giao thoa và dần dẫn biến đổi từ từ êm đẹp, kết nối giữa hai cộng đồng dân cư với nhau. 

♦ Vậy, đâu là giải pháp để tránh những “khiếm khuyết” cho quá trình phát triển các đô thị ở Việt Nam?

- Trước hết, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn; phát triển mạnh các đô thị vệ tinh của một số đô thị lớn.

Theo đó, hướng tập trung đẩy mạnh đầu tư phát triển nông thôn cũng như vùng đô thị nhỏ ở các địa phương. Như vậy, sẽ tạo ra các lực “hút ngược” người dân trở lại. Làm được điều này có nghĩa là chúng ta tạo ra quá trình đô thị hóa cân bằng, góp phần giảm bớt dòng chảy dân cư về các đô thị lớn như TP Hà Nội và TP.HCM….

Hiện nay, nhà nước cũng đã có những chủ trương, chính sách giảm tải cho các đô thị lớn, đã hình thành các thiết chế văn hóa, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tập trung thúc đẩy hệ thống hạ tầng cơ sở, dịch vụ tại các đô thị vệ tinh.

Ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn. Kiểm soát phát triển đô thị mật độ thấp tại các đô thị loại I, loại II; tập trung phát triển đô thị theo chiều sâu và nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân. 

Tại nhiều địa phương, Nhà nước cũng đã dành một nguồn vốn không nhỏ để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, liên vùng; hoàn thiện khung pháp lý cho quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị; thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm tại các đô thị lớn, tập trung cho các lĩnh vực giao thông đô thị, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải đô thị. 

Bên cạnh đó, ở góc độ trực diện, theo tôi, khi chuyển đổi vùng nông thôn lên thành thị thì bản thân mỗi người dân nơi đây tự ý thức và dần thích nghi theo hướng tích cực với văn hóa đô thị. Khi trở thành thị dân, người dân phải được chuẩn bị và chủ động trước những thay đổi về nếp sống. Đó là, sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn, tôn tạo di tích, gìn giữ di sản. 

Ví dụ, địa phương có nghề truyền thống trong quá trình đô thị hóa đã chuyển dần sang thành trung tâm du lịch như làng Vạn Phúc, Hà Nội. Ngoài nghề dệt lụa truyền thống nghìn năm, làng lụa Vạn Phúc vẫn ít nhiều giữ được vẻ đẹp cổ kính.  

Ở đây, vai trò của cộng đồng hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, cộng đồng còn tham gia việc gìn giữ môi trường trong lành. Cây xanh vốn là đặc trưng cả làng truyền thống. Vì vậy, cần tuyên truyền hướng dẫn cho người dân hiểu sự cần thiết phát triển kinh tế với gìn giữ môi trường như thu gom xử lý rác thải tại hộ gia đình, thu gom và xử lý nước thải tại nguồn; bảo vệ môi trường sinh thái. 

♦ Có ý kiến cho rằng, tại một số vùng đô thị hóa, xu hướng lai căng giống như bản sao của các nước trên thế giới? 

- Hiện nay, có một thực tế đáng lo ngại là, xu hướng xây dựng các khu đô thị mới thiên về toàn cầu hóa, không dựa trên lối sống văn hóa Việt Nam. Điều này thể hiện ngay ở các tên gọi. Sự pha trộn này còn hiện rõ hơn trong kiến trúc đô thị. Nhưng xu hướng đó bị lai căng và trở thành đô thị bản sao của một số nước.

Dường như đâu đâu ta cũng gặp những kiểu đô thị bắt chước, trùng lặp. Kiến trúc lai tạp với đủ sắc màu, như những bản sao nửa như khu vườn của Singapore, nửa như khu phố của Hồng Kông, Hàn Quốc hay của châu Âu…

Nhìn tổng thể, ta thấy diện mạo kiến trúc đang bị chắp vá, thiếu tính đồng bộ dẫn đến việc xé lẻ không gian đô thị thành những mảnh riêng biệt, không có sự nhất quán trong tư tưởng nhận thức về thiết kế, khiến các đô thị đó rơi vào chủ nghĩa hình thức, pha trộn và lãng phí.  

Một xu hướng đang ngày càng gia tăng ở các đô thị mới đó là tạo ra cộng đồng có cổng, tạo ra những khu đô thị đóng và nửa đóng, được bảo vệ 24/7. Mọi tiện ích trong khu đô thị như sân chơi, hồ bơi, thảm cỏ…, người dân bên ngoài hầu như ít được tiếp cận.

Xu hướng này đã tạo sự biệt lập, tạo cảm giác phân biệt giàu - nghèo, dễ nảy sinh mâu thuẫn trong xã hội, giữa cư dân mới đến sống trong khu đô thị hiện đại với cư dân vốn đã từng sinh sống và lao động ở khu vực đó.

♦ Tình trạng này có phải là phổ biến? Và chúng ta cần có những giải pháp nào trước mắt cũng như lâu dài để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững?

- Đây thực sự là bài toán khó cho các nhà quy hoạch cũng như các cấp quản lý. Trong các đồ án quy hoạch, bao giờ cũng đề cập tới công tác quản lý, nhưng chúng ta thấy, giải pháp cho quy hoạch hiện nay vẫn chưa phát huy tốt hiệu quả, vì thế, khi chuyển đổi nông thôn lên đô thị có nhiều vướng ngại. 

Chẳng hạn, khi mật độ dân cư bị tăng lên sẽ có những áp lực về không gian ở, cũng như tác động lên các hạ tầng khác. Trong quá trình chuyển đổi, cảnh quan cũng bị biến đổi, trong đó có tình trạng các di sản kiến trúc đặc trưng mất dần. 

Chính vì vậy, chiến lược phát triển đô thị của Việt Nam phải hướng tới mục tiêu bảo đảm cân đối giữa tính hiện đại với tính bền vững của tự nhiên - con người - xã hội, thông qua việc lựa chọn các mô hình đô thị tiên tiến, nhưng phù hợp đặc thù đô thị của Việt Nam. Trước mắt cần hướng tới phương thức phát triển đô thị xanh, đô thị sinh thái… thay thế cho mô hình đô thị còn nhiều bất cập hiện nay.

Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tăng cường công tác quy hoạch xây dựng tại các đô thị bằng những khuôn khổ pháp lý như: Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và sắp tới là Luật

Quy hoạch đô thị và nông thôn… Nhưng bên cạnh đó, cũng cần có sự thay đổi về tư duy nhìn nhận phong cách kiến trúc của người dân và xu hưởng phát triển đô thị từ những nhà quản lý.

Do đó, ngoài công tác định hướng chính sách về dịch cư và dân số đô thị, định hướng chính sách về đất đô thị và tổ chức không gian đô thị, thì ngay từ bây giờ, việc tuân thủ pháp luật về xây dựng như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai… cần phải được thực thi nghiêm minh. Có như vậy, phát triển đô thị ở Việt Nam mới có thể tiến đến mục tiêu bền vững, thịnh vượng!

♦ Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Thủy
Nguyễn Thạc Cường