
Tại Hội nghị, các đại biểu nghe công bố các quyết định của Đảng ủy Chính phủ về việc thành lập 15 đảng bộ trực thuộc Đảng ủy Chính phủ, bao gồm đảng bộ các Bộ, cơ quan: Tư pháp; Công thương; VHTT&DL; Ngoại giao; Y tế; GD&ĐT; Tài chính; Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường; KH&CN; Nội vụ; Dân tộc và Tôn giáo; Ngân hàng Nhà nước; Thanh tra Chính phủ; Đảng bộ các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Chính phủ.
Cùng với việc thành lập các đảng bộ, Đảng ủy Chính phủ cũng có các quyết định về nhân sự tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó bí thư, Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy các đảng bộ trực thuộc Đảng ủy Chính phủ.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Đảng bộ trực thuộc Đảng ủy Chính phủ khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, các cơ quan trực thuộc, xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ, xác định mối quan hệ công tác, phối hợp giữa các Đảng ủy và giữa các Đảng ủy với các cơ quan tham mưu của Đảng, các cơ quan liên quan… để hoạt động, phối hợp của các cơ quan ổn định, thông suốt, hiệu quả theo mô hình tổ chức mới, bảo đảm Đảng lãnh đạo toàn diện mọi mặt công tác.
Cùng với đó, tiếp tục chuẩn bị tổ chức thật tốt đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị; tiến hành sắp xếp, bố trí lại cơ sở vật chất, tài sản, nơi làm việc bảo đảm hợp lý, ổn định; làm tốt công tác tư tưởng, công tác tổ chức, cán bộ trong quá trình vận hành bộ máy mới, nhất là các vấn đề liên quan chế độ, chính sách cho cán bộ…

Lưu ý thêm các nhiệm vụ liên quan thúc đẩy tăng trưởng 8% trở lên trong năm nay, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới.
Trong đó, Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải đẩy mạnh đầu tư công, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, vừa đối phó với sự thu hẹp của thị trường thế giới, vừa nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.
Cùng với đó, triển khai chính sách tài khóa, đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi, Bộ Tài chính thực hiện ngay việc tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên để đầu tư đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, định hướng nguồn vốn tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng, các ngân hàng phải đẩy mạnh tiết giảm chi phí, phấn đấu hạ lãi suất cho vay, hy sinh một phần lợi ích của mình vì lợi ích chung để chia sẻ với người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế.
Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan khẩn trương xây dựng trình dự thảo Nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân; thúc đẩy hình thành 2 trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại TP.HCM, Đà Nẵng; triển khai các nghị quyết của Quốc hội về đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Đảng bộ, nhất là người đứng đầu phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, phương châm "đảng viên đi trước, làng nước theo sau", tiên phong, gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nỗ lực hoạt thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Trước đó, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, ngày 18/02, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) gồm 5 chương, 32 điều, quy định Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Luật sửa đổi cũng phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và chức năng, phạm vi quản lý giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ; phân quyền, phân cấp hợp lý giữa Chính phủ với chính quyền địa phương.