Công trình xanh và mô hình đô thị xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Phong trào công trình xanh ra đời tại các nước phát triển và đang lan rộng tới nhiều khu vực trên thế giới trong đó có Việt Nam. Bài viết giới thiệu kinh nghiệm thực hành công trình xanh trong lĩnh vực nhà ở và mô hình lý thuyết phát triển khu đô thị xanh hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Trong bối cảnh của BĐKH toàn cầu và yêu cầu về phát triển bền vững, những năm gần đây, yếu tố xanh trong kiến trúc và quy hoạch đô thị đang được quan tâm và triển khai mạnh mẽ. Từ những năm 1990, phong trào công trình xanh đã ra đời tại các nước phát triển và hiện đang lan rộng tới nhiều khu vực trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Phong trào công trình xanh ở Việt Nam đã có những bước phát triển, tuy nhiên tăng trưởng còn khá chậm và hạn chế [1]. Để phát triển bền vững, việc chỉ xây dựng các công trình xanh là chưa đủ mà cần hướng về việc phát triển một mô hình đô thị xanh toàn diện [2].

Về thực hành công trình xanh trong lĩnh vực nhà ở, dự án Diamond Lotus Riverside (Hình 1) áp dụng cùng lúc 2 hệ thống đánh giá LEED và LOTUS ở cấp độ Vàng. Kết quả là công trình đã đạt được các chỉ số xanh về giảm năng lượng tiêu thụ, giảm sử dụng nước, tăng diện tích phủ cây xanh, tối đa diện tích chiếu sáng tự nhiên, thông gió tự nhiên và tầm nhìn ra bên ngoài, tận dụng nước tái sử dụng cho cảnh quan và hạn chế hiệu ứng đảo nhiệt. Hệ thống các giải pháp xanh xuyên suốt trong quá trình từ thiết kế, xây dựng cho đến vận hành bao gồm:

(i) Phát triển, bảo vệ khu đất, có chỗ đậu ưu tiên cho xe đạp và các loại xe điện, có xe trung chuyển đến trạm xe buýt công cộng, mái xanh và kiểm soát chỉ số phản xạ mặt trời (SRI), đầy đủ các loại tiện ích, ngăn chặn ô nhiễm trong hoạt động xây dựng;

(ii) Thiết kế thụ động, sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, tối ưu hóa hiệu suất năng lượng;

(iii) Lựa chọn thiết bị tiết kiệm nước, xử lý và tái sử dụng nước thải, hệ thống tưới nhỏ giọt cho toàn bộ cây xanh cảnh quan;

(iv) Phân loại rác, quản lý chất thải, sử dụng vật liệu thân thiện, vật liệu địa phương và vật liệu có hàm lượng tái chế;

(v) Kiểm soát khói thuốc, tăng cường thông gió tự nhiên, đảm bảo tầm nhìn và không có chất độc hại.

Ngoài ra, để công trình đó có thể “sống” được, có “linh hồn” hay có thể thực sự “xanh” và bền vững thì người tiếp tục vun đắp và duy trì nó phải chính là những cư dân sinh sống và làm việc tại dự án. Cư dân tại Diamond Lotus Riverside được hướng dẫn thông tin đầy đủ về công trình xanh, lối sống xanh (Hình 2) và thường xuyên tham dự các hoạt động cộng đồng được tổ chức tại dự án. Hành trình xây dựng một cộng đồng xanh không chỉ diễn ra một vài tháng, vài năm mà là cả một quá trình lâu dài từ những ngày đầu phát triển ý tưởng thiết kế, thi công xây dựng cho đến khi vận hành và chuyển giao, duy trì chặng đường sau đó [3].

Toàn cảnh chung cư Diamond Lotus Riverside.

Sổ tay công trình xanh dành cho cư dân Diamond Lotus Riverside nhằm lan toả lối sống xanh đến cư dân đang sinh sống và làm việc tại đây.

Trong quá trình hướng đến phát triển bền vững của môi trường xây dựng nói chung, không chỉ riêng công trình mà còn đô thị cần được quan tâm phát triển tính “xanh”. Mô hình lý thuyết khu đô thị xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững được thiết lập dựa trên 3 quan điểm bao gồm (i) Phát triển và vận hành học tập hệ sinh thái tự nhiên, hướng tới chu trình sử dụng năng lượng và tài nguyên khép kín; (ii) Phát triển với tinh thần khiêm tốn và tôn trọng thiên nhiên và địa điểm; và (iii) Phát triển với sự linh hoạt và thích ứng với sự biến đổi ở các bối cảnh khác nhau. Các quan điểm xây dựng và phát triển khu đô thị xanh được cụ thể hoá qua 5 nguyên tắc mang tính định hướng gồm (i) Giảm thiểu tác động; (ii) Sử dụng hiệu quả nguồn lực; (iii) Hình thành hệ sinh thái nội khu; (iv) Tôn trọng di sản; và (v) Cấu trúc linh hoạt [4].

Những nguyên tắc trên là cơ sở hình thành 8 hạng mục tiêu chí cho một khu đô thị xanh [5]. Các hạng mục tiêu chí này cho thấy rằng một đô thị xanh thì các thành phần của nó cũng cần đạt được tính “xanh”.

(i) Địa điểm xanh nhằm phát huy tiềm năng khu đất, kết nối các địa điểm và hài hoà với hệ sinh thái xung quanh;

(ii) Quy hoạch xanh với các giải pháp quy hoạch tôn trọng cấu trúc tự nhiên và đa dạng các chức năng sử dụng đất;

(iii) Hệ sinh thái xanh được hình thành từ việc kiến tạo hệ sinh thái nội khu, bảo tồn các hệ sinh thái có giá trị và kết nối với các hệ sinh thái lân cận;

(iv) Hạ tầng xanh hướng đến các giải pháp hạ tầng thân thiện môi trường và ứng phó BĐKH;

(v) Giao thông xanh gồm hệ thống giao thông công cộng và giao thông thân thiện với môi trường;

(vi) Công trình xanh gồm các công trình chính bắt buộc phải xây dựng theo tiêu chuẩn công trình xanh và các công trình còn lại được xây dựng hướng đến các tiêu chuẩn công trình xanh;

(vii) Vận hành xanh nhằm quản lý và vận hành đồng bộ theo hướng giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên, xây dựng lối sống xanh và phát triển bền vững;

(viii) Cộng đồng xanh hướng tới thực hành lối sống xanh và triết lý phát triển bền vững.

Mô hình lý thuyết khu đô thị xanh.

Nhìn chung, xây dựng công trình xanh đang mang lại rất nhiều giá trị và lợi ích cho đô thị.  Tuy vậy, hướng đến mục tiêu phát triển đô thị bền vững đòi hỏi chúng ta cần nghĩ xa hơn nữa về một không gian sống xanh trọn vẹn, là một khu đô thị xanh được xây dựng theo những quan điểm, nguyên tắc và tiêu chí xanh nhất quán. Những kinh nghiệm về phát triển công trình xanh và kết quả nghiên cứu xây dựng mô hình lý thuyết về khu đô thị xanh là nền tảng để kiến tạo những khu đô thị mới trong thực tiễn tại Việt Nam theo các mục tiêu phát triển bền vững.

 

Tài liệu tham khảo

[1] Phạm Đức Nguyên (2015), Phát triển công trình xanh ở Việt Nam - Thực trạng và đề xuất, Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng, đăng 13g46 ngày 13/10/2015.

[2] Lưu Thị Thanh Mẫu và Lê Thị Hồng Na (2021). "TỪ CÔNG TRÌNH XANH TỚI KHU ĐÔ THỊ XANH - GIẢI PHÁP HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG." Tạp chí Kiến Trúc.

[3] Lê Thị Hồng Na (2019), Diamond Lotus Riverside - Chung cư cao tầng xanh theo chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc Hội KTSVN, số 292, trang 38-41, 8/2019.

[4] Lưu Thị Thanh Mẫu (2022), Đề xuất mô hình khu đô thị xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững - Trường hợp nghiên cứu: khu đô thị mới Long Tân, tỉnh Đồng Nai, Luận văn Thạc sĩ Đô thị học, Đại học Quốc gia TP.HCM Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

[5] Lưu Thị Thanh Mẫu và Lê Thị Hồng Na (2021). “TIÊU CHÍ XÂY DỰNG ĐÔ THỊ XANH CHO CÁC KHU ĐÔ THỊ MỚI TẠI TP.HCM.” Quy hoạch Xây dựng.

Bình luận