Công viên, vườn hoa vừa thiếu, vừa xuống cấp

14:29 13/02/2022
Mảng xanh từ công viên, vườn hoa là thành phần không thể thiếu trong bất cứ loại đô thị nào, nó có vai trò quan trọng trong môi trường sinh thái, trong tổ chức môi trường sống của con người và tạo lập cảnh quan đô thị. Tuy thế, bên cạnh số lượng ít ỏi, nhiều công viên, vườn hoa tại Hà Nội lại đang dần bị mất đi công năng.

Chỉ tiêu còn quá thấp

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, khu vực nội đô hiện có 63 công viên, vườn hoa, với tổng diện tích 280ha, chiếm khoảng 2% tổng quỹ đất. Riêng 4 quận lõi trung tâm có 30 công viên, vườn hoa, chiếm 1,92% tổng diện tích đất, tương đương chỉ 2,08m2/người. Tỷ lệ đất vườn hoa, sân chơi ở quận Hai Bà Trưng là cao nhất, cũng chỉ chiếm 12,83% diện tích đất tự nhiên.

Từ năm 2014, TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu 60 công viên, vườn hoa đô thị (trong đó có 18 công viên, vườn hoa xây mới, cải tạo, nâng cấp 42 công viên, vườn hoa hiện có).

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, sau 6 năm triển khai theo Quy hoạch, TP đã huy động nhiều nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng các công viên, vườn hoa và đã có nhiều công viên với quy mô lớn được khởi công xây dựng. Điển hình như: Công viên hồ điều hòa Nhân Chính (Công viên Thanh Xuân); Công viên hồ điều hòa Mai Dịch; Công viên giải trí tại Mễ Trì; Khu công viên, hồ điều hòa CV1 Cầu Giấy...

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng công viên tập trung, TP cũng phân cấp cho các quận, huyện, thị xã xây dựng, hoàn thiện các vườn hoa trong các khu phố. Tuy nhiên theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, việc phát triển công viên, vườn hoa công cộng chưa đạt chỉ tiêu.

Điển hình, tại khu vực quận Hoàn Kiếm có khoảng 13 vườn hoa, với diện tích chia theo đầu người thì mỗi người dân ở đây chỉ có khoảng 0,1m2. Tại khu vực phố cổ còn hạn hẹp hơn, khi gần 7 vạn người nhưng chỉ có duy nhất vườn hoa Đường Thành (phường Cửa Đông) diện tích 990m2.

Không gian công cộng gồm công viên, vườn hoa có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân đô thị, tuy nhiên, theo KTS Đinh Đăng Hải - chuyên gia Dự án Thành phố sống tốt thuộc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, Hà Nội lại đang rất thiếu diện tích cây xanh, công viên, hồ nước… Cụ thể, bình quân mỗi người dân Hà Nội chỉ có 3m2 diện tích không gian công cộng/người. Như vậy, Hà Nội còn một khoảng cách rất xa mới đạt chuẩn về không gian công cộng so với các TP trên thế giới với mức 9m2/người.

Về nguyên nhân, Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho hay, các quận mới có quỹ đất nhưng số lượng công viên được xây dựng theo quy hoạch còn ít nên khả năng phục vụ cộng đồng còn hạn chế. Trong khi đó, ở các quận nội đô lịch sử lại thiếu quỹ đất cho công viên cây xanh, chủ yếu là các vườn hoa quy mô nhỏ, mật độ dân cư lớn nên chỉ tiêu bình quân đầu người chưa đạt tiêu chuẩn.

Muôn vẻ xuống cấp, bị lấn chiếm

Không những thiếu hụt, ít ỏi về diện tích, nhiều công viên, vườn hoa sau thời gian dài sử dụng, cảnh quan kiến trúc đã bắt đầu xuống cấp, cơ sở vật chất cũ, hỏng, việc chỉnh trang, sửa chữa còn chắp vá, và không ít nơi đã bị thương mại hóa.

Ghi nhận tại một số vườn hoa trên địa bàn các quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm như Vườn hoa Vạn Xuân (vườn hoa Hàng Đậu), tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” có nhiều rêu mốc, ngoài ra còn xuất hiện vết bong tróc, nứt ở những điểm nối của các khối đá. Những chi tiết trên khối kiến trúc như gươm, bom ba càng của tượng đài cũng có dấu hiệu xuống cấp.

Đài phun nước ở Vườn hoa Con Cóc (Vườn hoa Diên Hồng) đang bị chằng đỡ bởi hai đai sắt lớn, tránh sự nứt vỡ lan rộng. Vườn hoa Đại học Thủy lợi, Vườn hoa Đào Duy Anh, Vườn hoa Đường Thành…, bị lấn chiếm để bán hàng, đỗ xe, làm nơi để đồ dùng gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị...

Tại một số công viên như công viên hồ Thành Công nền gạch tại một số vị trí bị bong, tróc, gây khó khăn cho người đi bộ. Công viên Bắc Linh Đàm gần như đang bị bỏ hoang, nhiều hạng mục xuống cấp trầm trọng như đường dạo bị bong tróc; hệ thống đèn chiếu sáng ở khu vực cổng chính và đường dạo quanh công viên đã bị cháy, vỡ, cột điện hoen gỉ; ghế đá bị gãy, trơ khung sắt. Tại khu vực vui chơi cho trẻ em, rất nhiều thiết bị trò chơi đã dừng hoạt động, hư hỏng nặng.

Còn tại Công viên hồ Đền Lừ - điểm vui chơi, tập thể dục của hàng nghìn người mỗi ngày nhưng một đoạn đường dạo sau bức tường Nhà văn hóa thanh niên quận Hoàng Mai dài khoảng 200m không có đơn vị nào chịu trách nhiệm chăm sóc, cắt tỉa cây cỏ, dọn vệ sinh khiến cây cỏ um tùm lấp cả lối đi; nhà vệ sinh công cộng tại công viên đã xuống cấp, gây mất mỹ quan, vệ sinh môi trường và là nơi tập trung của tệ nạn xã hội.

Bà Đào Thị Hiền, người dân phường Tân Mai cho biết, công viên hồ Đền Lừ từ lâu là nơi người dân đến tập thể dục, vui chơi. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây đoạn đường dạo không có đơn vị nào đứng ra chăm sóc, một số người dân đã cùng dọn dẹp, cắt cỏ ở đây, trong quá trình làm thấy rất nhiều kim tiêm, rác thải, rất mất vệ sinh, nguy hiểm cho người qua lại.

Nói đến công viên xuống cấp nghiêm trọng, bỏ lãng phí nhiều năm, bị nhiều công trình “xẻ thịt”, không thể không nhắc đến Công viên Tuổi Trẻ nằm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Sự việc và những tồn tại hàng chục năm nay, người dân và các cơ quan ngôn luận phản ánh nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có thay đổi.

Sự thiếu hụt và xuống cấp của những lá phổi xanh trong TP đã được cảnh báo từ rất lâu nhưng rất chậm được sửa chữa khắc phục. Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Hà Nội phải cần có ngay những thay đổi thiết thực để cải thiện bộ mặt đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Bên cạnh việc kiểm kê quỹ đất, đặc biệt quỹ đất công đang sử dụng lãng phí, sai mục đích để ưu tiên phát triển công viên, vườn hoa sân chơi, thì khôi phục không gian công cộng hiện có, đẩy lùi nạn lấn chiếm, sử dụng sai mục đích nhằm nâng cấp các không gian xanh làm tiền đề để phát triển một TP xanh là việc cấp thiết hiện nay.

"Thách thức lớn cho giải pháp quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên ở Hà Nội nằm ở chỗ khu vực nội thành thì thiếu quỹ đất để bố trí thêm; khu vực ngoại thành chủ yếu vẫn là đất nông nghiệp và sông hồ tự nhiên nên khó tiếp cận sử dụng. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống công viên, cây xanh chưa đa dạng, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách, vì vậy luôn hạn hẹp và khó khăn." - Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh.

 

Nguồn: Kinh tế& Đô thị 

Bình luận