Mạng lưới Xây dựng và Bất động sản (COnstruction and Real Estate NETwork - CORENET) là cổng thông tin một cửa của Singapore ra đời năm 2001 hướng tới mục đích thay đổi quy trình làm việc của công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng. Cho đến nay, CORENET đã được nâng cấp để chấp nhận việc đệ trình mô hình BIM, phát triển từ phiên bản đầu tiên sang
CORENET 2.0, sau đó là CORENET X trên nền tảng đám mây với nhiều tính năng mới và cải tiến vượt trội. Việc áp dụng CORENET là một sáng kiến tiêu biểu về công nghệ thông tin giúp Singapore trở thành một trong các quốc gia dẫn đầu về ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, mang lại lợi ích tới tất cả các bên liên quan trong dự án đầu tư xây dựng.
1. Giới thiệu
Việt Nam đã và đang đẩy mạnh ứng dụng Mô hình thông tin công trình (Building Information Modeling - BIM) trong ngành Xây dựng. Theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng, việc áp dụng BIM là bắt buộc từ năm 2023 trở đi, theo lộ trình cụ thể cho các dự án đầu tư xây dựng phân theo nguồn vốn, phương thức đầu tư và cấp của công trình xây dựng trong dự án [1].
Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng có sự thay đổi theo một quy trình làm việc mới, sử dụng mô hình BIM của các dự án để thực hiện nhiệm vụ thẩm định, cấp phép xây dựng và một số chức năng quản lý nhà nước khác.
Hệ thống tiếp nhận thông tin dự án phục vụ các chức năng quản lý nhà nước này đòi hỏi một cách tiếp cận mới, thông qua việc sử dụng một cổng thông tin điện tử, lý tưởng là được tích hợp một số tính năng hỗ trợ thẩm định, kiểm tra, đánh giá mô hình và giải pháp thiết kế. Trên thế giới đã có khá nhiều quốc gia đã triển khai thành công các hệ thống có tính năng tương tự như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Hàn Quốc, và Singapore.
Trong khu vực ASEAN, Singapore đã bắt đầu triển khai hệ thống một cửa điện tử tiếp nhận bản vẽ và hồ sơ của các dự án cần phê duyệt và cấp phép từ năm 2001, được đặt tên là Mạng lưới Xây dựng Bất động sản (COnstruction & Real Estate NETwork - CORENET), hay còn gọi là hệ thống CORENET e-Submission.
Hệ thống này đã phát triển qua nhiều phiên bản, CORENET 1.0, CORENET 2.0 và phiên bản nâng cấp toàn diện CORENET X đang được nghiên cứu phát triển, dự kiến đưa vào hoạt động từ cuối năm 2023. Từ năm 2016, hệ thống này cũng được điều chỉnh, nâng cấp để tiếp nhận thông tin từ các dự án ứng dụng BIM theo lộ trình bắt buộc của quốc gia này. Ngoài ra, hệ thống CORENET còn cho phép các tổ chức, cá nhân truy cập vào hệ thống để tìm kiếm, tra cứu thông tin về vòng đời của các dự án được lưu trữ.
Các thông tin này được tập hợp theo 4 nhóm thông tin chính bao gồm: Thiết kế, nộp hồ sơ, thi công/mua sắm và quản lý vận hành. Hệ thống này đã góp phần giúp Singapore nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với ngành xây dựng nói chung cũng như thúc đẩy áp dụng BIM vào các dự án một cách hiệu quả.
Trong xu thế chuyển đổi số của ngành Xây dựng ở Việt Nam nói chung và chuyển đổi sang ứng dụng BIM trong các dự án đầu tư xây dựng nói riêng, việc phát triển một cổng thông tin điện tử để tiếp nhận mô hình BIM và các thông tin dự án phục vụ các chức năng quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng là yêu cầu cấp thiết.
Đặc biệt, theo yêu cầu về lộ trình áp dụng BIM bắt buộc theo Quyết định 258/QĐ-TTg, các dự án sử dụng BIM phải nộp tệp tin BIM cùng với loại hồ sơ khác theo quy định đến các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng phục vụ thẩm định, cấp phép, quản lý xây dựng; một cổng thông tin điện tử sẽ là giải pháp mang lại hiệu quả cao. Việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm từ các quốc gia khác, kể cả Singapore là cần thiết.
Bài báo này giới thiệu hệ thống CORENET của Singapore theo các nội dung chính, bao gồm quá trình phát triển của hệ thống CORENET tại Singapore, hệ thống CORENET cho các dự án xây dựng ứng dụng BIM, giới thiệu chức năng và hoạt động của hệ thống đồng thời chỉ ra các lợi ích rõ rệt mà hệ thống này mang lại.
2. Quá trình phát triển của hệ thống CORENET tại Singapore
Quá trình phát triển của hệ thống CORENET tại Singapore cho đến nay trải qua 3 giai đoạn (Hình 1), đó là CORENET (CORENET 1.0), sau đó được nâng cấp để xử lý mô hình BIM, CORENET 2.0 và CORENET X.
Từ đầu năm 1991, Hội đồng Máy tính Quốc gia Singapore đã công bố sáng kiến IT 2000 về ứng dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy chất lượng cuộc sống tại quốc đảo này. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu Mạng lưới Xây dựng và Bất động sản CORENET được thành lập vào năm 1993 và cổng điện tử CORENET chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11/2001. Mục đích
CORENET hướng tới là “tái thiết kế quy trình trong ngành xây dựng nhằm đạt được bước nhảy vọt về thời gian, năng suất và chất lượng”. Kể từ đó tới nay, CORENET đã có những bước tiến đáng kể để trở thành sáng kiến IT trọng điểm được Bộ Phát triển quốc gia Singapore chủ trì, do Cục Xây dựng và Công trình (BCA) và các đơn vị phối hợp thực hiện.
CORENET tập trung vào việc phát triển hệ thống IT và các hạ tầng thiết yếu để tích hợp vào tất cả các giai đoạn trong vòng đời một công trình tại Singapore: Thiết kế, Đấu thầu/Mua sắm, Thi công và Vận hành [2]. Hệ thống CORENET bắt đầu chấp nhận mô hình BIM từ tháng 10/2016.
Hệ thống CORENET 2.0 là phiên bản tiếp theo của CORENET, được đưa vào sử dụng từ ngày 22/8/2022 [3] (tại địa chỉ https://www.corenet2-ess.gov.sg/document/#/home). Một số điểm nâng cấp đáng chú ý của CORENET 2.0 bao gồm [4]:
- Cải thiện giao diện người dùng;
- Tăng tính bảo mật và thuận tiện của quá trình đăng nhập;
- Hỗ trợ quá trình nộp hồ sơ quả đơn vị chuẩn bị dự án;
- Nâng cao các tính năng của chức năng tìm kiếm;
- Nâng cao chất lượng hồ sơ thông qua việc tự động xác thực thông tin đầu vào trong các biểu mẫu.
CORENET X là phiên bản nâng cấp toàn diện tiếp theo của CORENET, sau các phiên bản CORENET và CORENET 2.0 đang được triển khai hiện nay. Dự án CORENET X được công bố vào tháng 9/2021, với Cục Xây dựng và Công trình (BCA) và Cơ quan Phát triển Đô thị Singapore (URA) đóng vai trò dẫn dắt [5].
Nếu như hệ thống CORENET hiện hành là cổng thông tin dựa trên nền tảng internet để các tổ chức và cá nhân có thể truy cập, thì CORENET X được xây dựng dựa trên nền tảng đám mây. Ở CORENET X, các đơn vị chuẩn bị dự án sẽ nộp một mô hình BIM phối hợp (coordinated BIM model) duy nhất lên cổng một cửa và các cơ quan sẽ trích xuất các dữ liệu cần thiết từ mô hình tích hợp để phục vụ công tác thẩm định và phê duyệt [6].
Hai thay đổi quan trọng của CORENET X so với CORENET 2 là sự thay đổi trong quy trình phê duyệt các dự án xây dựng công trình và việc nộp hồ sơ của các dự án áp dụng BIM theo khuôn dạng IFC-SG (IFC - Industry Foundation Classes) [7].
Quá trình chuyển tiếp của các dự án giữa hai hệ thống CORENET 2.0 và CORENET X cũng đã được Chính phủ Singapore công bố với bốn giai đoạn. Từ 18/12/2023, CORENET X sẽ vận hành thử nghiệm tới tháng 5/2024. Sau đó, từ tháng 6/2024 tới hết tháng 3/2025, hệ thống mới sẽ tiếp nhận các hồ sơ của các dự án trên nguyên tắc tự nguyện: Các dự án mới được khuyến khích nộp hồ sơ qua CORENET X để làm quen với hệ thống và quy trình mới. Tới tháng 4/2025, các dự án xây dựng mới sẽ bắt buộc phải nộp hồ sơ qua CORENET X; sau đó, hệ thống sẽ chính thức bắt buộc áp dụng cho tất cả các dự án trong nửa đầu năm 2026 [7].
3. Hệ thống CORENET cho các dự án xây dựng ứng dụng BIM
Hệ thống CORENET đã bắt đầu chấp nhận hồ sơ đệ trình dưới dạng mô hình BIM từ tháng 10/2016 cho bộ môn kiến trúc và từ tháng 10/2017 cho các bộ môn kết cấu và MEP [8]. Mô hình BIM nộp vào cổng thông tin điện tử phải tuân thủ các Bộ tiêu chuẩn thực hành (Code of Practice) trong đó quy định các yêu cầu chung và yêu cầu cụ thể đối với từng bộ môn, như kiến trúc, hạ tầng và kết cấu, cơ, điện và nước.
Tới thời điểm hiện tại, hệ thống chất nhận mô hình BIM được tạo lập bởi các phần mềm của Autodesk Revit (kiến trúc, kết cấu, MEP), ARCHICAD (kiến trúc, kết cấu, MEP) và Bentley (MEP). Hệ thống cung cấp các Template cho các phiên bản phần mềm khác nhau để đảm bảo sự cập nhật với thị trường.
Việc áp dụng BIM là yêu cầu bắt buộc tại Singapore đối với các dự án xây dựng mới hoặc dự án cải tạo sửa chữa (Addition and Alteration - A&A) có tổng diện tích sàn từ 5.000 m2 trở lên [7]. Quy định này đã được áp dụng trên hệ thống CORENET 2 và sẽ tiếp tục được duy trì trên CORENET X. Hồ sơ của các dự án xây dựng mới trên CORENET X sẽ cần tuân thủ theo khuôn dạng IFC-SG, là một tiêu chuẩn openBIM quốc tế và được quy định cụ thể trong tiêu chuẩn ISO 16739-1:2018.
Yêu cầu chung của Bộ tiêu chuẩn thực hành dành cho việc nộp mô hình BIM điện tử bao gồm 11 yêu cầu tổng quát mà một mô hình BIM cần đáp ứng, đó là: Yêu cầu về sản phẩm (Deliverables), Cài đặt mô hình hiện trường, Tỷ lệ, Đặt tên tệp tin, Đặt tên góc nhìn (View Naming), Chú thích và kích thước, Tiêu chuẩn về màu, Các góc nhìn cuối được lưu lại (Last saved views), Trang bìa, Trang tính và Thông tin cốt lõi [9]. Ngoài ra, mỗi template theo từng bộ môn sẽ có kèm theo các Hướng dẫn (Template Guide) tương ứng với từng phiên bản phần mềm.
Các cơ quan quản lý khác nhau có thể có những yêu cầu cụ thể khác nhau đối với mô hình BIM, để phục vụ nội dung thẩm định, quản lý họ phụ trách. Ngoại trừ bộ môn Kết cấu chỉ bao gồm các yêu cầu của Cục Xây dựng và Công trình (BCA), hai bộ môn Kiến trúc và MEP đều có những yêu cầu riêng [8].
Bộ Tiêu chuẩn thực hành dành cho bộ môn MEP bao gồm các nhóm yêu cầu theo từng cơ quan: Bộ Công trình và Xây dựng, Công ty Năng lượng CityGas, Cơ quan Phát triển Thông tin truyền thông (IDA), Cơ quan Môi trường Quốc Gia Singapore (NEA), Cơ quan Quản lý Nguồn nước (PUB) và Cơ quan An toàn cháy nổ (FSSD) [10]. Khi CORENET X được đưa vào vận hành, mỗi cơ quan quản lý sẽ tự trích xuất dữ liệu cần có từ mô hình BIM đã phối hợp [6] để tiến hành xem xét, đánh giá.
4. Mục tiêu, chức năng và hoạt động của hệ thống CORENET
Các mục tiêu cụ thể mà CORENET hướng tới bao gồm:
- Cung cấp các dịch vụ thông tin cho phép các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình lên kế hoạch và ra quyết định;
- Cung cấp cơ sở hạ tầng kết nối Chính phủ và doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình nộp, kiểm tra và phê duyệt các bản vẽ công trình dưới dạng điện tử;
- Hình thành các tiêu chuẩn để cải thiện giao tiếp chuyên môn nghiệp vụ.
CORENET cung cấp nền tảng cho việc nộp hồ sơ của các dự án xây dựng tới Cục Xây dựng và Công trình (BCA) hoặc một trong 15 cơ quan chính phủ khác [11] (xem danh sách ở https://corenet.gov.sg/general/about-us.aspx). Đây là một bộ phận cung cấp dịch vụ ảo, minh bạch, một cửa, hoạt động suốt ngày đêm phục vụ việc nộp điện tử hồ sơ dự án. Cụ thể, các chức năng chính của CORENET bao gồm (Hình 2):
- Kết nối thuận tiện giữa người dân/tổ chức và cơ quan quản lý nhà nước;
- Là cổng thông tin một cửa để các chuyên gia đủ điều kiện (Qualified Person - QP) nộp bản vẽ đến các cơ quan quản lý nhà nước từ mọi nơi, mọi lúc;
- Cung cấp quyền truy cập một cửa cho các chuyên gia đủ điều kiện kiểm tra trạng thái hồ sơ trực tuyến trong quá trình xử lý;
- Cung cấp bảng tin một cửa để các cơ quan phê duyệt đăng tải trạng thái của hồ sơ gửi trực tuyến sau khi thẩm định, xét duyệt.
CORENET cũng đồng thời là cổng thông tin đăng tải các văn bản điện tử, bao gồm các quy định, tiêu chuẩn liên quan tới lĩnh vực xây dựng. Với hệ thống này, người dân có thể gửi các bản vẽ và tài liệu điện tử từ nhà và văn phòng của họ tới 16 cơ quan quản lý khác nhau và có thể theo dõi trạng thái gửi trực tuyến một cách thuận tiện.
Hệ thống xử lý các bản vẽ và tài liệu liên quan để phục vụ việc ban hành các quyết định về: Phê duyệt quy hoạch, Phê duyệt mặt bằng công trình, Phê duyệt thiết kế kết cấu, Giấy phép sử dụng công trình tạm thời, Giấy chứng nhận an toàn cháy nổ và Giấy chứng nhận hoàn thành tuân thủ quy định pháp luật.
Hệ thống CORENET X được mở rộng từ CORENET với việc chấp nhận các mô hình BIM, từ đó tạo ra môi trường hợp tác cho các bên. CORENET X thay đổi cách làm việc truyền thống khi các chuyên gia đủ điều kiện phải làm việc với nhiều cơ quan riêng biệt, có thể phải sử dụng các phiên bản hồ sơ khác nhau, sang cách làm mới với một cổng thông tin điện tử một cửa, để các chuyên gia cộng tác chặt chẽ nhằm hoàn thiện các sản phẩm thiết kế và tạo ra một mô hình BIM phối hợp.
Hình 3 mô tả chức năng của CORENET X như là một gian hàng tích hợp điện tử một cửa đầu tiên trên thế giới.
5. Lợi ích hệ thống CORENET mang lại
Một số lợi ích chính hệ thống CORENET mang lại được nhận dạng như sau:
- Giúp quá trình nộp hồ sơ nhanh và thuận tiện, có thể sử dụng một cổng thông tin để nộp hồ sơ điện tử tới nhiều cơ quan khác nhau, theo dõi được tình trạng hồ sơ trực tuyến. Thời gian xử lý hồ sơ cũng được rút ngắn và không yêu cầu in hồ sơ, tài liệu.
- Hệ thống hỗ trợ các cơ quan quản lý và đơn vị chuẩn bị hồ sơ trong việc chuẩn bị, đánh giá và phân tích hồ sơ trước và trong khi xét duyệt.
- Tích hợp được các giải pháp tự động hóa quá trình phê duyệt hồ sơ thiết kế công trình.
- Là nguồn dữ liệu duy nhất và đúng đắn về các dự án đầu tư xây dựng.
Hệ thống CORENET đã giúp chuyển đổi từ quy trình nộp mặt bằng công trình và giấy phép xây dựng vốn tốn nhiều thời gian sang quy trình mới có tính hiệu quả cao. Ngoài ra, hệ thống tra cứu thông tin của các dự án và các tiêu chuẩn, quy định hiện hành cũng được cập nhật liên tục, giúp việc tra cứu thông tin trở nên nhanh chóng và minh bạch (Hình 4).
Kể từ khi ra mắt, ngành công nghiệp xây dựng đã ghi nhận 3,54 triệu lượt nộp hồ sơ, với trung bình 500 nghìn lượt mỗi năm trong 3 năm gần nhất. Hệ thống đã ghi nhận hơn 13 nghìn tài khoản tới thời điểm hiện tại. Theo ước tính, CORENET đã giúp tiết kiệm được hơn 30 triệu đô la Singapore (hơn 5.300 tỷ đồng) từ việc cắt giảm in ấn và gửi hồ sơ kể từ khi ra mắt tới nay [11].
Phiên bản CORENET X được kỳ vọng hỗ trợ ngành công nghiệp xây dựng chuyển đổi thông qua việc thúc đẩy phối hợp thiết kế và làm việc hợp tác, thúc đẩy việc chuyển đổi số của ngành, và hỗ trợ các sáng kiến và yêu cầu bắt buộc sử dụng công nghệ số cho các dự án xây dựng trong suốt vòng đời, thúc đẩy thiết kế định hướng chế tạo và lắp dựng (DfMA).
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống giúp giảm thiểu sự tắc nghẽn thông tin, các vòng lặp công việc và các cổng kiểm soát. Hệ thống giúp tăng cường sự hợp tác và nâng cao năng suất phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng, cải thiện khả năng truy cập và tập trung hóa thông tin theo định hướng một nguồn dữ liệu duy nhất và đúng đắn (single source of truth) [6].
CORENET còn đóng góp chung vào quá trình chuyển đổi số tại quốc đảo này. Hệ thống này góp phần giúp Singapore được xếp hạng là nước có tốc độ cấp giấy phép xây dựng nhanh nhất thế giới và được Ngân hàng Thế giới xếp hạng là nền kinh tế thân thiện với doanh nghiệp nhất trong 7 năm liên tiếp từ 2006 tới 2012.
6. Kết luận
Hệ thống CORENET của Singapore không chỉ là cổng thông tin một cửa đơn thuần để nộp hồ sơ dự án phục vụ thẩm định, phê duyệt, cấp phép mà còn nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị chuẩn bị thực hiện dự án phối hợp tốt hơn, thúc đẩy áp dụng BIM thông qua hệ thống Tiêu chuẩn thực hành và các hướng dẫn, từ đó tiết kiệm được thời gian, chi phí cũng như dễ dàng cập nhật nếu có yêu cầu.
Việc xây dựng hệ thống cổng thông tin một cửa đã giúp Singapore đạt được nhiều lợi ích thiết thực, từ đó tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý. Kinh nghiệm của Singapore có thể là bài học hữu ích cho các quốc gia trong khu vực đang thực hiện quá trình chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực xây dựng, trong đó có Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
[1] “Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng”.
[2] T. F. Sing and Q. Zhong, “Construction and Real Estate NETwork (CORENET),” Facilities, pp. 419-428, 2001.
[3] “Circular No. APPBCA-2022-10 dated 11 August 2022 on Update on Launch of the CORENET 2.0 e-Submission system,” [Online]. Available: https://cn2resourcehub.com/doc/circular_on_launch_of_corenet_2_11aug2022.pdf.
[4] “Circular No. APPBCA-2022-09 dated 14th July 2022 on Launch of the CORENET 2.0 e-Submission System (CORENET 2.0”).”.
[5] “Circular No.:URA/PB/2023/01-DCG dated 1st February 2023 on CORENET X,” [Online]. Available: https://www1.bca.gov.sg/docs/default-source/docs-corp-news-and-publications/circulars/appbca-2023-02.pdf?sfvrsn=8285122e_2.
[6] CORENET X. A One-Stop Digital Shopfront for Regulatory Processes, Frequently Asked Questions (FAQ) [Online]. Available: https://www1.bca.gov.sg/regulatory-info/building-control/corenet-x/corenet-x-faq.
[7] “Circular No.:URA/PB/2023/07-DCG dated 26th September 2023 on CORENET X Implementation Plan,” [Online]. Available: https://www1.bca.gov.sg/docs/default-source/docs-corp-news-and-publications/circulars/circular-on-corenet-x-implementation-plan.pdf.
[8] “Building Information Modeling e-Submission,” [Online]. Available: https://corenet.gov.sg/general/building-information-modeling-(bim)-e-submission.aspx.
[9] “Code of Practice for Building Information Modelling (BIM) e-Submission, General Requirements. Version 1.1.,” [Online]. Available: https://corenet.gov.sg/media/2157490/1_cp_for_bim_esubmission_gr_v1-1.pdf.
[10] “Code of Practice for Building Information Modelling (BIM) e-Submission, Mechanical, Electrical & Plumbing (MEP) Requirements. Version 1.1.,” [Online]. Available: https://corenet.gov.sg/media/2157491/4_cp_for_bim_esubmission_mep_v11.pdf.
[11] “Factsheet on CORENET,” [Online]. Available: https://www.tech.gov.sg/files/media/media-releases/2013/04/factsheetBCAsCORENETpdf.pdf.