CPI bình quân năm 2024 tăng trưởng tích cực với 3,63%

14:42 06/01/2025
Tổng cục Thống kê cho biết, CPI bình quân quý 4/2024 tăng 2,87% so với quý 4/2023. Tính chung cả năm 2024, CPI tăng 3,63% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Trên thị trường nhìn chung không có biến động bất thường, lạm phát trong tầm kiểm soát.
CPI bình quân năm 2024 tăng trưởng tích cực với 3,63%
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2024 tăng 3,63% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố vào sáng 06/01, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2024 tăng 0,29% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 12/2024 tăng 2,94%.

CPI bình quân quý 4/2024 tăng 2,87% so với quý 4/2023, tính chung cả năm 2024, CPI tăng 3,63% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,03% so với năm trước, tác động làm chỉ số CPI chung tăng 1,35 điểm phần trăm.

Trong đó, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 12,19%, tác động làm CPI tăng 0,45 điểm phần trăm, trong đó giá gạo tăng 15,93% theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Lễ, Tết, làm CPI chung tăng 0,41 điểm phần trăm. Nhóm thực phẩm tăng 2,7%, làm CPI chung tăng 0,58 điểm phần trăm. Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 3,99% do nhu cầu tiêu dùng và chi phí nhân công tăng.

Cùng với đó, chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,2% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,98 điểm phần trăm, chủ yếu do chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 7,68% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức bán lẻ giá điện bình quân làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm; chỉ số giá nhà ở thuê và nhà chủ sở hữu tính quy đổi tăng 4,6% do nhu cầu thuê nhà tăng, tác động làm CPI tăng 0,48 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chỉ số giá nước sinh hoạt năm 2024 tăng 8,33% so với năm trước.

Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,16%, tác động làm CPI chung tăng 0,39 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 5,37% do trong năm học 2023-2024 và 2024-2025 một số địa phương đã tăng mức học phí, tác động làm CPI chung tăng 0,33 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 0,76%, tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm.

Bên cạnh các yếu tố làm tăng CPI, Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra những yếu tố làm giảm CPI trong năm 2024; đó là: Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông năm 2024 giảm 1,02% so với năm 2023 do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với các dòng điện thoại thông minh đưa ra thị trường sau một thời gian.

Tổng cục Thống kê cho biết, trong mức tăng 0,29% của CPI tháng 12/2024 so với tháng trước đó (MoM), có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng chỉ số giá giảm.

Dẫn đầu nhóm hàng có chỉ số giá tăng là nhóm thuốc và dịch vụ y tế với 2,19% MoM. Đáng chú ý, đây là nhóm có chỉ số giá tăng thấp nhất trong tháng 11/2024, với mức tăng chỉ 0,05%.

Nguyên nhân chính khiến chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng trong tháng 12 là do một số địa phương điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo mức lương cơ sở. Bên cạnh đó, thời tiết chuyển sang mùa đông, nhiệt độ chênh lệch nhiều giữa ban ngày và ban đêm nên bệnh cảm cúm, đường hô hấp gia tăng, nhu cầu tiêu dùng các loại thuốc về giảm đau, hạ sốt, đường hô hấp, vitamin và khoáng chất của người dân tăng.

Ở chiều ngược lại, có 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm trong tháng này là nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,03% và nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,13%.

So với cùng kỳ năm 2023, CPI bình quân quý 4/2024 tăng 2,87%. Trong 11 nhóm hàng hóa chính, có 8 nhóm có chỉ số giá tăng và 3 nhóm có chỉ số giá giảm là: bưu chính viễn thông, giáo dục và giao thông.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, năm 2024, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động do ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia. Bên cạnh đó, kinh tế, thương mại toàn cầu phục hồi chậm, thiếu vững chắc; tổng cầu, đầu tư sụt giảm; tỷ giá, lãi suất biến động khó lường.

Tuy nhiên, trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát như: Đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực.

Cùng với đó, giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Theo đó, giá hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nhìn chung không có biến động bất thường, lạm phát trong tầm kiểm soát.

Từ khóa tăng năm 2024 cpi
Bình luận