Đây không chỉ là thay đổi về ranh giới địa lý mà còn là cơ hội để tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư quốc tế.
Theo các chuyên gia, mục tiêu cốt lõi của việc sáp nhập là tinh gọn bộ máy quản lý, khắc phục tình trạng quy hoạch manh mún, từ đó tăng cường sức cạnh tranh tổng thể của các địa phương.
Ông Thomas Rooney - Phó giám đốc dịch vụ công nghiệp Savills Hà Nội nhấn mạnh, được thực hiện một cách bài bản, quá trình này sẽ khởi động sự phát triển của một hệ sinh thái đô thị công nghiệp tích hợp. Điều này đặc biệt quan trọng khi các nhà đầu tư quốc tế ngày càng trở nên chọn lọc hơn trong việc tìm kiếm điểm đến.
Việc mở rộng địa giới hành chính sẽ tạo ra quỹ đất lớn hơn, cho phép các tỉnh quy hoạch những khu công nghiệp quy mô lớn, đa dạng hóa lựa chọn kinh doanh.
Nguồn cung đất công nghiệp dồi dào hơn sẽ giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt tại các khu vực trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp cận các vị trí phù hợp để xây dựng nhà máy.
Sau sáp nhập, các tỉnh lớn hơn sẽ có cơ sở để phân định rõ ràng hơn các khu công nghiệp, hướng tới phát triển các khu công nghiệp chuyên ngành hoặc cụm công nghiệp. Ví dụ, khu công nghiệp hỗ trợ, chuyên cung cấp linh kiện cho các ngành sản xuất chính như ô tô, chất bán dẫn, sẽ có điều kiện phát triển mạnh mẽ.
Chuyên gia của Savills Hà Nội chỉ rõ, các tỉnh như: Bắc Ninh và Hưng Yên, những điểm đến đầu tư nổi bật, sẽ được hưởng lợi lớn từ việc sáp nhập và phối hợp quy hoạch, bổ sung cho nhau về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và chiến lược phát triển. Với quy mô lớn hơn, các tỉnh này có thể đạt được các tiêu chuẩn cao hơn về cơ sở hạ tầng và quản lý, củng cố vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, dù mang lại nhiều tiềm năng, quá trình điều chỉnh ranh giới hành chính cũng sẽ tạo ra những thách thức trong ngắn hạn. Các khía cạnh như quy hoạch sử dụng đất, cấp phép đầu tư, vấn đề pháp lý liên quan đến môi trường và xây dựng sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chuyên gia nhận định đây là cơ hội lớn để xây dựng lại một khuôn khổ quản lý minh bạch và hiệu quả hơn về lâu dài.
Sự phối hợp tốt hơn và các thủ tục thống nhất trong các khu hành chính mới sẽ giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí tuân thủ và nâng cao niềm tin của nhà đầu tư.
Một lĩnh vực bị ảnh hưởng đáng kể là lực lượng lao động, một yếu tố nền tảng cho sức cạnh tranh của BĐS. Thay đổi ranh giới hành chính có thể tác động đến kế hoạch nhà ở, đăng ký hành chính và kết nối giao thông của người lao động.
Nếu không được thực hiện đúng cách, những thay đổi này có thể trở thành rào cản. Ngược lại, đây cũng là cơ hội để xây dựng lại mạng lưới cung ứng lao động ở quy mô khu vực và liên tỉnh.
Bên cạnh đó, sự phát triển của cơ sở hạ tầng liên vùng cũng là yếu tố quan trọng, thúc đẩy sự dịch chuyển khỏi các thị trường công nghiệp truyền thống vốn đang hạn chế nguồn cung và chi phí đầu tư cao. Các địa phương mới nổi với quỹ đất dồi dào, giá cả phải chăng và cơ sở hạ tầng được cải thiện sẽ có tiềm năng trở thành các trung tâm công nghiệp mới.
Giai đoạn chuyển đổi quan trọng này được dự kiến kéo dài từ hai đến ba năm. Các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật thông tin, thiết lập mối quan hệ với chính quyền địa phương mới và linh hoạt trong kế hoạch sử dụng đất của mình. Đối với cơ quan quản lý cần chủ động đối thoại với doanh nghiệp và cung cấp cơ chế hỗ trợ, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ giúp giảm thiểu gián đoạn và duy trì đà đầu tư.
Theo Phó giám đốc dịch vụ công nghiệp Savills Hà Nội, nếu được thực hiện với tầm nhìn dài hạn và quyết tâm đồng bộ, đây có thể trở thành chất xúc tác mới, giúp BĐS Việt Nam bứt phá, khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Số liệu công bố mới nhất của Bộ Xây dựng cho biết, giá thuê BĐS trong quý I/2025 không có nhiều biến động, một số khu vực có mức tăng nhẹ 1-2%. Trong đó, tại khu vực miền Bắc, giá thuê đất khu trung bình khoảng 140-145 USD/m²/tháng; tại khu vực miền Trung, giá thuê đất trung bình từ 50-70 USD/m²/tháng; tại khu vực miền Nam, giá thuê đất trung bình khoảng 180-200 USD/m²/tháng. Giá cho thuê nhà kho và nhà xưởng xây sẵn bình quân tại các KCN phổ biến quý I/2025 tăng khoảng 2% so với cùng kỳ, với mức giá khoảng 80-200 nghìn đồng/m²/tháng.