Đà Nẵng 3 lần điều chỉnh dự án Nhà máy điện rác quy mô hơn 2.000 tỷ đồng

07:00 04/11/2023
Dự án Nhà máy đốt rác phát điện tại TP Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành quý III/2026, xử lý 650 tấn chất thải rắn/ngày đêm.

Thông tin từ Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (điều chỉnh lần 3) cho dự án Nhà máy đốt chất thải rắn phát điện tại Khánh Sơn (TP Đà Nẵng).

Theo thông tin đăng ký đầu tư (sau điều chỉnh), dự án Nhà máy đốt chất thải rắn phát điện tại Khánh Sơn (TP Đà Nẵng) do Công ty CP Môi trường Việt Nam làm chủ đầu tư, có địa chỉ tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn (đường Hoàng Văn Thái, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).

Dự án sẽ sử dụng công nghệ đốt chất thải rắn phát điện sử dụng ghi đốt lò cơ học nhằm xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải cá biệt, chất thải nguy hại đốt được bằng công nghệ đốt phát điện hiện đại, đáp ứng nhu cầu xử lý rác của TP Đà Nẵng.

Dự án sẽ sử dụng vật liệu tái chế, xỉ của nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện để làm vật liệu xây dựng, sản xuất gạch block không nung, cấu kiện bê tông; tái chế dầu nhớt phế thải, cao su phế thải thành dầu đốt PO, RO…

Quy mô của dự án có thể xử lý đốt chất thải rắn với công suất 650 tấn/ngày đêm; phân loại và đốt chất thải công nghiệp thông thường với công suất 350 tấn/ngày; sản xuất 7.068 lít dầu PO thành phẩm mỗi ngày (tương ứng 11,78 lít/tấn rác thải); sản xuất 900 kg dầu RO thành phẩm mỗi ngày (tương ứng 1,5kg/tấc rác thải); kho lưu trữ, xử lý chất thải cá biệt nguy hại 5.000 kg/h; xưởng sản xuất cấu kiện bê tông và gạch block không nung tận dụng xỉ công suất 250 tấn/ngày; công suất phát điện 18 MW.

Hai nhà máy rác 650 tấn/ ngày đêm và 1.000 tấn/ngày đêm đang làm thủ tục và xây dựng của Đà Nẵng đều gặp phải nhiều vấn đề khiến 2 nhà máy này đưa vào hoạt động chậm hơn tiến độ đề ra.

Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là 2.021 tỷ đồng. Dự án dự kiến xây dựng trong 20 tháng, kể từ ngày có Giấy phép xây dựng và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý III/2026.

Được biết, dự án Nhà máy đốt chất thải rắn phát điện tại Khánh Sơn được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu vào tháng 6/2010; chứng nhận thay đổi lần thứ nhất vào tháng 10/2011; chứng nhận thay đổi lần 2 vào tháng 8/2014; tuy nhiên đến nay vẫn vướng chưa thể triển khai dự án và lại tiếp tục điều chỉnh chứng nhận đầu tư lần 3.

Liên quan đến dự án Nhà máy xử lý rác sinh hoạt quy mô 1.000 tấn/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư), Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho hay, hình thức đầu tư theo PPP đối với dự án xử lý rác thải sinh hoạt là phù hợp, tuy nhiên hiện nay chưa có dự án nào triển khai đầy đủ các thủ tục và đi vào hoạt động theo hình thức này.

Đối với dự án này, Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND thành phố tổ chức thẩm định dự án. Hội đồng thẩm định đã đề nghị nhà đầu tư chỉnh sửa, bổ sung các nội dung thẩm định của thành viên Hội đồng thẩm định.

“Thành phố sẽ triển khai các bước tiếp theo theo quy định để làm cơ sở xem xét hồ sơ dự án đáp ứng với các quy định hiện hành. Trường hợp, dự án không thể triển khai được theo phương thức hiện tại, Thành phố hoàn toàn chủ động kêu gọi đầu tư để đảm bảo lộ trình xử lý rác thải theo quy hoạch đã được duyệt bằng các phương thức đầu tư cho phép", đại diện Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho hay.

Dự án Nhà máy đốt rác phát điện tại TP Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành quý III/2026, xử lý 650 tấn chất thải rắn/ngày đêm.  Ảnh minh họa.

Liên quan đến khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường đối với khu dân cư của các dự án nêu trên, theo Sở TN&MT TP Đà Nẵng, khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn (quận Liên Chiểu) bao gồm các hoạt động xử lý chôn lấp rác hợp vệ sinh của thành phố hiện nay và đầu tư các nhà máy xử lý rác thải với công nghệ cải tiến, hiện đại trong thời gian tới.

"Do đó, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường đối với Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn theo quy định. Hiện nay, UBND thành phố cũng chỉ đạo các Sở, ngành liên quan triển khai các phương án giải tỏa đền bù tạo khoảng cách an toàn môi trường 2 giai đoạn đầu tư (500 m, 1.000 m) phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố. Trong phần diện tích khoảng cách an toàn môi trường (500 m, 1.000 m), thành phố sẽ kêu gọi đầu tư các lĩnh vực ít khả năng bị ảnh hưởng môi trường như: trạm điện, trạm trung chuyển rác, kho bãi, logictics…", đại diện Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết.

Bình luận