Đà Nẵng ra chỉ đạo khẩn để sớm bình ổn giá cát

11:27 27/05/2025
HĐND TP Đà Nẵng đã có văn bản số 141/HĐND-ĐT ngày 26/5/2025 gửi UBND TP Đà Nẵng, đề nghị khẩn trương chỉ đạo triển khai các giải pháp cấp bách nhằm xử lý tình trạng khan hiếm cát xây dựng đang diễn ra nghiêm trọng trên địa bàn.
Đà Nẵng ra chỉ đạo khẩn để sớm bình ổn giá cát
Đà Nẵng ra chỉ đạo khẩn để sớm bình ổn giá cát.

Cần có phương án nâng công suất khai thác các mỏ

HĐND TP Đà Nẵng đã có văn bản số 141/HĐND-ĐT ngày 26/5/2025 gửi UBND TP Đà Nẵng, đề nghị khẩn trương chỉ đạo triển khai các giải pháp cấp bách nhằm xử lý tình trạng khan hiếm cát xây dựng đang diễn ra nghiêm trọng trên địa bàn.

Theo đó, từ đầu năm 2025 đến nay, nguồn cát cung cấp cho các công trình xây dựng ngày càng khan hiếm, giá tăng cao, diễn biến phức tạp. Tình trạng này đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công nhiều dự án trọng điểm; đồng thời, gây khó khăn cho các chủ đầu tư, ban quản lý và nhà thầu thi công. Nếu không có giải pháp xử lý căn cơ, thành phố có nguy cơ không hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công và mục tiêu tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng trên 10% trong năm nay.

Với nhu cầu xây dựng ngày càng cao, đặc biệt trong các đô thị lớn như Đà Nẵng, việc thiếu hụt một nguyên liệu cơ bản như cát có thể kéo theo chuỗi phản ứng dây chuyền: chậm tiến độ, tăng chi phí đầu tư, rủi ro phá vỡ kế hoạch đầu tư công… 

Trước thực trạng đó, Thường trực HĐND TP Đà Nẵng đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành rà soát, đưa ra giải pháp ứng phó kịp thời và kế hoạch dài hạn bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng. Trước mắt, cần phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam kiểm tra hoạt động các mỏ cát đã cấp phép và xem xét phương án nâng công suất khai thác để bình ổn thị trường trong khu vực.

Theo ghi nhận, trong tháng 5/2025, giá cát xây dựng tại Đà Nẵng đã tăng từ khoảng 300.000 đồng/m³ lên đến 700.000 đồng/m³, gấp đôi so với cách đây một tháng và gần gấp 3 so với đầu năm. Nguyên nhân được cho là các mỏ khai thác cát tại tỉnh Quảng Nam thông báo tạm dừng hoạt động hoặc bán ra với số lượng ít, khiến thị trường cát xây dựng ngày càng khan hiếm.

Trước đó, ngày 22/5, BQLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp Đà Nẵng cũng đã có văn bản báo cáo khẩn gửi UBND TP Đà Nẵng, vì nhiều dự án trọng điểm đầu tư công của TP Đà Nẵng đang đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ và chất lượng công trình. Nguyên nhân là do một loạt công ty cung cấp bê tông thương phẩm trên thị trường thành phố đã có văn bản bất ngờ thông báo tạm dừng hoặc tăng giá cung cấp bê tông thương phẩm.

Cụ thể, CTCP Xây dựng và Đầu tư thương mại Việt Hàn - Chi nhánh Quảng Nam và Công ty Đầu tư thương mại Phước Yên tạm dừng cung cấp bê tông ra thị trường. Công ty Vinaconex 25 tạm dừng nhận đặt hàng từ ngày 21/5 và chỉ cung cấp "nhỏ giọt" bê tông với giá tăng lên 120 nghìn đồng/khối từ ngày 22/5. Còn đối với Trạm bê tông Sông Hàn, Công ty Sỹ Kiên Mạnh thông báo chỉ cung cấp cho khách hàng mua số lượng nhiều, khách hàng truyền thống và tăng giá lên từ 20 - 30%.

Lý do các công ty này đưa ra là do tình trạng khan hiếm vật liệu cát xây dựng nghiêm trọng. Theo đó, thị trường cát xây dựng biến động rất lớn và không có xu hướng giảm. Đặc biệt, nguồn cung cát vô cùng khan hiếm do các mỏ cấp cát cho thị trường Đà Nẵng - Quảng Nam tạm dừng hoạt động.

Trong tháng 5/2025, giá cát xây dựng tại Đà Nẵng đã tăng từ khoảng 300.000 đồng/m³ lên đến 700.000 đồng/m³.

Đẩy mạnh đấu giá điểm mỏ, giải bài toán khan hiếm vật liệu

Hiện nay, TP Đà Nẵng không có mỏ cát, nguồn cát chủ yếu phụ thuộc vào tỉnh Quảng Nam. Trước đây, tại các vùng lân cận như: huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có rất nhiều mỏ cát lớn trên sông Vu Gia, Thu Bồn. Tuy nhiên, đến nay, đa số các mỏ các đã hết giấy phép, chỉ còn 2 mỏ còn giấy phép. Trong đó, 1 mỏ đang tạm dừng hoạt động và mỏ còn lại sắp hết hạn.

Tại huyện Đại Lộc (Quảng Nam), mỏ Pha Lê với sản lượng khai thác 23.000 m³/năm đã ngừng hoạt động từ đầu tháng 5/2025. Các bến bãi chứa cát dọc sông Vu Gia cũng chỉ còn vài trăm khối đang được ưu tiên giao cho đối tác truyền thống. Một mỏ cát khác tại sông Thu Bồn đến đầu tháng 6 này sẽ hết hạn. Số lượng cát đang được khai thác chỉ đáp ứng đủ cho các đối tác truyền thống.

Để giải quyết tình thế, UBND huyện Đại Lộc vừa ban hành hồ sơ mời tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại 6 điểm mỏ, trong đó có ba mỏ cát lớn: ĐL2 (xã Đại Thắng, 790.000 m³), ĐL11 (xã Đại Đồng, 360.000 m³) và các mỏ ĐL12B1, ĐL12B2 tại xã Đại Quang (tổng trữ lượng hơn 166.000 m³). Tuy nhiên, từ đấu giá đến khi mỏ hoạt động thực tế phải mất rất nhiều thời gian.

UBND huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) cũng vừa thông báo đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 7 điểm mỏ gồm 1 điểm mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường; 2 điểm mỏ đất làm vật liệu san lấp, đắp nền móng công trình và 4 điểm mỏ đất sét, gạch ngói trên địa bàn.

Việc thiếu hụt một nguyên liệu cơ bản như cát có thể kéo theo chuỗi phản ứng dây chuyền: chậm tiến độ, tăng chi phí đầu tư...

Trước đó, UBND huyện Núi Thành (Quảng Nam) cũng thông báo tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đất san lấp tại điểm mỏ NT-BS02, thôn Xuân Ngọc, xã Tam Anh Nam. Khu vực mỏ đưa ra đấu giá quyền khác khoáng sản chưa được thăm dò khoáng sản trữ lượng khoáng sản dự kiến là 600.000 m³, diện tích: 5,25 ha.

Các địa phương khác tại tỉnh Quảng Nam như huyện Hiệp Đức và Quế Sơn cũng lần lượt tổ chức đấu giá điểm mỏ đất ký hiệu HĐ-BS04 đồi phía sau vườn ươm Đức Uyên, khối phố Bình Hòa, thị trấn Tân Bình; mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ NS07 tại khu vực bãi Tý Bồi, thôn Tứ Trung, xã Quế Lâm.

Với thực trạng trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã có yêu cầu các sở ngành tháo gỡ vướng mắc thủ tục đầu tư cho các dự án khai thác khoáng sản. Ông Phan Thái Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, các dự án mới phải xác định rõ công suất và thời hạn khai thác trong quyết định đầu tư để đảm bảo tính minh bạch và lâu dài.

 

 

 

Bình luận