Đại hội Đại biểu toàn quốc Hiệp hội Môi trường đô thị và KCN Việt Nam lần thứ VI

14:47 28/06/2024
Ngày 28/6, tại Hà Nội, Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (Vuizea) đã trọng thể tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Tham dự Đại hội có đại diện lãnh đạo Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ; đại diện một số Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương; các đối tác, hội nghề nghiệp trong nước và quốc tế, cùng gần 250 hội viên tập thể, đại diện cho hơn 80.000 cán bộ, nhân viên, người lao động trong ngành môi trường đô thị trên toàn quốc.

Tính cấp bách trong việc tăng cường phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Trước khi diễn ra chương trình Đại hội, các đại biểu đã được nghe các báo cáo chuyên đề khoa học đến từ các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, chủ doanh nghiệp về công tác quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải tiên tiến hiện nay; thông tin về những khó khăn, kiến nghị để tháo gỡ những “nút thắt” trong việc triển khai các quy định, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ông Hồ Kiên Trung - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT phát biểu.

Ông Hồ Kiên Trung - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT cho biết, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu của mọi quốc gia trên thế giới. Việt Nam đã cam kết thực hiện lộ trình giảm phát thải carbon, phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tỷ lệ xuất khẩu sang các nước châu Âu có xu hướng giảm nếu không đảm bảo được các giải pháp giảm thiểu phát thải trong quá trình sản xuất, tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng. Đây là khó khăn nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam tăng cường phát triển lĩnh vực kinh tế xanh, là cơ hội cho các doanh nghiệp xử lý chất thải mở rộng thị trường.

Hiện nay, hạ tầng và trang thiết bị cho công tác thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải không đồng bộ. Nhiều địa phương vẫn chưa tìm được giải pháp đầu ra cho chất thải cũng như công nghệ tái chế, tái xử lý các loại chất thải sau khi phân loại. Hầu hết các loại chất thải, nước thải hiện nay đều không qua xử lý và xả thải ra ngoài môi trường. Điều này cho thấy tính cấp bách trong việc tăng cường phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về công tác bảo vệ môi trường

Trong bối cảnh nhiều thách thức, Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam đã bám sát chương trình hoạt động đề ra trong nhiệm kỳ V để chỉ đạo, hỗ trợ các đơn vị hội viên trên toàn quốc về cơ chế, chính sách cũng như nguồn vốn đầu tư công nghệ, cải thiện điều kiện lao động… vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Hiệp hội đã tập hợp, đoàn kết, động viên được sức mạnh, sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm và năng lực sáng tạo của tập thể hội viên, triển khai thực hiện tốt các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước…

Hiệp hội đã chỉ đạo các hội khu vực tập trung đầu tư chiều sâu nhằm đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất, từ đó giúp các doanh nghiệp khẳng định được mình, đứng vững và phát triển trong cơ chế thị trường, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao trong công tác bảo vệ môi trường.

Các doanh nghiệp đã tập trung đầu tư cho việc xây dựng các bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh, các nhà máy xử lý chất thải, nhà máy xử lý chất thải phát điện, hệ thống chiếu sáng hiện đại, chỉnh trang công viên, trồng mới nhiều chủng loại cây xanh; đầu tư đổi mới công nghệ, mua sắm thêm nhiều phương tiện, thiết bị chuyên dụng hiện đại sản xuất trong và ngoài nước, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Hiệp hội cũng đã tham gia tư vấn, phản biện nhiều cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật quan trọng, liên quan đến môi trường, công nghệ mới, các định mức kỹ thuật, công nghệ đang được thực nghiệm và đưa vào áp dụng trong thực tế quản lý đô thị và khu công nghiệp; tham gia các hội đồng cấp Nhà nước thẩm định công tác quy hoạch đô thị, cấp thoát nước, nâng cấp đô thị.

Tham gia đóng góp các định mức kinh tế, kỹ thuật về vệ sinh môi trường, thoát nước, cây xanh… áp dụng cho toàn quốc; các tiêu chuẩn xây dựng bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh, các giải pháp chống thất thu phí môi trường. Đặc biệt, Hiệp hội đã tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến cho Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022 đem lại nhiều đổi mới và triển vọng cho ngành môi trường của Việt Nam.

Quang cảnh buổi làm việc Đại hội.

Trong 5 năm vừa qua, Hiệp hội đã chủ trì, đồng chủ trì nhiều hội thảo khoa học trong nước, một số tọa đàm chuyên sâu với nhiều chủ đề như lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn đô thị; phổ biến công nghệ mới, phí vệ sinh đô thị, công tác đấu thầu thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Nhằm tranh thủ sự giúp đỡ về chuyên môn, đào tạo cán bộ, chuyển giao công nghệ từ các đối tác nước ngoài, những năm qua, Hiệp hội đã duy trì, mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước châu Âu như: Phần Lan, Thụy Điển, Pháp…  

Trong bối cảnh công nghệ 4.0, công tác nghiên cứu khoa học đã được Hiệp hội và các đơn vị hội viên đẩy mạnh với hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học các cấp cơ sở, cấp Bộ được triển khai, đem lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất kinh doanh, tiết kiệm cho ngân sách, giảm thiểu những tác động của môi trường độc hại cho người lao động.

Nhân dịp này, Bộ Xây dựng đã trao tặng Bằng khen cho Hiệp hội vì những đóng góp cho công tác bảo vệ môi trường, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023.

Bình luận