Trên đây là một nội dung lưu ý của Bộ Xây dựng tại công văn số 2031/BXD-QHKT ngày 14/5/2024 gửi UBND tỉnh Quảng Bình cho ý kiến đối với đồ án Quy hoạch chung đô thị Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa đến năm 2040.
Cụ thể, theo Bộ Xây dựng, Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định đô thị Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa là đô thị mới loại V đến năm 2030. Do đó, việc lập quy hoạch chung đô thị Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa là có cơ sở.
Bộ Xây dựng lưu ý cơ quan tổ chức lập quy hoạch chịu trách nhiệm về tính pháp lý và tính xác thực của số liệu, tài liệu sử dụng trong đồ án, không hợp thức hóa các sai phạm (nếu có) trong quá trình lập đồ án quy hoạch; sự thống nhất của số liệu sử dụng đất quy hoạch tại thuyết minh tổng hợp và bản vẽ quy hoạch sử dụng đất; quy trình lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch; đảm bảo công khai, đúng trình tự việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư liên quan.
Đồng thời đề nghị lồng ghép nội dung PCCC, phòng chống thiên tai theo quy định pháp luật. Đảm bảo việc chuyển đổi chức năng sử dụng đất tuân thủ các quy định tại Luật Đất đai, Luật Đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp và Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Bên cạnh đó, đồ án cũng cần làm rõ nguồn số liệu hiện trạng như dân số, lao động, đất ở nông thôn; phân loại đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp (phân loại rõ 3 loại rừng) trong đồ án làm cơ sở phân tích, đánh giá quỹ đất.
Bổ sung nội dung đánh giá công tác quản lý, triển khai thực hiện theo quy hoạch được duyệt về phát triển không gian, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật; so sánh, đối chiếu với định hướng và chỉ tiêu tại quy hoạch đã được phê duyệt (nếu có); các quy hoạch chung xây dựng xã Tiến Hóa, các quy hoạch chuyên ngành có tác động trực tiếp trong phạm vi lập đồ án.
Theo đồ án, chỉ tiêu đất dân dụng đến năm 2040 khoảng 285 m2/người, do đó Bộ Xây dựng đề nghị cần có luận chứng đảm bảo tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn; khoảng cách an toàn của khu dân cư xung quanh Nhà máy xi măng Sông Gianh chưa đảm bảo chiều rộng dải cách ly theo quy định.
Một nội dung khác cũng được Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ, đó là cơ sở pháp lý xác định việc sử dụng đất quy hoạch làm VLXD; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác cũng phải đảm bảo tuân thủ pháp luật về lâm nghiệp.
Đồ án cũng cần bổ sung đầy đủ các nội dung theo quy định của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị; hồ sơ đồ án cần tuân thủ quy định của Bộ Xây dựng về hồ sơ quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn; đồng thời bổ sung nội dung thiết kế đô thị theo quy định của Bộ Xây dựng.
Theo chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2030, các chỉ tiêu chính về phát triển đô thị đến năm 2025 gồm: Tỉ lệ đô thị hóa ≥ 33%; đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 1,5 - 1,9%.
Hệ thống đô thị bao gồm: 1 đô thị loại II (Đồng Hới); 3 đô thị loại IV (Ba Đồn, Hoàn Lão mở rộng, Kiến Giang mở rộng); 6 đô thị loại V (Đồng Lê, Phong Nha, Quán Hàu, Nông trường Lệ Ninh, Nông trường Việt Trung, Quy Đạt).
Trong giai đoạn 2026 - 2030, tỉ lệ đô thị hóa ≥ 38%; tỉ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 1,9 - 2,3%.
Hệ thống đô thị bao gồm: 1 đô thị loại II (Đồng Hới); 1 đô thị loại III (Ba Đồn); 2 đô thị loại IV (Hoàn Lão mở rộng, Kiến Giang mở rộng); 12 đô thị loại V gồm 6 đô thị hiện có: Đồng Lê, Phong Nha, Quán Hàu, Quy Đạt, Nông trường Việt Trung, Nông trường Lệ Ninh; 6 đô thị xây dựng mới: Hòn La, Quảng Phương (thị trấn huyện lỵ Quảng Trạch), Dinh Mười (Quảng Ninh), Tiến Hóa (Tuyên Hóa); Cha Lo (Minh Hóa); Phúc Trạch (Bố Trạch).