Đảm bảo công tác an sinh xã hội dịp tết Nguyên đán

22:12 08/01/2025
Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt các địa phương thực hiện kịp thời việc chi trả lương hưu và trợ cấp cho các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội đúng, đủ theo quy định.

Trên đây là đề nghị của Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024, diễn ra tại Hà Nội chiều 08/01.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi thông tin về công tác đảm bảo an sinh xã hội dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ - ẢNh: VGP/NB

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, liên quan đến công tác đảm bảo an sinh xã hội dịp tết Nguyên đán, Bộ LĐTB&XH đã có văn bản số 6560/BLĐTBXH-CBTXH ngày 25/12/2024 hướng dẫn thực hiện các nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương tại Chỉ thị số 40 ngày 01/12/2024 và Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ ngày 05/12/2024, tinh thần là các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện tốt chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị là "không ai bị bỏ lại phía sau" và tất cả người dân có Tết vui tươi, ấm áp.

Năm 2024, tiền lương bình quân của người lao động ước đạt 8,88 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2023. Trong đó, công ty TNHH do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có mức lương bình quân 10,91 triệu đồng/tháng. Lương của doanh nghiệp liên doanh là 8,1 triệu đồng/tháng và lương của doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 9,28 triệu đồng/tháng.

Về tiền lương, thưởng tết Dương lịch năm 2025, theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi, do Tết Dương lịch gần với tết Nguyên đán nên nhiều doanh nghiệp có kế hoạch tập trung cho tết Nguyên đán. Theo đó, mức thưởng bình quân là 1,46 triệu đồng/người/tháng. Trong đó công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn có tiền thưởng là 1,95 triệu đồng/người, doanh nghiệp liên doanh là 1,13 triệu đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 2,01 triệu đồng. Mức thưởng tết Dương lịch năm 2025 cao nhất là 1,8 tỷ đồng, thuộc vị trí quản lý cấp cao trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TP.HCM.

Về thưởng tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, mức thưởng bình quân là 7,72 triệu đồng, tăng 13% so với thưởng tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong đó, công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 7,66 triệu đồng, doanh nghiệp liên doanh là 6,76 triệu đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 8,24 triệu đồng. Mức thưởng tết Nguyên đán năm 2025 cao nhất là 1,908 tỷ đồng, thuộc về vị trí quản lý cấp cao doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TP.HCM.

Về quà tết đối với người có công với cách mạng, Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định về mức quà tết của Chủ tịch nước, trong đó người có công mức 300.000 đồng, và 600.000 đồng cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng và thương binh nặng. Các địa phương sẽ có quà riêng của cấp xã, cấp tỉnh.

Đối với đối tượng bảo trợ xã hội và người nghèo, phần lớn các địa phương đều có kế hoạch chăm lo tết cho đối tượng bảo trợ xã hội và người nghèo với mức 300.000 đồng/hộ. TP.HCM đang ở mức 1,15 triệu đồng/hộ và nhiều thành phố có mức hỗ trợ cao hơn mức trung bình.

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cấp, xuất cấp 7.500 tấn gạo để hỗ trợ cho khoảng 500.000 người dân, những người gặp khó khăn do thiên tai, lũ lụt, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo… Tổng mức chi cho đảm bảo an sinh xã hội dịp tết tổng ước tính là 10.000 tỷ đồng chi trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn.

Trao quà tết cho trẻ em mồ côi ở Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Lai Châu. Ảnh: Thu Trang

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, từ nay đến Tết không còn nhiều thời gian, Bộ LĐTB&XH đề nghị một số việc như sau:

Thứ nhất, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt các địa phương thực hiện kịp thời việc chi trả lương hưu và trợ cấp cho các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội đúng, đủ theo quy định.

Thứ hai, nắm chắc và rà soát, tổng hợp số hộ, số nhân khẩu có nguy cơ bị thiếu đói trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ và giáp hạt đầu năm 2025. Chủ động bố trí ngân sách, huy động nguồn lực để hỗ trợ kịp thời, bảo đảm không ai không có tết.

Thứ ba, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, đặc biệt những địa phương tập trung nhiều lao động. Theo dõi, tình hình để bảo đảm người lao động được chi trả đầy đủ tiền lương, thưởng.

Tạo thuận lợi cho người lao động nghỉ tết và trở lại làm việc sau tết. Chủ động xây dựng các giải pháp phòng ngừa, xử lý tranh chấp lao động nếu có trong dịp tết Nguyên đán.  

Thứ tư, tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm tất cả trẻ em đều có tết vui tươi, ấm áp.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em và phòng chống bạo lực, bạo hành gia đình.  

Thứ năm, các địa phương tăng cường theo dõi, kiểm tra thường xuyên các cơ sở cai nghiện, quan tâm thực hiện đúng chế độ cho cán bộ, viên chức tại các cơ sở này. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học viên kích động, bỏ trốn, phá hoạt cơ sở vật chất gây mất ổn định tình hình chính trị, xã hội tại địa phương.

Theo phương án Bộ LĐTB&XH trình Thủ tướng Chính phủ, tết Nguyên đán năm 2025, cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ 9 ngày liên tục, gồm 5 ngày nghỉ Tết và 4 ngày nghỉ hằng tuần.

Cụ thể, công chức, viên chức, người lao động được nghỉ tết Nguyên đán 5 ngày, từ thứ Hai, ngày 27/01/2025 đến hết thứ Sáu, ngày 31/01/2025 (tức 28 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến ngày mùng 3 tháng Giêng năm Ất Tỵ).

Tuy nhiên, do năm 2025, cả 5 ngày nghỉ tết Nguyên đán rơi vào các ngày làm việc trong tuần nên người lao động được nghỉ thêm 2 ngày nghỉ cuối tuần trước và 2 ngày nghỉ sau nghỉ Tết.

Bình luận