Bộ Xây dựng góp ý về tình hình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội theo kiến nghị của Ban chỉ đạo triển khai Dự án.
Ban chỉ đạo triển khai Dự án đề xuất phân giai đoạn, hạng mục thực hiện đầu tư các công trình xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng (GPMB) là các hạng mục thuộc Dự án thành phần 1 của Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo ý kiến của Bộ Xây dựng, việc phân giai đoạn, hạng mục để thực hiện đầu tư cần đảm bảo tính đồng bộ cho toàn bộ công trình, Dự án.
Bên cạnh đó, việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi ĐTXD của cơ quan chuyên môn về xây dựng được thực hiện đối với toàn bộ dự án, từng dự án thành phần, từng công trình xây dựng hoặc một số công trình xây dựng theo giai đoạn thực hiện, phân kỳ đầu tư phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các kết quả thẩm định và phù hợp với tiến độ dự án tại quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án ĐTXD.
Ngoài ra, ý kiến của Bộ Xây dựng cũng cho biết: Chủ trương đầu tư Dự án được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022, trong đó điểm b khoản 1 Điều 3 quy định: “Giao UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn Dự án”.
Tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 56/2022/QH15 đồng thời quy định cơ chế: “Trường hợp tăng tổng mức đầu tư của dự án thành phần, địa phương được giao làm cơ quan chủ quản hoặc cơ quan có thẩm quyền của dự án thành phần có trách nhiệm cân đối bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để thực hiện dự án thành phần đó.”
Như vậy, việc đề xuất giao UBND TP Hà Nội là cơ quan đầu mối chủ trì ban hành văn bản xác nhận điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư và dự phòng các dự án thành phần làm căn cứ cho cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh Dự án theo kiến nghị của Ban chỉ đạo triển khai Dự án là khác với quy định về cơ chế triển khai Dự án được Quốc hội quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 56/2022/QH15.
Bộ Xây dựng đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Một số đề xuất khác của Ban chỉ đạo triển khai Dự án, đề nghị Văn phòng Chính phủ tham khảo ý kiến của các Bộ GTVT, TN&MT, Tài chính, KH&ĐT để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Dự án ĐTXD đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km gồm 103km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến đường nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long; điểm đầu tại Km3+695 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, điểm cuối tại Km40+500 đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long; Dự án đi qua địa bàn 3 tỉnh, thành phố: TP Hà Nội khoảng 58,2km, tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3km và tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3km.
Dự án được chia thành các dự án, nhóm dự án thành phần: Nhóm dự án thành phần GPMB; Nhóm dự án thành phần xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành; Dự án thành phần đầu tư hệ thống đường cao tốc theo phương thức PPP.
Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án hơn 85.800 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hơn 28.170 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 28.190 tỷ đồng và vốn BOT hơn 29.440 tỷ đồng.
Dự án thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Theo đó, dự kiến lập, phê duyệt và bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB cơ bản hoàn thành trước 31/3/2023; Lập trình Báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thành phần trước ngày 31/10/2022 và phê duyệt trước ngày 31/12/2022; Lập, thẩm định và phê duyệt các dự án thành phần trước ngày 31/01/2023; Bàn giao 70% mặt bằng trước ngày 30/6/2023, bàn giao 100% mặt bằng trước ngày 31/12/2023; Khởi công trước ngày 30/06/2023.