Đảm bảo nguyên tắc an toàn khi cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản

15:05 11/11/2024
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng tiếp tục khẳng định thông điệp, đảm bảo nguyên tắc an toàn khi cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, trong phiên chất vấn sáng 11/11, tại nghị trường Quốc hội Kỳ họp thứ 8.
Đảm bảo nguyên tắc an toàn khi cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trong phiên chất vấn của ĐBQH, sáng 11/11.

Sáng 11/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng các nội dung thuộc lĩnh vực ngân hàng.

Đảm bảo nguyên tắc an toàn để có khả năng chi trả

Phát biểu chất vấn Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Đỗ Huy Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết, so với thị trường BĐS Trung Quốc, dư nợ tín dụng BĐS Việt Nam mới chiếm tỷ lệ là 20%, Trung Quốc có thời điểm cao hơn là 30%. Như vậy, vẫn còn dư địa cho vay BĐS ở Việt Nam hiện nay. Vậy, quan điểm của Thống đốc về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Đỗ Huy Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai. Ảnh: quochoi.vn.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, dư nợ tín dụng đối với BĐS của Việt Nam hiện chiếm tỷ lệ khoảng 20 - 21% tổng dư nợ của nền kinh tế. Việc các tổ chức tín dụng cấp tín dụng vào các lĩnh vực nào, tỷ lệ là bao nhiêu, hoàn toàn phụ thuộc vào sự quyết định của tổ chức tín dụng trên cơ sở nguồn vốn huy động được. Mỗi một ngân hàng huy động được các kỳ hạn khác nhau, có ngân hàng huy động được nhiều vốn dài hạn, nhưng cũng có những tổ chức tín dụng huy động được vốn ngắn hạn. Cho nên, khi cấp tín dụng đối với BĐS là tín dụng về trung hạn, dài hạn, ngân hàng phải rất cân đối với tỷ lệ huy động được. Tính toàn hệ thống ngân hàng của Việt Nam, 80% là vốn ngắn hạn nên khả năng cho vay tiếp tục của thị trường BĐS sẽ phải đảm bảo nguyên tắc an toàn để khi người dân rút tiền, ngân hàng sẵn sàng, có khả năng chi trả cho người gửi tiền.

Vậy, NHNN sẽ xử lý ra sao trước tình trạng chạy sô tăng trưởng ở lĩnh vực tín dụng, đồng thời hạn chế rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực như BĐS, đây là một vấn đề nóng ảnh hưởng đến sự bền vững của hệ thống ngân hàng cũng như toàn bộ nền tài chính của quốc gia, theo ý kiến chất vấn của đại biểu Hồ Thị Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị?

Đại biểu Hồ Thị Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị. Ảnh: quochoi.vn.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tại một số tổ chức tín dụng, việc chạy sô tăng trưởng tín dụng có thể tiềm ẩn rủi ro cũng như khi cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.

NHNN Việt Nam đang thực hiện 2 chức năng: Một, điều hành chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối; Hai, quản lý nhà nước đối với hoạt động tiền tệ và ngân hàng.

Mục tiêu điều hành của NHNN là vừa phải góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, mà an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng cần phải đặt lên trên hết và trước hết. Chính vì thế, căn cứ vào những diễn biến thực tế, từ năm 2011 đến nay NHNN phải sử dụng công cụ room tín dụng, hạn mức tín dụng.

Đối với lĩnh vực BĐS, NHNN không cấm các tổ chức tín dụng cho vay. Có thể doanh nghiệp BĐS vẫn có khả năng trả nợ nhưng tổ chức tín dụng cũng không cho vay, vì tổ chức tín dụng huy động nguồn vốn ngắn hạn, trong khi dự án vay với giá trị lớn và kỳ hạn dài, nên khó cho vay. Cho nên, về mặt quy định của pháp luật, NHNN có chỉ tiêu sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn và hiện nay quy định không được vượt quá 30%. Trong giám sát hằng ngày, NHNN có những cảnh báo đối với các tổ chức tín dụng có tiềm ẩn rủi ro để đảm bảo an toàn hệ thống.

Khách hàng vẫn phải đảm bảo đủ điều kiện vay vốn

Qua phần trả lời 2 câu hỏi chất vấn trên có thể thấy thông điệp rất rõ ràng từ Thống đốc NHNN. Vậy, thông điệp này liệu có ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân cho Chương trình phát triển nhà ở theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững?

Đề cập đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đề nghị Thống đốc cho biết các giải pháp của NHNN để đẩy nhanh tiến độ giải ngân của chương trình tín dụng cho vay NƠXH, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư theo Nghị quyết số 33/NQ-CP?

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau. Ảnh: quochoi.vn.

Trả lời về nội dung này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chương trình 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 là một chủ trương lớn và rất nhân văn, giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp, cần phải được huy động từ rất nhiều các nguồn vốn mà đặc biệt là nguồn vốn từ NSNN. Trong phiên thảo luận xã hội và trong phiên thảo luận về thị trường BĐS rất nhiều đại biểu đã nêu Chương trình cần phải huy động vốn của NSNN.  

Để hưởng ứng Chương trình, NHNN cũng đã báo cáo Chính phủ đưa vào Nghị quyết số 33/NQ-CP là các ngân hàng thương mại tự nguyện đưa ra một gói 120.000 tỷ đồng, đến nay đã tăng lên 145.000 tỷ đồng. Vốn do các ngân hàng huy động từ người dân, lãi suất giảm khoảng 1,5 - 2% so với mức lãi suất thông thường, áp dụng 3 năm đối với người có thu nhập thấp và 5 năm đối với chủ đầu tư.

Tuy nhiên, giải ngân vốn này thì thấp và phụ thuộc vào các địa phương phải công bố các dự án đủ điều kiện tham gia Chương trình theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Việc này là cho vay thông thường, cho nên khách hàng vay vốn vẫn phải đảm bảo đủ điều kiện vay vốn.

Trong bối cảnh COVID-19 tác động vẫn còn hệ lụy, người bình thường đã rất khó khăn, người có thu nhập thấp và công nhân lại càng khó khăn để đi vay để sở hữu một căn nhà. Đây là giai đoạn mới đầu triển khai nên chưa tăng giải ngân được, khi kinh tế khó bớt khó khăn thì có thể sẽ tăng giải ngân.

Bộ Xây dựng cũng như các địa phương cũng cần đánh giá xem nhu cầu sở hữu nhà ở hay là nhu cầu đi thuê nhà của người có thu nhập thấp để có thể đưa ra các giải pháp phù hợp.

Về giải pháp để tiếp tục thúc đẩy thị trường BĐS đang trầm lắng; tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp, công nhân KCN có cơ hội giải quyết nhu cầu về nhà ở, trong khi gói vay 120.000 tỷ đồng đang giải ngân rất chậm, như ý kiến chất vấn của đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thực trạng thị trường BĐS đang bị mất cân đối về cung cầu trên các phân khúc của thị trường, đặc biệt phân khúc thị trường BĐS đối với người có thu nhập thấp chưa được phát triển mạnh mẽ. Trong các chính sách kinh tế, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt chỉ đạo trong Nghị quyết số 33/NQ-CP để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh và đầu tư vào BĐS.

Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: quochoi.vn.

Trong suốt thời gian vừa qua, NHNN đã có những giải pháp như: Thứ nhất, rà soát các VBQPPL để đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp gặp khó khăn, không trả được nợ. Ban hành Thông tư cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để các doanh nghiệp BĐS được cơ cấu lại nợ và có thể tiếp cận nguồn vốn vay mới.

Thứ hai, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm, miễn lãi suất đối với các dự án, trong đó có các dự án BĐS; sửa đổi Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp theo hướng đảm bảo thuận lợi hơn đối với lĩnh vực thị trường BĐS; Đối với phân khúc nhà ở có thu nhập thấp, đây là nguồn lực chủ yếu phải từ NSNN, NHNN đã đề xuất gói 120.000 tỷ đồng, trong thời gian tới sẽ tích cực triển khai; Những đối tượng thuộc đối tượng cho vay nhà ở, hỗ trợ đất ở, hỗ trợ nhà ở của các Chương trình mục tiêu quốc gia, NHNN đã chủ trì tham mưu, ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/04/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ 2021-2030, giai đoạn 1: từ năm 2021-2025, khi được bố trí nguồn thì những giải pháp hỗ trợ sẽ được thực hiện theo Chương trình.

Trước đó, chiều 28/10, tại phiên thảo luận về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển NƠXH từ năm 2015 đến hết năm 2023”, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, bắt đầu từ ngày 06/10/2022 tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) diễn ra sự cố rút tiền hàng loạt, quy mô lớn, chưa từng có tiền lệ, đã ảnh hưởng lan truyền đến thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.

Chính vì vậy, NHNN phải đặt mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn hệ thống, theo đó phải đảm bảo khả năng chi trả cho người gửi tiền để tránh hoảng loạn tài chính. Vào thời điểm đó, các tổ chức tín dụng rất thận trọng khi cho vay mới, đặc biệt đối với các dự án BĐS có kỳ hạn dài.

Bình luận