Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quy định về điều chỉnh dự án

06:32 27/01/2023
Do Luật đầu tư công điều chỉnh cả dự án có cấu phần xây dựng và dự án không có cấu phần xây dựng nên các trường hợp được điều chỉnh dự án quy định tại Luật Đầu tư công có thể rộng hơn quy định tại Luật Xây dựng.

Bộ Xây dựng nhận được ý kiến của cử tri tỉnh Đồng Tháp với nội dung kiến nghị: Luật hiện hành quy định về các trường hợp được điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng vốn tại Khoản 1, Điều 61 Luật Xây dựng năm 2014 không thống nhất với quy định tại Khoản 2, Điều 43 Luật Đầu tư công năm 2019 dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện.

Do đó, cử tri kiến nghị nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, điều chỉnh Luật Xây dựng năm 2014 hoặc Luật Đầu tư công năm 2019 để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quy định về điều chỉnh dự án.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:

Khoản 1 Điều 61 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại điểm c khoản 64 và khoản 18 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng quy định:

“Các trường hợp được điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công bao gồm:

a) Do ảnh hưởng của thiên tai, sự cố môi trường, địch họa, hỏa hoạn và các yếu tố bất khả kháng khác;

b) Xuất hiện yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án khi đã được chủ đầu tư chứng minh về hiệu quả tài chính, kinh tế - xã hội do việc điều chỉnh dự án mang lại;

c) Khi quy hoạch xây dựng thay đổi có ảnh hưởng trực tiếp tới dự án;

d) Khi chỉ số giá xây dựng do Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố trong thời gian thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá xây dựng được sử dụng để tính dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư dự án được duyệt;

đ) Khi điều chỉnh chủ trương đầu tư dẫn đến phải điều chỉnh dự án.”

Khoản 2 Điều 43 Luật Đầu tư công quy định: “Việc điều chỉnh dự án được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Khi điều chỉnh hoặc dừng chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền;

b) Khi điều chỉnh quy hoạch ảnh hưởng trực tiếp tới dự án;

c) Do nguyên nhân bất khả kháng làm thay đổi về mục tiêu, quy mô đầu tư, chi phí và thời gian thực hiện dự án;

d) Do ảnh hưởng của sự cố thiên tai, hỏa hoạn hoặc yếu tố bất khả kháng khác khi đã hết thời gian bảo hiểm của dự án;

đ) Xuất hiện các yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn về tài chính, kinh tế - xã hội do việc điều chỉnh dự án mang lại và được cơ quan có thẩm quyền thẩm định;

e) Khi chỉ số giá trong thời gian thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá được sử dụng để tính dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền quyết định.”

Do Luật đầu tư công điều chỉnh cả dự án có cấu phần xây dựng và dự án không có cấu phần xây dựng nên các trường hợp được điều chỉnh dự án quy định tại Luật Đầu tư công có thể rộng hơn quy định tại Luật Xây dựng.

Đối với 05 trường hợp được điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng quy định tại Luật Xây dựng đều thuộc trường hợp điều chỉnh dự án quy định tại Luật Đầu tư công, theo đó, quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật Xây dựng (được sửa đổi, bổ sung tại điểm c khoản 64 và khoản 18 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14) và khoản 2 Điều 43 Luật Đầu tư công đã bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo. 

 

Bình luận